Công chức không mặn mà với đề xuất giờ làm việc bắt đầu từ 8h30

ANH THƯ |

Dự thảo luật Lao động sửa đổi đang đề xuất việc thống nhất giờ làm việc các cơ quan hành chính trong toàn quốc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những bộ phận làm việc 24/24h). Nhiều cán bộ, công chức cho rằng nếu áp dụng sẽ nảy sinh những bất cập.

Nên bàn bạc kĩ lưỡng

Trước đề xuất quy định giờ làm việc “cứng” trên cả nước, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - cán bộ Tư pháp UBND phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, việc có thay đổi giờ làm việc, bắt đầu từ 8h30 hay giữ nguyên như hiện nay cần phải bàn bạc một cách kĩ lưỡng.

Công chức không mặn mà với đề xuất giờ làm việc bắt đầu từ 8h30 - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng Minh tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng). Ảnh PV.

Theo bà, trước khi áp dụng, đề xuất trên phải lấy ý kiến của những đối tượng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các chuyên gia sẽ có những đánh giá tác động của sự thay đổi trên.

“Nếu muốn điều chỉnh giờ làm việc, chúng tôi đề xuất nên xem xét điều chỉnh những giờ giấc của đơn vị khác, ví dụ thời gian vào lớp của học sinh.

Hiện, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều gia đình khác đều đưa con đi học vào buổi sáng. Giờ vào lớp của học sinh là 7h. Vậy, khoảng thời gian từ 7h-8h30 thì chúng tôi biết đi đâu, làm gì? Chỉ tính riêng câu chuyện đó thôi đã thấy sự bất cập”, bà Minh nói.

Theo cán bộ Tư pháp UBND phường Thanh Nhàn, giờ làm việc bắt đầu muộn là xu hướng chung của thế giới. Thời điểm này, ứng dụng vào nước ta chưa phù hợp. Khi tính toán thay đổi một vấn đề, cơ quan chức năng nên kiểm định tính khả thi của vấn đề đó.

Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Dương Tuyết Nhung - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết thêm: “Theo tôi làm việc từ 8h như hiện nay là tốt nhất. Khi thay đổi giờ làm việc có rất nhiều xáo trộn trong cuộc sống. Được biết, nhiều cơ quan ở Ba Vì còn làm việc từ 7h30. Thời gian là vàng bạc, nếu đi làm từ 8h30 thì quá muộn và không phù hợp với thói quen của người dân nhiều địa phương.

Mặt khác, người dân vẫn bắt đầu công việc từ 7h hoặc 7h30 sáng, sẽ gây khó khăn cho họ khi cần liên hệ làm việc tại các cơ quan công quyền.

Quan trọng là hiệu quả công việc

Nhiều công chức cho rằng, đề xuất trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi thay đổi giờ làm việc như vậy sẽ bộc lộ nhiều bất cập. Ông Đỗ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Thời gian bắt đầu làm việc của cơ quan hành chính lúc 8h30 là quá muộn, sẽ ảnh hưởng đến việc đưa con đi làm của cán bộ, công chức”.

Theo ông Đỗ Ngọc Anh, giờ làm việc nên để tự điều chỉnh giữa các địa phương cho phù hợp với khí hậu và đặc điểm dân cư vùng miền.

Vị này nêu ví dụ ngay ở một số địa phương cơ quan hành chính họ đã làm việc từ 7h30, do khu vực đó không xảy ra tình trạng tắc đường… Vì vậy, việc giờ làm việc nên để địa phương tự quyết định.

Công chức không mặn mà với đề xuất giờ làm việc bắt đầu từ 8h30 - Ảnh 3.

Ảnh Lê Toàn.

Ông Bùi Mạnh Hoài - Phó Phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm bày tỏ: “Theo Bộ luật Lao động hiện hành, thời gian làm việc là 8 giờ/ngày. Điều quan trọng nhất sau một ngày làm việc của người lao động được đo đếm là hiệu quả trong công việc”.

“Theo tôi, cần đảm bảo số giờ làm việc theo quy định chung. Thời gian làm việc việc bắt đầu - kết thúc nên giao cho địa phương quyết định.

Đất nước ta đặc thù là trải dài, địa hình miền núi, đồng bằng, ven biển… nên có những thói quen, tập quán khác nhau. Ngoài ra, thời tiết, khí hậu vùng miền cũng ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của con người”, ông Hoài nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại