Chứng kiến đoạn video ghi lại hình ảnh người giúp việc hành hạ trẻ sơ sinh hơn 1 tháng tuổi dưới đấy có lẽ không một ai có thể làm ngơ hay vô cảm trước hành vi đáng lên án này:
Xem video:
Giúp việc hành hạ trẻ sơ sinh hơn 1 tháng tuổi dã man ở Hà Nam. Nguồn: Youtube/Hậu.
Trẻ em là đối tượng chưa có khả năng tự bảo vệ mình, chưa phát triển hoàn thiện tâm lý và thể chất nên rất dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh, trong đó các tác động tiêu cực sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho sự phát triển của trẻ sau này.
Một nghiên cứu khoa học của Tiến Sĩ Joseph Spinazzola thuộc Trung tâm Sang chấn, Viện Nguồn lực Công lý, Brookline, Massachusetts (Mỹ) công bố trên Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) chỉ ra một sự thật đáng giật mình: Bạo hành tâm lý trẻ em gây ra tác động tương đương lạm dụng thể chất hay tình dục.
Những tác động tiêu cực này sẽ gây ra những hậu quả xấu tới tâm lý, thể chất và sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Những đối tượng hành hạ trẻ thường có nhiều động cơ khác nhau khi thực hiện hành vi này nhưng vì sao lại có những kẻ thích hành hạ trẻ em đến mức như vậy?
Cùng giải mã hành vi "bệnh hoạn" này dưới góc độ tâm lý học và tâm thần học:
Những nguyên nhân, động cơ chính dẫn tới hành vi bạo hành trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người lớn có hành vi bạo lực với trẻ em, việc xác định chúng cũng rất phức tạp vì thường xuất phát từ tổ hợp nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Quốc tế về Phòng chống Lạm dụng và Bỏ rơi Trẻ em (ISPCAN) đã đưa ra một số nguyên nhân, lý do và mức độ của hành vị bạo hành trẻ em từ nhất thời cho tới nghiêm trọng hơn có thể xem là hành vi phạm tội.
- Đối tượng: Những đối tượng hành hạ trẻ em đa phần là những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ (bảo mẫu, người giúp việc, người trông trẻ...) hay thậm chí là chính bố mẹ, người thân (bạo hành gia đình) của trẻ!
- Nguyên nhân: Có những lý do "nông cạn", nhất thời như người bạo hành có học thức kém, trình độ văn hóa thấp, thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ, có mối thù hằn với cha mẹ đứa trẻ, bị ảo thị do rượu, ma túy và các loại chất kích thích khác...
Hay đi sâu hơn một chút những kẻ bạo hành có tiền sử ghét trẻ em hay bị ức chế tâm lý lâu ngày sau một thời gian dài tích lũy về một việc gì đó quá lâu gây ra sự bùng nổ hành vi.
Đôi khi còn mang tính "giận cá chém thớt" khi trẻ em là đối tượng không có khả năng phòng vệ sẽ dễ trở thành "bao cát" trút giận cho người lớn trước áp lực gia đình, công việc... mà họ đang phải đối mặt.
Những lý do sâu xa về hành vi bạo hành trẻ em dưới góc độ khoa học
Ngoài ra có những nguyên nhân sâu xa, mang tính bản chất hơn được các nhà tâm lý học và tâm thần học lý giải dưới góc độ khoa học: Động cơ chính khiến các đối tượng này gây ra các hành vi lệch chuẩn là do có nhu cầu, ham muốn mãnh liệt đối với việc được hành hạ, xâm hại trẻ em và có hứng thú đặc biệt với hành vi này.
Ảnh minh họa: The News Minute
"Sở thích quái đản, bệnh hoạn" này đôi khi còn khiến đối tượng có sự cân nhắc, tính toán, lên kế hoạch, bỏ công sức tiền của để thực hiện bằng được hành vi bạo hành trẻ.
Theo đó những hành vi này còn mang tính bệnh lý nguy hiểm như rối loạn cảm xúc hay tâm thần phân liệt:
- Rối loạn cảm xúc là một rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định (quá trình hưng phấn và ức chế xen kẽ), một căn bệnh phổ biến thứ 2 trong rối loạn tâm thần, đôi khi người bệnh còn gặp khó khăn trong việc kiềm chế sự tức giận.
Đây không chỉ là vấn đề tâm lý mà còn liên quan đến sinh lý mà cụ thể hơn là sự rối loạn hormon Serotorine (tạo hưng phấn) và Dopamine (gây ức chế) khiến người đó bị trầm uất, mệt mỏi, đau, tư duy ức chế thậm chí kích động, hoang tưởng...
Kết quả là người bệnh sẽ gây ra các hành vi lệch chuẩn và có những hành động mà người khác không thể làm được, họ có nhu cầu ham muốn mãnh liệt đối với việc hành hạ, xâm hại trẻ em.
- Sự "ám ảnh vô thức" do bản thân khi nhỏ cũng bị bạo hành, xâm hại dẫn tới sự phát triển nhân cách lệch lạc, khi lớn lên chúng sẽ hành động tương tự như những gì chúng nhận được khi con nhỏ vì cho là hành động đó là cách xử lý đúng khi đứa trẻ mắc lỗi.
Các yếu tố tiêu cực bên ngoài môi trường như phim ảnh bạo lực, đồi trụy... cũng góp phần thúc đẩy hành vi hành hạ trẻ em của các đối tượng này.
Chưa dừng lại ở đó, dù đã được thỏa mãn nhu cầu, hứng thú bệnh hoạn, xâm hại trẻ em, đối tượng còn muốn kéo dài cảm giác thỏa mãn này như quay video lưu lại, chụp ảnh từ đó thôi thúc chúng thực hiện hành vi xâm hại các nạn nhân khác như một cơn nghiện vậy!
Tạm kết: "Trẻ em như búp trên cành" nên cần sự chung tay bảo vệ của gia đình, xã hội và pháp luật, nếu phát hiện hành vi bạo hành trẻ, bạn hãy ngăn chặn, can thiệp ngay.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Apa, WHO, Blueknot, Criminal.findlaw, Eschooltoday