Đề xuất hai phương án quy định giờ làm việc của công chức, viên chức

XM |

Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang công bố để lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra hai phương án quy định thời gian làm việc tại các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”.

Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Theo Bộ LĐTBXH, ở Việt Nam, hiện tại việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính thì do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang làm xảy ra một số tồn tại như: Không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông), trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau; Chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương.

Theo đại diện Ban soạn thảo, trước đó tại một phiên thảo luận tại Quốc hội năm 2017, đã có ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất về quy định khung giờ làm việc khối hành chính công và một số chuyên gia cũng đề nghị thống nhất giờ làm việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định thời gian làm việc do lãnh đạo địa phương quyết định để còn phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Đơn cử như Hà Nội từng có quy định lệch giờ nhau để giảm ùn tắc giao thông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại