1. Liệt kê những thứ cần mua
Trước khi tới siêu thị việc bạn cần làm là liệt kê các sản phẩm mà mình muốn mua. Trước hết, kiểm tra tủ lạnh trong gia đình. Dọn dẹp sạch nó để biết chắc chắn mình sẽ cần mua những thứ gì.
Nếu thiếu sót bước này bạn sẽ lớ ngớ trong việc chọn đồ và thường xách cả túi to về nhà nhưng trong đó chưa tới 40% những thứ lẽ ra chẳng cần thiết phải mua làm gì.
Việc liệt kê các thứ cần mua theo danh sách cũng giúp bạn cân nhắc mức độ cần thiết của món đồ đó. Nó có thật sự cần hay không.
Sau đó sắp xếp nó thành từng nhóm. Ví dụ như nhóm thực phẩm tươi sống, nhóm áo quần, nhóm lương khô để tìm mua cho nhanh và đỡ tốn công sức.
Cách làm này cũng giúp bạn tránh khỏi sức quyến rũ của những chương trình giảm giá của các hãng bán lẽ để cho vào giỏ đồ những thứ không cần thiết.
2. Mang vừa tiền
Công thức tiêu tiền tiết kiệm khi đi siêu thị là chỉ nên mang một lượng tiền vừa đủ. Nếu bạn mang quá nhiều, bạn có thể dễ bị mất cắp, hoặc mua sắm quá tay thả cửa vì cảm giác kinh tế dư thừa.
Một công dụng khác của việc mang vừa tiền là giúp bạn không bị hấp dẫn bởi các chương trình giảm giá.
Đơn giản vì những món đồ đó chưa chắc bạn đã cần dùng đến. Đừng biến nhà mình thành nhà kho vì các chương trình giảm giá khủng. Vừa tốn tiền lại không cần dùng tới.
Bạn chỉ nên mua những mặt hàng giảm giá thực sự cần thiết vì nhược điểm của chúng là không thể đổi trả như những mặt hàng thông thường khác.
Chính vì thế, đi siêu thị thì bạn cần thực sự tỉnh táo trước những chương trình khuyến mại vì nhiều người thường rơi vào tình trạng vừa mua hàng xong đã cảm thấy hối hận ngay lập tức.
3. Không đi mua sắm trong lúc đói bụng
Tưởng đơn giản nhưng đây là nguyên tắc tiết kiệm đỉnh cao khi đi siêu thị. Đó là đừng tới đây khi bạn đang quá đói hay quá mệt. Lúc này đánh giá của bạn sẽ sai lệch toàn bộ.
Thứ nhất, tâm lý của bạn chỉ muốn mua cho xong hoặc sẽ bị thu hút bởi những đống đồ ăn thơm phức trên kệ. Bạn sẽ cố gắng mua những thứ có thể ăn ngay mặc dù khi về nhà bạn vẫn còn bữa cơm đang chờ đợi.
Đến lúc khỏe khoắn, tính táo lại bạn mới sẽ ngán ngẩm vì nhận ra mình đã quá sai lầm và phung phí với những món đồ vừa tiêu.
Nếu chọn ngày đi siêu thị là ngày nghỉ hãy đi lúc 3 giờ chiều. Thời điểm này bạn tương đối dai sức, vừa ăn no mà siêu thị cũng không tấp nập đông đúc như buổi tối.
4. So sánh giá các mặt hàng cùng chủng loại
Những sản phẩm giống nhau nhưng ở các địa chỉ bán lại có mức chênh lệch khác nhau từ 200 đồng cho tới 2.000 đồng.
Tại các siêu thị, thường các món đồ đắt tiền sẽ được bày ở vị trí ngang tầm mắt hoặc thấp ở trên kệ hàng. Bạn nên chú ý thêm trọng lượng đóng gói được ghi trên bao bì để mua được sản phẩm với giá tốt nhất.
5. Đăng ký làm thành viên, khách hàng thân thiết
Các siêu thị thường có chương trình ưu đãi riêng cho các thành viên mua hàng thân thiết để kích cầu.
Chính vì thế, đừng quên cộng điểm mua hàng sau mỗi lần đi siêu thị. Số điểm tuy nhỏ nhưng khi cộng dồn lại bạn sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn cho những lần mua sắm kế tiếp.
6. So sánh giá giữa chợ và siêu thị
Khi bắt gặp một món đồ tại siêu thị mà mức giá của nó bạn cho rằng là cao thì hãy tham khảo giá bán lẻ ở chợ.
Tuy đơn giản nhưng việc lên kế hoạch chi tiêu, khảo giá, sưu tầm phiếu giảm giá mua hàng, nhất là các món đồ bạn thường xuyên sử dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể.
7. Kiểm tra phiếu tính tiền
Và lời khuyên cuối cùng dành cho bạn khi đi mua sắm tại siêu thị là đừng bỏ qua thao tác kiểm tra lại phiếu tính tiền. Nhiều người cho rằng, việc tính tiền tại siêu thị máy tính đã đảm bảo sự chính xác.
Tuy nhiên thực tế chỉ ra rằng, những ngày cuối năm hoặc ngày giảm giá mạnh, lễ tết thì lượng khách quá tải khiến việc tính toán đôi khi bị nhầm lẫn.
Việc sai sót xảy ra cũng không phải là ít nên bạn hãy dành thời gian của mình tập trung vào màn hình tính tiền và kiểm tra những mặt hàng mà mình đã mua.
Chú ý các số liệu như dung tích (ví dụ bạn mua loại nửa lít nhưng bị tính tiền sản phẩm cùng loại 1 lít) bạn có thể nhờ chỉnh sửa ngay.
Bạn cũng nên nhẩm tính số tiền mình phải trả từ trước để xem có khớp với giá mà nhân viên bán hàng thông báo hay không.
Nhớ giữ thói quen lưu giữ cả hóa đơn vì điều này rất có ích cho bạn trong trường hợp bạn muốn đổi, trả hàng hoặc phát hiện có sơ sót của nhân viên sau khi về nhà kiểm tra lại.
Việc lưu lại hóa đơn cũng giúp bạn kiểm soát chi tiêu của mình dễ dàng hơn.