Sự việc tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ bắn hạ chiếc tiêm kích bom Su-22M4 của Không quân Syria đã và đang khiến tình hình ở Syria có những diễn biến mới hết sức phức tạp. Cả Nga và Mỹ đều đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, chỉ cần một chút thiếu kiềm chế có thể dẫn tới xung đột quân sự leo thang giữa các cường quốc.
Nga có đủ lực để bắn hạ máy bay Mỹ và liên quân ở Syria?
Chúng ta đều biết, hiện nay các nhóm tác chiến của Không quân - Vũ trụ và Hải quân Nga đang đồn trú ở Syria với lực lượng khá mạnh, gồm nhiều vũ khí trang bị hiện đại như tên lửa phòng không S-400 Triumf, tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1, tiêm kích đa năng Su-30SM, Su-35 đều có thể bắn hạ máy bay Mỹ và liên quân trong chớp mắt.
Tuy nhiên, lực lượng Nga đồn trú tại Syria quá mỏng, nhất là về tên lửa phòng không và tiêm kích đánh chặn.
Về phòng không, duy nhất 1 tổ hợp tên lửa S-400 và vài tổ hợp Pantsir-S1 như là những "cánh én đơn lẻ" và nhiệm vụ chính yếu của chúng là bảo vệ căn cứ sân bay, căn cứ hải quân nơi có lực lượng Nga đồn trú. Hơn nữa, cơ số đạn hiện có ở Syria cũng có hạn, trong trường hợp có xung đột quân sự cường độ cao, e là các tổ hợp này sẽ sớm "trắng bệ".
Mặc dù có một số tàu chiến Nga có khả năng phòng không tầm xa đang ở ngoài khơi Syria nhưng sự tham gia của chúng sẽ không thể bằng những tổ hợp tên lửa phòng không cơ động trên mặt đất.
Các tổ hợp tên lửa S-400 và pháo/tên lửa Pantsir-S1 của Nga ở Syria luôn sẵn sàng chiến đấu.
Như vậy, có thể thấy, với lực lượng mỏng như vậy, các lực lượng Nga đồn trú tại Syria sẽ ở thế yếu trước binh hùng tướng mạnh của liên quân "mang danh" chống IS do Mỹ dẫn đầu đang ngày đêm rình rập cơ hội để tung những cú đấm "dưới thắt lưng" hoặc thậm chí "đánh vỗ mặt" bất chấp Nga có tuyên bố cứng rắn đến đâu đi chăng nữa.
Thế nên, mặc dù Nga tuyên bố lạnh lùng rằng sẽ thẳng tay bắn hạ bất cứ vật thể bay nào của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu nếu "cố tình" lạc sang phía tây sông Euphrate tại Syria, nhưng liệu họ có đủ lực và đủ dũng cảm để làm điều này?
Ngoài ra, dù Quân đội Syria sở hữu trong tay khá nhiều tổ hợp phòng không hiện đại như Buk-M2E, Pantsir-S1, nhưng vai trò của chúng quá mờ nhạt và sức chiến đấu, độ tinh nhuệ cũng có hạn.
Về không quân tiêm kích, các máy bay chiến đấu Su-35, Su-30SM của Nga ở Syria cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng khác gì tên lửa phòng không. Nhiệm vụ của chúng tiếng là kiểm soát bầu trời nhưng chủ yếu để mang tính răn đe là chính, thi thoảng có tham gia các phi xuất oanh kích mục tiêu mặt đất, nhưng chỉ là phụ thôi.
Các máy bay tiêm kích, cường kích của Nga đồn trú tại căn cứ Không quân Khmeimim.
Làm thế nào để Nga "nói có người nghe, đe có người sợ"?
Liên quân do Mỹ dẫn đầu luôn chọn đúng thời điểm, chủ động, trực tiếp hoặc gián tiếp "ra đòn" bẩn với Nga ở Syria, điển hình như vụ tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 Nga và gần đây nhất, tiêm kích F/A-18 Mỹ bắn hạ tiêm kích bom Su-22M4 của Không quân Syria - đồng minh thân cận của Nga.
Vậy với tuyên bố "Nga sẽ bắn hạ bất cứ mục tiêu nào của Liên quân nếu vượt qua lằn ranh đỏ là phía tây sông Euphrate" được nhiều chuyên gia quân sự cho là lạnh lùng và cứng rắn, nhưng họ cũng nghi ngờ rằng liệu Nga có thực sự "dám hành động" hay không.
Bởi lẽ, một "cú nhấn nút trả đũa" có thể sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng tột độ, không loại trừ xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn. Nga đang không có thế thượng phong ở Syria trước các lực lượng Liên quân, nên chắc chắn họ sẽ phải giữ cái đầu lạnh, thậm chí "ngó lơ" trước sự xâm phạm của những vật thể bay "lạ".
Hoặc giả, nếu Nga thực sự sẽ thẳng tay bắn hạ máy bay Mỹ và liên quân thì họ sẽ phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về lực lượng - sức mạnh quân sự và sẵn sàng trên mặt trận ngoại giao cũng như truyền thông, vốn đang bị Mỹ và các nước phương Tây thao túng.
Tiêm kích Su-30SM của Nga ở Syria.
Muốn làm được như vậy, về mặt quân sự, Nga có thể sẽ phải cấp tốc điều thêm lực lượng sang Syria mà trước hết là tên lửa phòng không và không quân tiêm kích để tăng khả năng trực chiến 24/24h, không để lỡ thời cơ diệt mục tiêu ngay khi chúng "xâm phạm" vùng trời đã tuyên bố "cấm bay".
Các vũ khí mà Nga có thể điều thêm sang Syria có thể gồm tên lửa S-300, S-400, Buk, Pantsir-S1, tiêm kích Su-27SM, Su-30SM, Su-35 cùng nhiều loại radar cảnh giới nhìn vòng tầm xa.
Tất nhiên, các lực lượng này sẽ phải đồn trú ở những căn cứ khác ngoài Khmeimim vì sức chứa ở đây có hạn và không thể "đem bỏ hết trứng vào một giỏ" nếu bị tập kích bất ngờ.
Tất cả những ý kiến trên chỉ mang tính giả định, hiện vẫn chưa rõ các động thái quân sự tiếp theo của Nga ở Syria sẽ như thế nào, liệu họ có điều thêm lực lượng sang chiến trường khốc liệt này hay không nhằm "thực hiện lời hứa" bảo vệ đồng minh?
Trên hết, có thể hiểu mặc dù tuyên bố cứng rắn, nhưng Nga chắc chắn sẽ phải giữ cái đầu lạnh, không để căng thẳng leo thang dễ dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn.