Ảo tưởng tan biến
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ngày nay đang đi theo một quỹ đạo khác với những gì Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mường tượng. Cách đây một năm, ông Erdogan gọi đó là một mối quan hệ chiến lược đang trong quá trình hình thành.
Nhưng các diễn biến mới ở Trung Đông, Bắc Phi, Đông Địa Trung Hải và Caucasus hiện tại đã phá tan ảo tưởng đó, theo Al-Monitor.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đưa ra quan điểm rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đồng minh chiến lược của Nga.
"Chúng tôi chưa bao giờ coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác rất thân thiết; trong nhiều lĩnh vực, quan hệ đối tác này mang tính chiến lược", ông Lavrov nói.
Tuyên bố này không phù hợp với mối quan hệ chính trị chiến lược mà ông Erdogan đã và đang tìm kiếm, khi Ankara không chỉ hy vọng Nga sẽ là đối trọng với phương Tây mà còn là một phương tiện để thúc đẩy tham vọng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.
Công chúng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhận ra rằng chính Nga đã hạn chế các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya, khiến Ankara tổn thất nhiều hơn là những gì họ hy vọng.
Trong cuộc gặp ở Moscow vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ phòng tuyến ở phía Bắc Syria tại đường cao tốc chiến lược M4, ngăn chặn các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua. Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm toàn quyền kiểm soát tỉnh Idlib ở phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M4 nhưng cũng không đảm bảo được điều này do sự can thiệp của Nga.
Ankara cũng liên tục đối mặt với áp lực từ hình thức này đến hình thức khác từ Nga ở Idlib, nơi các nhà quan sát cho rằng, diễn biến xung đột mới đang phát triển. Bên cạnh đó, Ankara cũng cảnh giác với mối liên hệ của Nga với các nhóm người Kurd ở đông bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng ngầm đối đầu ở Libya khi cả hai có những tính toán khác nhau. Nga đã đóng vai trò ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ biến sự hỗ trợ quân sự thành công ban đầu đối với Chính phủ Hiệp ước quốc gia (GNA) thành lợi thế.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) vẫn kiểm soát phần lớn đất nước và trữ lượng dầu mỏ. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình do Ai Cập làm trung gian, cũng được Nga hỗ trợ, đang được tiến hành mà không có bất kỳ sự tham gia đáng chú ý nào từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tùy thuộc vào diễn biến ở Libya, kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sử dụng quốc gia này làm bàn đạp trong tranh cãi với Hy Lạp và Síp về quyền năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải có thể gặp nguy hiểm, một phần do sự tham gia của Nga.
Không có bạn bè
Căng thẳng Nagorno-Karabakh đang trở thành bất đồng mới giữa Ankara và Moscow.
Trong khi đó, căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia về vấn đề Nagorno-Karabakh cũng đang trở thành bất đồng mới giữa Ankara và Moscow.
Chuyên gia về Nga Hakan Aksay cho biết, ông tin rằng Moscow sẽ nhìn nhận những thách thức do Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra tại Nagorno-Karabakh dưới góc độ rất khác so với tình hình ở Syria hay Libya.
"Đây là sân sau của Nga. Một tình huống gây tranh cãi giữa Ankara và Moscow về cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh có thể khiến mối quan hệ trở nên rạn nứt", Aksay nói trong một cuộc phỏng vấn với cổng thông tin T24.
Moscow đã thể hiện rõ sự không hài lòng sau khi Tổng thống Erdogan hứa cung cấp tất cả các hỗ trợ quân sự cho Baku khi cần thiết. Ngoại trưởng Lavrov cũng bác bỏ lời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm giải quyết vấn đề Nagorno-Karabakh.
Trong khi đó, các thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển lính đánh thuê Syria đến Nagorno Karabakh cũng đã làm gia tăng thêm xích mích giữa Ankara và Moscow dù phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ những cáo buộc này.
Burhanettin Duran , người đứng đầu tổ chức tư vấn SETA, cố vấn cho Tổng thống Erdogan về các vấn đề chính sách đối ngoại nhấn mạnh, việc Ankara can dự vào Libya và Nagorno-Karabakh đặc biệt gây bất lợi cho Moscow.
Moscow cũng tỏ ra thân thiết hơn với Hy Lạp và Síp trong tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ về quyền thăm dò năng lượng. Thông báo bất ngờ về vệc Nga và Ai Cập sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân chưa từng có ở Biển Đen cũng đã gây báo động ở Ankara, nơi nhiều người đặt câu hỏi về đối tượng của cuộc tập trận này.
Không chịu ngồi yên, Tổng thống Erdogan dường như đang phản ứng với những tín hiệu tiêu cực từ Moscow khi ông nhấn mạnh vào tuần trước rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea.
"Chúng tôi đã và sẽ luôn ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả Crimea", ông Erdogan nói với các phóng viên khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Ankara hôm 16/10.
"Không thể không nhận ra rằng Nga khó có thể coi Thổ Nhĩ Kỳ là bạn, là đồng minh hay là đối tác ngay từ đầu", nhà bình luận chính trị Mustafa Karaalioglu cho biết.
"Trong khi mối quan hệ với Nga ban đầu được coi như một quân bài chống lại châu Âu và Mỹ, thì giờ đây điều này đã trở thành một dự án vô ích với Ankara".
Đại sứ nghỉ hưu Yusuf Buluc nói với Al-Monitor lợi ích chính của Nga trong việc phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là phá vỡ sự gắn kết của NATO.
"Theo quan điểm của Nga, một Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên NATO trên giấy tờ - nhưng đang dần bị cô lập về mặt chiến lược - quan trọng hơn nhiều so với một Thổ Nhĩ Kỳ không tìm kiếm các đối tác trong các cấu trúc như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải", Buluc cho biết.