Đây là lý do vì sao bạn nên cảnh giác với trào lưu '10 năm nhìn lại' đang gây sốt trên Facebook

Linh Anh |

Nếu sử dụng Facebook, bạn không khó bắt gặp những người dùng khác sử dụng ứng dụng mới của Facebook so sánh ảnh của họ 10 năm trước và hiện nay.

Tuy nhiên, trò giải trí tưởng như vô hại lại tiềm ẩn phía sau nó rất nhiều rủi ro. Trước những cáo buộc Facebook bán dữ liệu người dùng cho một bên thứ 3, ứng dụng này có thể cho phép Facebook truy cập tất cả dữ liệu cá nhân của người dùng.

Thậm chí, từ trước đó, Facebook đã dùng các thông tin này để dạy robot của mình cách nhận diện khuôn mặt và độ tuổi.

Theo một bài viết trên chuyên trang công nghệ Wired, tác giả cho rằng các ứng lan truyền trên Facebook hay các mạng xã hội khác vốn không thực sự nguy hiểm. Nhận dạng khuôn mặt cũng là công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, khi sử dụng các ứng dụng, cần xem xét về phạm vi dữ liệu cá nhân bị can thiệp.

Nhiều người cho rằng, Facebook có tất cả những thông tin cá nhân của người dùng. Ứng dụng mới nhất cũng chỉ là cách mà mạng xã hội này tổng hợp lại thông tin mà thôi. Tất nhiên những điều này chính xác. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng tới điều này.

Bạn đang muốn xây dựng thuật toán và dạy robot về cách nhận dạng khuôn mặt và các đặc điểm liên quan đến tuổi, cụ thể hơn là tiến trình tuổi tác (ví dụ cách một người trông già đi như thế nào).

Điều này thường mất rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu. Sẽ thật tốt khi tự bạn nói cho Facebook mình thay đổi như thế nào để giúp nó học nhanh hơn.

Sự thật là mỗi người đều đăng tải rất nhiều ảnh, video lên Facebook và không phải lần đăng nào cũng phản ánh chính xác tính trạng của bạn lúc đăng.

Đó có thể là bức ảnh được chụp từ rất lâu trước hoặc những thứ chẳng liên quan gì tới khuôn mặt người dùng. Điều này khiến thuật toán của Facebook gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt và độ tuổi.

Tuy nhiên, thông qua ứng dụng đang phổ biến của Facebook, chính người dùng đã giúp mạng xã hội khổng lồ này làm được điều họ muốn.

Nói cách khác, nhờ vào trào lưu này, một bộ dữ liệu rất lớn, bao gồm những tấm ảnh của người dùng 10 năm trước và hiện tại, sẽ được Facebook thu thập lại và giúp cho việc hệ thống hóa trở nên dễ dàng hơn.

Một số người nhận định rằng không phải ai cũng thành thật với Facebook khi sử dụng ứng dụng này. Điều này là không thể chối cãi. Nhưng những tiến bộ công nghệ có thể giúp Facebook dễ dàng loại bỏ những gì không phải mặt người. Điều này, rõ ràng không thể khiến Facebook gặp khó khăn.

Về phần mình, Facebook phủ nhận việc can thiệp vào #10YearChallenge. Gã khổng lồ công nghệ cho rằng chính người dùng đã tạo ra trào lưu này và Facebook chẳng thu được gì từ nó ngoài việc nhắc nhở người dùng về chính bản thân họ 10 năm trước.

Ngoài ra, người dùng có thể chọn bật hoặc tắt tính năng nhận diện khuôn mặt bất cứ lúc nào.

Có thể những gì Facebook nói là thật. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, trong những năm qua, có rất nhiều ứng dụng tương tự đã được tạo ra để thu thập dữ liệu cá nhân người dùng.

Bê bối của Cambridge Analytica với dữ liệu cá nhân của hơn 80 triệu người dùng và cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 là câu chuyện mà người ta sẽ nhắc đến trong nhiều năm nữa.

Bạn có nên lo sợ khi người nào đó sử dụng ảnh chân dung của mình trên Facebook để xây dựng thuật toán nhận diện khuôn mặt hay không?

Lo sợ là không cần thiết. Theo một cách nào đó, đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn ở đây là các công nghệ tập trung vào dữ liệu cá nhân của chúng ta và chúng sẽ được sử dụng trên quy mô nào.

Có những kịch bản về dữ liệu nhận diện khuôn mặt của bạn sẽ được sử dụng:

Kịch bản tốt: Công nghệ nhận diện khuôn mặt theo độ tuổi có thể giúp tìm kiếm những đứa trẻ mất tích. Năm ngoái, cảnh sát New Delhi, Ấn Độ thông báo tìm thấy 3.000 trẻ em mất tích chỉ trong 4 ngày thông qua công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Những đứa trẻ mất tích có thể rất khác so với những bức ảnh cuối cùng của chúng. Vì vậy, một thuật toán tin cậy thực sự có ích.

Kịch bản đáng ngại: Nhận dạng khuôn mặt theo độ tuổi có thể giúp việc quảng cáo hữu ích hơn. Thông tin nhân khẩu học theo nhóm tuổi có lẽ đã có từ rất lâu nhưng tiến bộ này có thể giúp việc quảng cáo trở nên thú vụ và phù hợp hơn.

Tuy nhiên, khi phát triển lên, nó biết được thói quen, vị trí mua sắm của người dùng và có thể mang đến một số tương tác không mấy vui vẻ.

Công nghệ mới luôn có hai mặt, cả tốt và xấu. Ví dụ, sau khi Amazon giới thiệu dịch vụ nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực vào cuối năm 2016, họ đã bán nó cho cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, điều này làm gia tăng mối quan ngại về quyền riêng tư dù cảnh sát có thể sử dụng công nghệ này để theo dõi tội phạm. Những người không phạm tội cũng như đi biểu tình hay những người bị cảnh sát cho là phiền toái cũng có thể bị giám sát.

Hiện tại, chưa thể xác định công nghệ nhận diện khuôn mặt theo độ tuổi có thể làm gì. Trở lại với ứng dụng đang gây sốt, người dùng mạng xã hội cần hiểu rằng dữ liệu cá nhân của bạn là tài nguyên quý giá nhất mà những gã khổng lồ công nghệ đều muốn khai thác. Hãy chia sẻ điều đó một cách cẩn trọng và tinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại