Có hàng tá lời khuyên từ các chuyên gia rằng, dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày là cách tuyệt vời để bạn có một ngày năng suất và hiệu quả. Nhưng có vẻ như lời khuyên đó là khi chưa xem xét đến những người thuộc kiểu “cú đêm”.
Hay nói cách khác, đối với những người bị rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (DSPS), chuyện dậy vào 5 giờ sáng gần như là bất khả thi chứ không phải vì họ chưa cố gắng hay nỗ lực gì cả.
DSPS là một vấn đề với đồng hồ sinh học trong cơ thể, đặc biệt là với giấc ngủ. Bạn hầu như không ngủ đúng giờ như mọi người bình thường mà sẽ trễ hơn ít nhất là 2 tiếng. Và ngay cả khi bạn mệt mỏi lắm rồi thì giấc ngủ cũng không hề dễ dàng.
Chính điều này sẽ làm ảnh hưởng đến giờ thức dậy, cản trở công việc, chuyện học hành và các thói quen hàng ngày khác. DSPS thực ra lại rất phổ biến, nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và người trưởng thành (tỉ lệ khoảng 15%).
So với những người “cú đêm”, họ chính là người chọn việc thức khuya thì những người có DSPS thì dù có muốn ngủ cũng không được, do đồng hồ sinh học của họ bị chậm hơn người khác.
Chính vì thế, họ thường làm những công việc về đêm và chỉ ngủ khi mọi người thức dậy đi làm. Lịch trình ngược đời như vậy nhưng họ sẽ chẳng bao giờ cảm thấy mệt mỏi, luôn đúng giờ và tận hưởng cuộc sống theo cách mà những người ngủ sớm cảm thấy khó hiểu.
Vậy lịch trình hoàn hảo cho một người có DSPS là như nào?
Giấc ngủ hoàn hảo nhất của tôi sẽ là từ 2h sáng đến 9h sáng, sau đó cả ngày dài thậm chí không cần một giấc ngủ ngắn nào nữa.
Còn một giấc ngủ tương đối tốt là từ 5h sáng đến 12h đêm. Giấc ngủ này cũng ổn nhưng nếu tôi cần thức dậy và làm việc như giờ giấc của người bình thường thì giấc ngủ đầu tiên vẫn ổn hơn.
Khi có con gái và khi cô bé mới đang học đến cấp 2, tôi thay đổi lịch ngủ một chút để phù hợp. Bởi vì không thực sự có thể tỉnh táo trước 9h sáng nên tôi chỉ bắt đầu công việc từ 10h đến 4h chiều, sau đó chợp mắt một lúc và 6h thì đến đón con gái đi học về.
Tự tôi nhận thấy mình là một người năng suất dù có hơi chếnh choáng vài giờ sau khi vừa ngủ dậy. Vì dù lịch ngủ không “bình thường” nhưng tôi lại có giấc ngủ đúng giờ và tạo thành thói quen tốt nhất nhà.
Nhưng đó là khi con gái tôi chưa vào cấp 3.
Trường cấp 3 của con bé bắt đầu lúc 7h sáng, và vì trường xa nhà nên nó phải dậy từ 5h sáng. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự khổ sở của tôi.
Thông thường tôi sẽ thức đến tận 1-2h sáng và khi bắt đầu thiu thiu với giấc ngủ cũng là lúc con gái tôi dậy để chuẩn bị đến trường. Vì thế, tôi cũng lại phải dậy theo, đưa con gái và em gái đi học lúc 6h45 rồi 7h45 trở về nhà để ngủ đến 1h chiều.
Vì sự đảo lộn đó, tuần trước tôi đã thử đi ngủ từ 10h tối và đó là giấc ngủ tồi tệ nhất từ trước đến giờ. Tôi đã phải trải qua ngày hôm sau một cách khổ sở vì kiệt sức và cũng không được nghỉ trưa vì có quá nhiều việc phải làm mà không thể tập trung nổi.
Vậy làm cách nào để khắc phục điều đó?
Tôi từng thử rất nhiều cách như mọi người chỉ bảo, từ việc uống sữa ấm đến bỏ cà phê. Nhưng tất cả chẳng hiệu quả, vì nó đơn giản là chu kỳ sinh học của cơ thể, bạn không thể đảo lộn nó một cách cố tình.
Thay vào đó, tôi cố gắng đặt mình xuống giường lúc nửa đêm để có 5 tiếng ngủ chóng vánh. Tất nhiên 5 tiếng là không đủ so với 7-8 giờ hoàn hảo nhưng như thế còn tốt hơn là không ngủ, sau đó tôi sẽ có một giấc ngủ trưa ngắn để phục hồi năng lượng.
Thức dậy lúc 5h có thể là tốt, nhưng đó là với người nào đó khác chứ không phải những người có DSPS như tôi. Bạn không phải cố cưỡng ép bản thân phải học theo bất kỳ lịch trình nào để thành công, trong khi nó vắt kiệt sức sáng tạo và sự tỉnh táo. Trước hết, hãy làm những gì phù hợp với bản thân mình đã.
* Chia sẻ của blogger Brown Suger trên Medium