Trong thời đại 4.0, smartphone có thể nói là thứ hiện hữu ở quanh chúng ta. Người lớn, người già, trẻ em, ai cũng có thể dùng điện thoại. Bạn có thể thấy smartphone ở khắp mọi nơi: trên xe bus, trong phòng chờ máy bay, quán cafe, hay đôi khi là... dừng đèn đỏ cũng có người lôi ra dùng.
Khi ngày càng phụ thuộc hơn vào công nghệ, cũng là lúc công nghệ dần định nghĩa lại cuộc sống của chúng ta. Một trong số đó là "shoulder surfing" - hay còn gọi là hành vi "nhìn lén qua vai".
"Shoulder surfing" vốn là một thuật ngữ mang nghĩa xấu, nhằm ám chỉ hành vi nhìn trộm mật khẩu "qua vai" của người khác khi họ đang đăng nhập vào một hệ thống nào đó, để rồi chiếm quyền kiểm soát sau đó. Đây cũng chính là lý do vì sao các ký tự khi gõ mật khẩu đều được ẩn hiển thị, nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng.
Nhưng hãy nhớ lại xem! Có phải rất nhiều lần bạn đã vô thức nhìn vào màn hình điện thoại hoặc máy tính của người khác? Vấn đề là ở chỗ, bạn nhìn mà chẳng có mục đích xấu, chỉ đơn giản là nhìn thôi. Và đó còn là một thói quen hết sức khó bỏ nữa chứ.
Lý do nằm ở smartphone
Năm 2017, một đội nghiên cứu tại ĐH Ludwig Maximilian (Munich, Đức) đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên về lĩnh vực này trên thế giới.
Kết quả cho thấy, hành vi "nhìn lén" này ngày càng trở nên phổ biến. Nó trở thành một thói quen thường nhật, và bạn sẽ nhìn bất kỳ lúc nào có cơ hội.
Lý do? Đó là vì có quá nhiều smartphone, và chúng chứa những nội dung để bạn không thể rời mắt khỏi đó được.
Cụ thể, nghiên cứu có đưa ra một số nguyên nhân. Đầu tiên là vì... chán: trên các phương tiện công cộng, đôi khi vì một số lý do mà bạn gặp khó khăn khi sử dụng điện thoại.
Lúc này, nhìn lén màn hình người khác là một cách để giết thời gian khá hiệu quả, thậm chí còn mang tính giải trí nếu người ta đang chơi game hoặc xem phim, đọc truyện.
Nguyên nhân thứ 2 đơn giản là vì tò mò. Do sự phát triển của công nghệ mà chiếc điện thoại có thể làm rất nhiều việc. Bạn có thể thấy một người lúng túng thế nào khi viết đi viết lại một tin nhắn trước khi gửi, có thể xem người ta chỉnh ảnh, thậm chí tình cờ đọc được cả một drama giữa nhân viên và khách hàng.
Thứ 3, chiếc điện thoại của người khác đôi khi có thể đem lại những gợi ý khá tốt. Chỉ cần vài lần liếc mắt, bạn có thể biết bộ truyện thú vị người đó đang đọc là gì, hoặc biết đến một show thực tế nào đó thú vị...
Nhưng đó có phải là một hành vi nên làm?
Đây là một trong những bức hình đạt được sức lan tỏa mạnh trên Twitter trong năm 2018. Tấm ảnh về một người đàn ông đang theo dõi màn hình của người phụ nữ ngồi cạnh trên tàu điện ngầm, và nó thu được nhiều ý kiến trái chiều.
Một số người thấy dễ thương, nhưng đa số thì không thấy vậy. Cần biết rằng điện thoại của mỗi người có thể chứa những nội dung mà họ không muốn ai biết, nên việc nhìn lén chính là xâm phạm đời tư cá nhân. Thậm chí có thể xem nó sánh ngang với hành vi trộm cắp.
Bản thân những người bị xem trộm điện thoại - dù người xem có vô tình hay hữu ý - cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2018 trên 37 trường hợp, chỉ có 1 cho biết họ cảm thấy bình thường, trong khi phần còn lại thấy đó là quấy rối, xâm phạm đời tư.
Vậy nên dẫu biết rằng smartphone và công nghệ ngày nay đang thôi thúc chúng ta nhìn vào nó, nhưng hãy cố gắng cư xử một cách có chừng mực ở nơi công cộng. Cố gắng đừng nhìn vào điện thoại của người khác, nếu không muốn nhận phải cái nhìn kỳ thị từ những người xung quanh.
Tham khảo: CNN, BBC