Mới đây, bữa tiệc mừng con đỗ đại học của một gia đình ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Gia đình này đã đặt 34 bàn tiệc nhưng đến giờ, chỉ có đúng vài vị khách xuất hiện.
Theo những hình ảnh được lan truyền, trong sảnh khách sạn, 34 bàn tròn được sắp xếp ngay ngắn, mỗi bàn đều được trải một chiếc khăn bàn màu đỏ, mọi công tác chuẩn bị đều rất long trọng.
Gia đình đặt 34 bàn tiệc ở khách sạn nhưng chỉ lấp đầy được 1 bàn
Tuy nhiên, khi đã quá giờ mở tiệc mừng, khung cảnh nhà hàng vẫn vắng tanh. Sau cả tiếng chờ đợi, trong số hàng trăm vị khách được mời, chỉ có đúng vài người tới và lấp đủ 1 bàn.
Sự lo lắng và thất vọng của cha mẹ “nhân vật chính” được thể hiện rõ ràng. Trong khi người cha thẫn thờ đi đi lại lại trong nhà hàng, thỉnh thoảng lại nhìn về phía cửa, hy vọng có thể nhìn thấy khách đến thì người mẹ tức giận đến mức buông lời trách móc. Bữa tiệc vốn là ngày vui của thanh niên vừa trúng tuyển đại học đã trở thành nỗi xấu hổ của cả gia đình.
Người mẹ thất thần khi quá giờ nhưng vẫn không có khách đến
Tuy nhiên, tình cảnh đáng buồn của gia đình này không được cư dân mạng bênh vực. Nhiều người nhận định hằng ngày, cha mẹ của thanh niên vốn không biết xã giao tốt thì mới gặp phải tình trạng bị từ chối như vậy.
Bên cạnh đó, việc gia đình tổ chức tiệc linh đình đến vậy để mừng con đỗ đại học cũng bị chỉ trích. Khi cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn hơn và giáo dục đại học ngày càng phổ biến, việc tổ chức một bữa tiệc lớn để kỷ niệm việc trúng tuyển đại học có thể không còn được coi trọng như trước đây nữa.
Ngày trước, việc một học sinh có thể đậu vào đại học là một sự kiện hiếm hoi và đáng tự hào, đủ để cả một cộng đồng tổ chức ăn mừng. Nhưng hiện tại, khi học đại học đã trở nên bình thường, tổ chức một bữa tiệc lớn là không cần thiết và thậm chí bị coi là cố gắng "làm màu" hoặc là cách “đòi tiền mừng” không chính đáng đối với khách mời. Có thể nhiều người không còn cảm thấy bắt buộc phải tham gia một sự kiện như vậy nên hầu hết đã từ chối đến.
Trong trường hợp của gia đình trong câu chuyện, sự vắng mặt của khách mời có thể được coi là một thông điệp rõ ràng. Nó chỉ ra rằng không phải bất kỳ lời mời nào cũng là hợp lý, đặc biệt là khi đặt ra gánh nặng về mặt tài chính hoặc thời gian với người khác.
Nguồn: Sohu