Mấy ngày gần đây, liên tiếp những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ diễn ra trên khắp cả nước được phơi bày.
Có thể kể đến như vụ việc người giúp việc hành hạ trẻ sơ sinh hơn 1 tháng tuổi, hay mới đây nhất là một cô giáo tại trường mầm non tư thục Mầm Xanh, TP.HCM có hành vi bạo hành trẻ nhỏ...
Điều này khiến cho không ít phụ huynh lo lắng bởi khi bị bạo hành, những đứa trẻ sẽ phải gánh những tổn thất về tinh thần, thể xác và nhân cách to lớn... sau này.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu, bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần bằng hành động cũng như lời nói đối với các em nhỏ - những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Và khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ, nỗi đau của trẻ gánh chịu sẽ còn mãi...
1. Vết thương tinh thần theo cả đời
Cần khẳng định rằng, một trẻ em đã từng bị bạo hành ngoài phải chịu tổn thương thể xác như vết bầm tím, rách da... thường sẽ có những biểu hiện tâm lý đặc trưng, dễ dàng đoán biết. Đó là trẻ hay tỏ ra giận dữ, gắt gỏng, buồn chán, ăn ngủ bất thường hoặc hay bị ám ảnh là sẽ bị bỏ rơi, ngủ mơ đến ác mộng…
Theo các chuyên gia tâm lý, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường bởi khi trẻ còn nhỏ, hệ thống não bộ, hệ thần kinh của trẻ còn non nớt, chưa được hoàn thiện 1 cách đầy đủ. Chỉ cần 1 tác động nhỏ thôi cũng khiến chúng bị ấn tượng, ám ảnh rất lâu.
Các nhà khoa học đã khẳng định, 3 năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng của sự phát triển não cụ thể là trong giai đoạn này não hoàn thành 70 – 80% liên kết giữa các tế bào ở sau não, hình thành cơ bản của các liên kết về cảm giác trong não.
Khi được tiếp xúc càng nhiều sự vật hiện tượng từ môi trường xung quanh, các tế bào não càng được được kích thích hoạt động, chúng bắt đầu liên hệ với nhau, các sợi thần kinh nhánh bắt đầu phát triển.
Dần dần chúng liên thông với nhau hình thành các con đường truyền tải thông tin, vì vậy hoạt động tâm sinh lý cũng ngày càng trở nên phong phú đa dạng hơn.
Do đó, bị bạo hành trong thời gian này, trẻ em sẽ dễ bị ám ảnh, trở nên mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân, cùng với việc thiếu nuôi dưỡng tình cảm dễ hung tính, khi thấy bạo lực dễ bắt chước...
2. Sang chấn tâm lý, cơ thể "héo mòn"
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi phải trải qua những trận bạo hành khủng khiếp về cả thể xác lẫn tinh thần, nhiều trẻ mắc phải chứng "Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương" (PTSD).
Theo đó, các em sẽ luôn nhớ về các sự kiện khiến mình hoảng sợ, đau đớn, dần dần mất hứng thú với hoạt động mình từng yêu thích, thu hẹp mình hơn, dần sống tách biệt với cuộc sống.
Với những trẻ có thần kinh yếu, chỉ với hành động bạo hành đủ khiến trẻ trầm cảm, sang chấn tâm lý hoặc có thể bị động kinh sau này.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2007, người lớn có tiền sử bị bạo hành hay lạm dụng khi còn nhỏ dễ mắc các chứng dị ứng, viêm khớp, hen suyễn, cao huyết áp…
3. Trẻ có nguy cơ dễ thành tội phạm xã hội trong tương lai
Ở góc nhìn tâm lý học, những trẻ em từng trải qua bạo hành bị ám ảnh và có xu hướng trở thành người "bạo hành trẻ em" khi lớn lên.
Một nghiên cứu năm 1988 còn chỉ ra rằng, trẻ em bị bạo hành có nguy cơ trở thành tội phạm giết người vị thành niên cao gấp 100 lần trẻ bình thường.
Vậy phải làm sao để giúp các bé vượt qua được nỗi sợ hãi bạo hành?
Theo các chuyên gia tâm lý, không có cách nào khác đó là bố mẹ phải ôm ấp, an ủi, vỗ về con trẻ. Tạm thời, người lớn nên để cho trẻ chơi với các bạn cùng trang lứa ở nhà 1 thời gian để giúp trẻ ổn định tâm lý.
Nếu có những biểu hiện như khóc thét thì phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị liệu pháp tâm lý kịp thời.
Hãy nhớ, trẻ em là thế hệ tương lai của cả nhân loại. Chúng ta cần chung tay tạo ra một môi trường sống tốt đẹp cho sự phát triển, lớn lên của các em.
Mỗi cá nhân, bất cứ khi nào phát hiện hành vi bạo hành trẻ em, hãy ngăn chặn và thông báo ngay cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.