Nhà Thanh là một trong những vương triều hưng thịnh, nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng kể từ khi dựng nước cho tới khi suy vong, bức tranh chính trị Thanh triều chưa từng thiếu vắng bóng dáng các cuộc đấu tranh dù lớn hay nhỏ.
Khởi đầu là cuộc chiến "phản Thanh phục Minh", sau đó là khởi nghĩa Bạch Liên giáo, cuối đời lại vấp phải cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc và phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.
Mỗi cuộc chiến đều kinh thiên động địa, quỷ khóc thần sầu, đặc biệt phải kể tới cái tên Thái Bình Thiên Quốc vào cuối đời Thanh với thanh thế vô cùng lẫy lừng, nuốt trọn nửa giang sơn nhà Thanh.
Thái Bình Thiên Quốc là một nhà nước tôn giáo thần quyền Thiên chúa giáo trong lịch sử Trung Quốc được hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân do Hồng Tú Toàn cầm đầu vào giữa thế kỷ 19. Thái Bình Thiên Quốc có lãnh thổ trải rộng từ sông Dương Tử xuống phía nam Trung Quốc với trên 16 tỉnh và hơn 600 thị, có thủ đô là Thiên Kinh (Nam Kinh).
Lịch sử phát triển và suy vong của Thái Bình Thiên Quốc gắn liền với cuộc đấu tranh của người Hán chống lại sự cai trị của nhà Thanh và sự xâm lăng của các thế lực phương Tây .
Cuộc chiến tranh giữa Thái Bình Thiên Quốc và các thế lực đối kháng được coi là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong thế kỷ 19 ở Trung Quốc và trên thế giới.
Theo thống kê không chính thức, các cuộc chiến này đã tước đi sinh mạng của hơn 20 triệu người, bao gồm thường dân và quan quân, nhưng cũng có nguồn cho rằng số người chết lên đến khoảng 50 triệu người.
Sau cuộc chiến chống lại Thái Bình Thiên Quốc, nhà Thanh đã kiệt quệ và đành phải chứng kiến các nước phương Tây xâm chiếm những vùng đất duyên hải, áp đặt các đặc quyền thương mại trên đất Trung Hoa.
Đây cũng là cuộc khởi nghĩa kéo dài nhất khiến nhà Thanh phải mất 14 năm mới có thể hoàn toàn xóa sổ được.
Sở dĩ Thanh triều có thể dẹp bỏ được Thái Bình Thiên Quốc, phần lớn nguyên nhân nằm ở vấn đề nội bộ lục đục, nảy sinh không ít mâu thuẫn, tứ đại thiên vương tàn sát lẫn nhau, dẫn đến thực lực của đội quân này sụt giảm đáng kể.
Sau cái chết của Hồng Tú Toàn, Thái Bình Thiên Quốc chẳng khác nào một con rắn mất đầu. Khi ấu chúa Hồng Thiên Quý Phúc, con trai Hồng Tú Toàn lên ngôi, tiếp quản cơ ngơi thì tình hình đã vô cùng rối ren.
Năm 1864, thủ đô Thiên Kinh của Thái Bình Thiên Quốc bị Tương quân đánh hạ, ấu chúa Hồng Thiên Quý Phúc bị bắt. Vận mệnh của vị tiểu hoàng đế tại vị mới chỉ vỏn vẹn 44 ngày sẽ ra sao?
Ấu chúa bị bắt và áp giải tới Nam Xương, do tri phủ Nam Xương lúc bấy giờ là Hứa Bản Dung và Thẩm Bảo Trinh lần lượt thẩm vấn.
Trong suốt quá trình tra khảo, ấu chúa đẩy mọi trách nhiệm lên đầu cha và tướng lĩnh của Thái Bình Thiên Quốc, khúm núm cầu khẩn sự khoan dung của nhà Thanh. Hồng Thiên Quý Phúc không ngừng chê bai cuộc sống ở Quảng Đông và bày tỏ bản thân không hề muốn quay trở lại nơi đó, mà muốn ở đây học tập, thi đỗ tú tài.
Nhưng đáp lại thái độ thành khẩn cầu xin của Hồng Thiên Quý Phúc vẫn chỉ là bản án tử hình, hơn nữa lại là hình phạt tàn khốc nhất – lăng trì.
Vị ấu chúa năm nào ra đời muôn chim hát ca chào đón, mới 9 tuổi đã lấy 4 người vợ, 16 tuổi lên ngôi, tại vị 44 ngày, cuối cùng vẫn không thoát khỏi sự tàn sát của nhà Thanh. Không những thế, còn phải chịu sự giày vò khủng khiếp từ 10003 nhát dao trước khi qua đời, thi thể lăn lóc ngoài đường.
Có lẽ ngay cả đến khi chết, Hồng Tú Toàn cũng không biết rằng, cái tên đầy khí phách đặt cho con trai cũng không thể bảo vệ được tính mạng của nó. Lịch sử Trung Quốc có không ít đế vương bị giết, thế nhưng chỉ có duy nhất Hồng Thiên Quý Phúc phải chịu cái kết lăng trì. Thật sự khiến người ta không khỏi thương xót!
*Theo Sohu (Trung Quốc)