1. Người dậy sớm ≠ Người thành công
Để khuyên mọi người đi ngủ sớm, người ta hay nói thế này: "Những người thành công đều có thói quen dậy sớm."
Có ví dụ thực tế không? Tất nhiên là có.
CEO Tim Cook của Apple thức dậy lúc 3h45p sáng mỗi ngày.
Chủ tịch Lee Kun Hee của tập đoàn Samsung 6h sáng đã có mặt ở văn phòng.
Steve Jobs rời giường vào lúc 4h sáng hàng ngày.
Sau khi ví dụ, người ta sẽ tổng kết: Thái độ của bạn đối với việc dậy sớm sẽ quyết định đẳng cấp cuộc đời bạn. Bạn muốn thành công, hãy bắt đầu từ việc dậy sớm...
Thực ra, câu chuyện này vẫn còn một nửa ít ai nhắc đến.
Thời gian làm việc của nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, Honoré de Balzac, là 1h đêm đến 8h sáng.
Franz Kafka, nhà văn người Đức, người được xem là một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỉ 20 thường xuyên viết tiểu thuyết đến 6h sáng.
Bậc thầy piano Glen Gould chỉ sáng tác khi đêm đã về khuya.
Tôi cũng xin tổng kết một chút: Thái độ của bạn đối với việc thức khuya rồi sáng hôm sau ngủ bù, sẽ quyết định đẳng cấp cuộc đời bạn.
Trên đời này có nhiều người thành công, có người thích làm việc vào sáng sớm có người không, tại sao chỉ mỗi việc dậy sớm được cổ vũ?
2. Sáng sớm ≠ Khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày
Mùa xuân gieo hạt, thu về mới được thu hoạch, thời gian đẹp nhất trong năm là mùa xuân. Làm việc khi mặt trời mọc, đến lúc mặt trời lặn mới được thu hoạch, thời gian đẹp nhất trong ngày là sáng sớm.
Điều đó về cơ bản thì đúng, nhưng không tuyệt đối.
Đừng quên trên trái đất này còn có những vùng nhiệt đới, ở đó chỉ có mùa hè thôi. Nếu cứ phải bắt đầu một năm bằng mùa xuân, thì mọi người ở đó làm thế nào?
Nhớ khi còn đi học, có một lần giáo viên tiếng Anh bảo chúng tôi tổng kết cách học tập của riêng mình, trong đó có một phần là: "Em học từ mới hiệu quả nhất vào lúc nào?".
Nếu quan niệm buổi sáng là lúc đầu óc minh mẫn nhất, học vào nhất là đúng thì đáp án của mọi người đáng ra phải đồng nhất là vào sáng sớm mỗi ngày.
Nhưng thực tế là, có bạn nói sáng sớm, có bạn nói trước khi đi ngủ, có bạn bảo vào chiều tối, thậm chí còn có bạn kể vào lúc đi xe bus về nhà sau khi tan học, ngồi xe hết một tiếng, có thể học thuộc hơn 60 từ, sang hôm sau vẫn không quên, vô cùng năng suất.
Thời điểm học tập, làm việc hiệu quả nhất trong ngày của mỗi người có thể khác nhau. Sáng sớm chưa chắc đã là khoảng thời gian đẹp nhất, thuận lợi nhất trong ngày của tất cả mọi người.
Tôi đồng ý, buổi sáng đầu óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái, có tác dụng tích cực trong việc sắp xếp công việc trong ngày. Nhưng bạn cũng không thể phủ nhận rằng, ban đêm yên tĩnh, linh cảm dễ xuất hiện, cũng là khoảng thời gian tuyệt vời cho việc học tập và sáng tạo.
3. Dậy sớm ≠ Biết ép mình vào khuôn khổ
Nhiều người cho rằng kiên trì dậy sớm là biểu hiện của ép mình vào khuôn khổ, sống tự giác, kỷ luật... Nhưng việc này bắt buộc phải được thực hiện dựa trên hai điều kiện:
1- Bạn phải ngủ đủ giấc
Nhu cầu về giấc ngủ đối với mỗi người mỗi khác, có người chỉ cần ngủ hai tiếng là đã đủ sảng khoái tinh thần, giống như CEO Tim Cook của Apple, làm việc đến đêm khuya, ngủ đến 3h45p sáng đã dậy.
Nhưng với hầu hết chúng ta, cần ngủ ít nhất tám tiếng mỗi ngày mới đủ để giữ cơ thể khỏe mạnh.
Nếu bạn đã không thể đi ngủ sớm, rồi lại còn vì cái gọi là "khuôn khổ" kia, mà ép mình dậy sớm hơn người khác ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, thì lợi ích đâu chưa thấy, chỉ thấy tổn thọ thêm mà thôi.
Cứ như thế về lâu về dài, thì không phải tự giác nữa, mà là tự sát.
2- Đối với bạn, sáng sớm là thời gian làm việc hiệu quả nhất
Nếu bạn dậy sớm rồi, lại phát hiện sáng ra mình cứ ngơ ngác hỗn loạn, làm gì cũng không hiệu quả như lúc trưa và tối, thậm chí còn "đá thúng đụng nia" gây thêm phiền phức, thế thì cách tốt nhất là nên quay lại đi ngủ tiếp thôi.
Bởi vì đối với bạn mà nói, sáng sớm ngày ra làm gì cũng không hiệu quả, thế thì có dậy cũng chỉ lãng phí thời gian nghỉ ngơi.
Xin đừng để những lời hô hào của người này người kia lừa gạt mình. Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều nên tìm ra khoảng thời gian hiệu quả nhất trong ngày, để sắp xếp mọi việc sao cho có lợi nhất.
Cuộc đời là của bạn, người lựa chọn là bạn, người được hưởng thành quả và gánh chịu hậu quả từ những lựa chọn đó cũng là bạn, tư tưởng của người khác chưa chắc đã đúng với bạn, cũng chưa chắc đã hữu dụng với bạn đâu.