Đấu với "kẻ lì lợm" Thổ Nhĩ Kỳ, Nga lần hiếm hoi nhờ cậy phương Tây?

Mạnh Kiên |

Nghịch lý thay, trong cuộc xung đột quân sự mới nhất, châu Âu, người Mỹ và người Nga cảm thấy mình đứng cùng một chiến tuyến đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng Nagorno-Karabakh khó lường

Xung đột Nagorno-Karabakh đã diễn ra tương đối bình lặng trong 25 năm qua. Lần này, căng thẳng đã trở lại vào ngày 27/9. Mặc dù bạo lực đã bùng lên nhiều lần trong quá khứ nhưng có vẻ như lần giao tranh mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan sẽ mang đến những kết cục mới, chuyên gia Domitilla Sagramoso từ trường King's College London nhận định trên Moscow Times.

Theo đó, Azerbaijan lần này dường như quyết tâm "giải phóng" hoàn toàn lãnh thổ tranh cãi. Điều này giải thích tại sao Baku phát động một chiến dịch quân sự lớn huy động pháo hạng nặng, xe tăng và không lực đến khu vực căng thẳng. Azerbaijan hy vọng sẽ tận dụng được yếu tố bất ngờ, mặc dù các cuộc đụng độ đã xảy ra dọc theo biên giới Azerbaijan-Armenia từ tháng 7.

Đấu với kẻ lì lợm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga lần hiếm hoi nhờ cậy phương Tây? - Ảnh 1.

Xung đột ở Nagorno-Karabakh đang có những diễn biến khó lường mới.

Theo Moscow Times, cuộc xung đột hiện có tất cả các khía cạnh của một cuộc chiến tranh toàn diện trong mục tiêu giành quyền kiểm soát đối với lãnh thổ Nagorno-Karabakh.

Theo chuyên gia Domitilla Sagramoso, sự thất vọng ngày càng lớn sau nhiều năm đàm phán không có kết quả - cùng hy vọng về một chiến thắng quân sự bất ngờ - đã là động lực khiến Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ra tay trước, tin tưởng rằng các lực lượng vũ trang được huấn luyện và trang bị tốt hơn của mình sẽ giành lợi thế đáng kể trước quân đội của Armenia được đánh giá yếu hơn.

Baku tin tưởng vào sự trung lập về quân sự và không can thiệp của Nga trong việc hỗ trợ đồng minh Armenia, miễn là lãnh thổ Armenia không bị tấn công có chủ đích.

Tổng thống Aliyev nhiều lần khẳng định, các lực lượng vũ trang của ông sẽ không dừng lại cho đến khi vùng lãnh thổ tranh cãi được giải phóng hoàn toàn.

Tuy nhiên, bằng cách tăng đòn bẩy lên quá cao, tổng thống Azerbaijan đang tự đưa mình vào thế khó. Lập trường không khoan nhượng này khiến ông khó chấp nhận giải pháp ngừng bạo lực mà không bị mất thể diện trong trường hợp hoạt động quân sự không diễn ra như ông mong đợi.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực sẽ giúp Baku có lợi thế hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán sắp tới nào về tình trạng tương lai của Nagorno-Karabakh và các vùng lãnh thổ lân cận.

Kể từ bây giờ, ngay cả khi đạt được lệnh ngừng bắn, Armenia sẽ phải tính đến khả năng Azerbaijan có thể một lần nữa sử dụng vũ lực nếu cuộc đàm phán đi vào bế tắc. Yerevan có thể cảm nhận áp lực và phải đưa ra một số nhượng bộ nếu muốn tránh tái diễn bạo lực quy mô lớn và có nguy cơ mất thêm lãnh thổ.

Cho đến mùa hè vừa qua, ngay cả Yerevan cũng không tin Baku sẽ sử dụng vũ lực quy mô lớn như vậy. Trước những diễn biến sắp ngã ngũ, các thế lực quốc tế sẽ có những hành động cụ thể.

Nga-phương Tây đứng cùng chiến tuyến

Đấu với kẻ lì lợm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga lần hiếm hoi nhờ cậy phương Tây? - Ảnh 2.

Nagorno-Karabakh có khả năng trở thành cuộc xung đột quốc tế mới.

Trong quá khứ, bất cứ khi nào bạo lực bùng lên, Pháp, Mỹ và Nga - các đồng chủ tịch của nhóm OSCE Minsk - và phần còn lại của cộng đồng quốc tế sẽ kêu gọi chấm dứt giao tranh và thúc giục các bên quay trở lại bàn đàm phán.

