Phóng viên: Thưa ông, ngày 9-7, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất để đàm phán, thương lượng về điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019. Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề nghị chưa nên tăng. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của phía VCCI?
- PGS-TS Vũ Quang Thọ: Với đề nghị không tăng LTT vùng năm 2019 là vô lý. Vô lý ở chỗ trong các báo cáo của Chính phủ hay chính phía VCCI cũng đã thừa nhận trong báo cáo của họ, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2018 tăng khoảng 4% và trong năm 2019 dự báo có thể cao hơn nếu như tăng trưởng nền kinh tế tăng lên thì mức giá cũng sẽ tăng.
Mà giá đã tăng thì không lý gì không bù đắp vào lương cho người lao động (NLĐ) bởi đây là khoản lấy ra khỏi lương của NLĐ, phần mà chính giá cả đã tăng làm cho lương thực tế của NLĐ bị tụt xuống.
Do giá cả tăng lên từng nào thì lương thực tế giảm đi từng ấy nên phải bù đắp khoản thiếu hụt này cho NLĐ.Vô lý thứ 2, dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) trong năm 2018 khoảng 6,8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% thì phần năng suất lao động của NLĐ tạo ra tăng trưởng này cũng chiếm từ 3%-4%.
Mà tăng trưởng kinh tế do tăng năng suất lao động (NSLĐ) thì NLĐ phải được hưởng, coi như phần thưởng của NLĐ. Chính vì vậy, chủ sử dụng lao động phải trả phần này (3%-4%) cho NLĐ, chứ không thể nói cho hay không cho, tăng hay không tăng, bởi đây không phải là quyền của chủ sử dụng lao động.
Rõ ràng, với 4% do tăng giá và 3%-4% tăng NSLĐ, đã phải tăng LTT 7%-8%. Điều này khẳng định ý kiến của phía VCCI đề nghị không tăng lương là sai.
Liệu đề xuất mức tăng lương 8% của Tổng LĐLĐ Việt Nam có phải là cao quá không?
- Tôi khẳng định đây là mức đề nghị tăng khiêm tốn. Khiêm tốn là vì cả đại diện 3 bên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, VCCI) đã thống nhất rằng mức tăng tiền LTT hằng năm phải tính trên cơ sở của 3 yếu tố: Thứ nhất, là khoản chênh lệch của tiền LTT so với nhu cầu sống tối thiểu - tức là mức sống tối thiểu.
Thứ hai, phần tăng trưởng GDP do NSLĐ tăng. Thứ ba, tăng giá (CPI) phải bù vào cho NLĐ. Chúng tôi đã cộng 3 yếu tố đó vào để đề xuất tăng lương và mức tăng thấp nhất căn cứ theo 3 yếu tố trên là khoảng 8%.
Đời sống của đại bộ phận công nhân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nếu chúng ta chia mức LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì năm 2019 phải tăng lương 8% và năm 2020 phải tăng 8% nữa, mới đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp (DN), xác định:
"Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ".
Còn nếu chúng ta không trả phần thiếu hụt tiền lương của NLĐ so với mức sống tối thiểu (hiện tiền lương mới chỉ đạt 92% mức sống tối thiểu) thì mức tăng ít nhất trong năm 2019 phải ở mức 6%-7%.
Khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy LTT mới đáp ứng được 92% mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nếu năm 2019 tăng lương 8% sẽ đáp ứng được 95,4% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Nếu chúng ta không tăng lương trong năm 2019, sang năm 2020, liệu DN có chịu nổi mức tăng khoảng 16%, bao gồm: 8% phần thiếu hụt của tiền lương so với mức sống tối thiểu, cộng với trượt giá (4%), cộng với tăng NSLĐ (khoảng 4%)… hay không?
Nếu DN chịu đựng được mức tăng này (16%) trong năm 2020 thì bảo đảm đúng lộ trình mà nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương đã đặt ra. Còn nếu DN không chịu được, có nghĩa DN phản đối lại nghị quyết đó. Vậy tại sao không chấp nhận mức tăng hợp lý 8% mỗi năm cho năm 2019 và 2020?
VCCI đưa ra lý do đề nghị chưa nên tăng lương năm 2019 để nhằm "dưỡng sức doanh". Theo ông, đây có phải là lý do chính đáng?
- Tôi không bình luận chính đáng hay không chính đáng nữa. Dù VCCI có nói rằng nó chính đáng thì tôi chỉ xin hỏi: Nếu năm 2019 các vị không tăng lương thì năm 2020 các vị có thể tăng gần 20% hay không?
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, chúng ta có thể hiểu rằng đến năm 2020 là kết thúc "cuộc rượt đuổi" giữa mức LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Rõ ràng đây là cuộc đấu tranh giằng co giữa một bên là đại diện cho NLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và một bên đại diện cho chủ sử dụng lao động (VCCI). Nhưng có một thực tế chúng ta phải thừa nhận hàng triệu lao động trong gần 300 KCN-KCX trên cả nước và các DN khác hiện nay đang phải sống khó khăn.
Hầu hết họ không có thời gian, tiền bạc để nghĩ đến đời sống văn hóa tinh thần. Điều đó cho thấy NLĐ vẫn đang phải sống lam lũ. Trong khi đó, chúng ta cứ nói về tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm qua...
Vì lẽ nào tăng trưởng như thế, thành tựu như thế mà NLĐ không được hưởng? Nếu NLĐ đang sống khá giả thì có thể hoãn tăng lương vài ba năm cũng được. Nhưng NLĐ đang sống cực khổ, khó khăn, nếu chúng ta vẫn nghĩ mức lương của NLĐ hiện nay như thế là đủ rồi thì liệu có đúng không? Có hợp tình, hợp lý không?
Chúng tôi không phải cứ nhất nhất bênh vực cho giới mà chúng tôi đang phục vụ. Nhưng những căn cứ pháp lý cũng như bức tranh đời sống NLĐ mà chúng tôi đưa ra để đề xuất tăng lương năm 2019 là sự thật. Do đó, cần phải tăng lương ở mức hợp lý.