Năm 1938, một thị trấn mọc lên từ vùng đất nông nghiệp trù phú cách Berlin 150 dặm về phía tây để phục vụ cho một tổ hợp nhà máy ô tô khồng lồ.
Năm 1945, thị trấn được đổi tên thành Wolfburg, theo tên một lâu đài gần đó. Trong những thập kỷ tiếp theo, nó phát triển thành một trong những trung tâm sản xuất lớn hành tinh – có diện tích rộng gần bằng Monaco – sản xuất hàng chục triệu chiếc Volkswagen Beetle và nhiều mẫu xe khác.
Ngày nay, Wolfsburg là một thành phố có gần 130.000 dân nhưng nó vẫn là một “thị trấn” Volkswagen. Công ty này sử dụng khoảng 22.000 công nhân tại nhà máy, cùng với khoảng 38.000 nhân sự khác tại trụ sở đặt liền kề.
Mỗi mùa hè, các dây chuyền lắp ráp ngừng hoạt động 3 tuần để cho công nhân có thời gian nghỉ ngơi, đồng thời dọn dẹp, bảo trì và lắp đặt thiết bị mới cho nhà máy. Vì hầu hết mọi người trong thị trấn đều có mối liên hệ nào đó với Volkswagen nên khi nhà máy đóng cửa, Wolfburg cũng vậy.
Như một thông lệ, một dàn hợp xướng gồm kèn, kèn trombon và trống sẽ được đặt ở cổng số 17 để biểu diễn âm nhạc vào cuối ca của ngày thứ 6 cuối cùng trước kỳ nghỉ hè (năm nay là từ ngày 17/7 đến 4/8). Trên đường rời khỏi cửa, nhiều người sẽ chọn mang về một gói cà ri đặc trưng của Volkswagen, được sản xuất tại chính nhà máy này.
Tất nhiên, thành phố sẽ không biến thành một thị trấn “ma” như cách đây vài thập kỷ bởi nhân viên văn phòng tại trụ sở của Volkswagen không “nghỉ hè” cùng lúc với nhân công ở nhà máy. Thời điểm này, Wolfburg sẽ lên lịch tổ chức các triển lãm nghệ thuật, hòa nhạc để đón chào người tham quan và các tín đồ shopping cũng có thể đến một trung tâm mua sắm lớn.
Trụ sở của Volkswagen (trên) và Autostadt (dưới).
Năm 2000, Volkswagen mở cái gọi là “Autostadt” (thành phố xe hơi) gồm một bảo tàng và công viên giải trí cạnh con kênh ngăn cách trung tâm thành phố vớ nhà máy. Trong suốt giai đoạn nghỉ hè, Autostadt tổ chức lễ hội âm nhạc với các tiết mục từ metal, hip-hop đến jazz để thu hút người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Việc tìm kiếm một quán ăn cũng trở nên khó khăn hơn vì nhiều cửa hàng sẽ treo biển “nghỉ hè” hoặc cắt giảm giờ làm và cho nhân viên nghỉ ngơi.
Với hàng chục nghìn người bước vào kỳ nghỉ, giao thông ở Wolfburg giảm tới 80%. Đó là thời điểm bộ phận bảo trì đường bộ của thành phố chuyển sang chế độ làm việc liên tục. Họ sẽ cử các đội lấp ổ gà và lát lại đường phố. Trong mùa hè này, họ đang bước vào chặng đầu tiên trong dự án kéo dài 2 năm nhằm mở rộng đường cao tốc chính vào thị trấn.
Việc này phần nào gây phiền toái cho một số người khác. “Để đến chỗ làm, tôi phải đi vòng gần 6 km”, người lái xe bus Norman Heinrichs cho hay. “Họ nên phân bổ công việc tốt hơn bởi vì không phải ai cũng làm việc tại VW và chúng tôi cũng phải đi làm”.
Với những người về hưu như Burkhard Priesz, việc VW bước vào kỳ nghỉ hè mang lại sự nhẹ nhõm. Ông gặp gỡ bạn bè để cùng chơi cờ trên một bàn cờ lớn ở trung tâm thành phố.
“Trong những kỳ nghỉ của VW 20 năm trước, không có gì xảy ra ở trung tâm thành phố”, Christiane Reinholds, người gốc Wolfburg, làm nhân viên bán hạng tại một trong nhiều cửa hàng của trung tâm mua sắm cho biết. “Điều đó đã thay đổi một phần nhờ trung tâm mua sắm”. Trung tâm này mọc lên khoảng 15 năm trước, thổi một luồng sinh khí mới vào thành phố này.
Tuy nhiên, quản lý trung tâm Michael Erns cho hay nhiều nhân viên tại đây muốn được nghỉ ngơi vào giai đoạn này. “Xét cho cùng, hầu hết mọi người ở Wolfburg đều có mối liên hệ nào đó với VW”, anh nói.
Đối với những người không thể (hoặc chọn không) đến miền nam châu Âu đầy nắng, luôn có hồ Allersee dưới bóng mát của các xưởng sản xuất đồ sộ của VW. Nước mát, cây cối che bóng, cỏ xanh mướt, có cát cho trẻ em xây lâu đài. Với nhiều người ở đây, nó thậm chí còn vui vẻ, ít đông đúc hơn các bãi biển ở Ý, Hy Lạp hoặc Tây Ban Nha.