Lập trường tương tự cũng thường được thực hiện bởi Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - hai quốc gia láng giềng có liên đới trong việc giải quyết tranh cãi. Tuy nhiên, lần này, mọi thứ không giống như vậy.

Trong khi ba đồng chủ tịch nhóm Minsk - và Iran - đang đồng lòng kêu gọi chấm dứt thù địch ngay lập tức, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan là Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ các hành động quân sự của Baku.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố các hoạt động của Azerbaijan sẽ chỉ dừng lại khi Armenia rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này bị cáo buộc đang chiếm đóng. Xung đột Nagorno-Karabakh đã trở thành một yếu tố bổ sung trong tham vọng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm quay trở lại vai trò bá quyền trước đây.

Tình trạng khó khăn hiện tại khiến việc giải quyết xung đột trong hòa bình trở nên khó đạt được hơn nhiều. Trong khi báo chí Nga có thông tin cho rằng, ông Erdogan đã đồng ý làm việc riêng với Tổng thống Putin để tìm ra giải pháp ngoại giao giải quyết bất đồng, vẫn còn phải xem liệu Ankara có thể gây ra đủ ảnh hưởng đối với Baku để chấm dứt các hành động thù địch hay không.

Chuyên gia Domitilla Sagramoso nhận định, xung đột kéo dài sẽ dẫn đến thương vong nghiêm trọng cho cả hai bên. Nagorno-Karabakh có thể nhanh chóng trở thành cuộc xung đột mới nhất thu hút các chiến binh thánh chiến từ nước ngoài.

Trong bối cảnh tiêu cực như vậy, Nga có một nhiệm vụ khó khăn - đảm bảo kết thúc nhanh chóng các hành động đối đầu trong khi cố gắng thực hiện hành động cân bằng giữa Armenia và Azerbaijan, hai trong số các đối tác thân thiết của Moscow ở Caucasus.

Armenia cung cấp cho Nga chiều sâu chiến lược ở sườn quân sự phía Nam, dọc theo biên giới của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO. Azerbaijan là đối tác đáng tin cậy của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Bắc Caucasus, đồng thời là đồng minh chiến lược quan trọng trong khu vực bị bao vây bởi những bất ổn và biến động trong nước.

Điều này giải thích tại sao Tổng thống Putin đã mất một thời gian dài trước khi có những tuyên bố công khai về căng thẳng ở Nagorno-Karabakh và hạn chế nghiêng hẳn về phía Armenia , đồng minh Nam Caucasus của Moscow trong Hiệp ước An ninh Tập thể. Thay vào đó, ông Putin đã tham gia vào các hoạt động ngoại giao hậu trường tích cực, đồng thời nói chuyện cởi mở về sự cần thiết phải giải quyết tranh cãi một cách hòa bình.

Điện Kremlin sẽ cố gắng đảm bảo xung đột không leo thang hơn nữa và kéo dài quá lâu. Trong khi nhiều người cho rằng Nga có thể hưởng lợi từ sự bất ổn liên tục dọc theo biên giới, nhưng trong trường hợp này thì không. Điện Kremlin muốn có hai đối tác đối kháng liên minh với mình dù họ luôn căng thẳng nhiều năm.

Nhưng đó cũng là một mục tiêu khó đạt được vào thời điểm này. Giờ đây, Moscow không chỉ phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng, quy mô lớn, mà còn phải đối mặt với một tác nhân khu vực rắc rối hơn nhiều, đó là Thổ Nhĩ Kỳ và những kế hoạch địa chính trị mới.

Mặt khác, Moscow có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác phương Tây. Nghịch lý thay, đây là một trong số ít các cuộc xung đột quân sự mà người châu Âu, người Mỹ và người Nga cảm thấy mình đứng về cùng một phía.

Trong hai thập kỷ qua, họ đã làm việc cùng nhau để tìm ra một giải pháp thương lượng cho căng thẳng, mặc dù thành công hạn chế. Vẫn còn phải xem liệu áp lực từ Nga và các thành viên khác của nhóm Minsk lần này có khiến những khía cạnh bạo lực nhất của cuộc xung đột lâu dài này chấm dứt hay không.

Nhưng điều rõ ràng là các động lực trong hai thập kỷ rưỡi qua trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã thay đổi hoàn toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại