Danh sĩ được vua Tự Đức mời làm quan là ai?

Lê Tiên Long |

Thời vua Tự Đức, có một vị danh sĩ được nhà vua khen ngợi, mong muốn mời làm quan, qua câu nói của nhà vua với bề tôi:

Vua Tự Đức từng nói với bề tôi: “Cả nước có người nào văn học, phẩm hạnh như Đỗ Xuân Cát, thì cho các quan văn, võ bảo cử lên”.

Thời phong kiến, nhiều ẩn sĩ dám mạo muội gửi thư, dâng kế sách lên vua bàn chuyện chính sự, nhưng đa phần đều bị vứt bỏ, thậm chí nhiều người còn bị phạt vì lý do “bàn nhảm”.

Nhưng vị cử nhân Đỗ Xuân Cát, tuy là nho sĩ nhưng nghiên cứu được kế sách ngăn giữ sông nước, được vua Tự Đức cho là có thực tài, muốn vời ra làm quan nhưng ông từ chối.

Theo bộ sách “Đại Nam nhất thống chí”, cuốn địa chí tỉnh Thanh Hóa, phần nhân vật của tỉnh, có nêu tiểu sử Đỗ Xuân Cát, ông quê ở huyện Hoằng Hóa, không rõ năm sinh, và mất khoảng giữa thời vua Tự Đức, những năm 1860. Ông thi đỗ Cử nhân năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841). Năm đó, chưa mở trường thi tại Thanh Hóa, nên ông Cát vào thi ở Nghệ An. Tuy nhiên, sau khi thi đỗ, ông không chịu ra làm quan, ẩn cư chốn thôn quê để dạy học, tự gọi là Châu Tân cư sĩ.

“Đại Nam nhất thống chí” viết: Ông dạy người trước hết là thực hành rồi sau mới đến văn nghệ. Ông thường nói: “Giữ tâm nuôi tính là bậc thứ nhất; tiến thoái ứng đối là sự nghiệp của một đời. Nếu cử động không có tiết độ mà có thể lập nên công nghiệp thì chưa từng thấy bao giờ!”.

Bởi thế, ngoài kinh sách ra, các môn thiên văn, luật, lịch, ông đều nghiên cứu thông thạo. Ông là người thờ mẹ rất có hiếu, khi mẹ mất ông làm nhà chịu tang ở ngoài mộ suốt 3 năm ròng, ngày đêm khóc lóc sướt mướt, ai nghe cũng phải thương tâm.

Đối với các người trong họ tộc, ông thường săn sóc trong khi ốm đau và chu cấp những sự thiếu thốn, không hề tiếc của tiếc công.

Hồi đầu triều vua Tự Đức, miền Bắc nước ta thường bị vỡ đê, dân tình khổ sở, triều đình cũng vất vả ứng cứu, ông có soạn ra 5 thuyết ngăn giữ nước sông (“Hà phòng ngũ thuyết”), nhiều người phục ông là có kinh tế thực học.

Khi đó, vua Tự Đức giáng chiếu tiến cử những người có dự trong các khoa thi, các đại thần đều dâng sớ tiến ông vào cung vua, song ông cáo bệnh xin về. Được ít lâu, gặp hồi giặc bề quấy nhiễu, ông liền tới tỉnh Nghệ An cùng làm sớ tâu bày về các kế chiến thủ. Nhà vua xem sớ rất khen ngợi ông và cho phép ông tiến cử những người mà ông đã biết, song ông cũng chối từ. Chẳng được bao lâu, ông qua đời.

Theo tiểu sử để lại, Đỗ Xuân Cát có soạn các sách như “Châu Tân văn tập”, “Gia phả tự lệ”, “Lâm hành tạp lục”. Em ông là Đỗ Xuân Vĩnh cũng thi đỗ Cử nhân, làm Tri huyện Thanh Chương nổi tiếng thanh liêm.

Mùa Thu năm Tự Đức năm thứ 17 (1864), triều Nguyễn truy tặng Đỗ Xuân Cát. Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” chép lại rằng: “Khi trước, Xuân Cát là người có học vấn, hạnh kiểm, được đại thần là Trương Đăng Quế và Tôn Thất Hạp đề cử lên. Vua cho vời lên, Cát tới nơi công xa (hay công quán, là vua cho gọi người nào đến được ở đó, được cung cấp ăn ở tại đấy để đợi lệnh), rồi cáo bệnh xin từ, được ban cấp rồi cho về.

Đến bấy giờ ông chết, vua cho là Xuân Cát về học hành có thể đào luyện được nhân tài cho nhà nước dùng, tặng cho chức Hàn lâm viện Biên tu, chiểu hàm cấp cho tiền tuất. Vua lại nói: Cả nước có người nào văn học, phẩm hạnh như Đỗ Xuân Cát, thì cho các quan văn, võ bảo cử lên”.

Việc dân thường hay nho sĩ dâng kế sách lên mà được nhà vua khen ngợi khá hiếm thời phong kiến. Vì như sử sách chép sự kiện năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), có viên Tú tài ở Hà Nội là Nguyễn Thế Vinh, dâng thư dán kín, đệ lên Pháp ty (cơ quan tư pháp ở đương thời) xin đề đạt lên vua.

Nhà vua hỏi Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn rằng: “Lời trong thư của Vinh có câu gì đáng dùng được không?”. Vũ Xuân Cẩn thưa rằng: “Lũ chúng tôi đã xem kỹ tập tâu ấy như nói việc thôi làm đồn điền, cứu giúp dân điêu háo, bãi bỏ các hương dũng, thì đều là công việc mà triều đình đã làm rồi. Còn thì đều là những câu nghe đồn nói lại ở đường sá, không cần thiết cho sự việc.

Vả lại, Vinh vốn là một người học trò kém trong Quốc Tử Giám, bị thải về nguyên quán, nay lại không tự yên phận, tâu bày càn bậy, xét ra bản tâm là muốn mượn đường ngôn luận của triều đình để làm đường tiến thân ngang tắt cho chóng. Vậy xin khép vào tội trái quy chế, phạt đánh trượng cho đau, rồi đuổi về, để làm gương răn cho những kẻ phù phiếm nóng vội muốn cầu may sau này”.

Nhà vua nghe vậy phán rằng: “Theo như Pháp ty, thế là phải lắm. Song, ta buổi đầu dành chỗ để cầu người hiền, không muốn bắt tội người vì ngôn luận, vậy gia ơn tha tội phạt trượng, bắt Vinh phải về nguyên quán để đợi thi khóa sau, còn bản tâu thì vứt bỏ đi, để tự biết xấu hổ”.

Hoặc vào năm Tự Đức thứ 6 (1853), có viên Lang trung trí sĩ là Trần Văn Tuân đến cung vua dâng bày 10 việc, trong đó việc đầu tiên là đắp đê điều. Nhà vua khen ngợi, úy lạo, ban cho lụa rồi cho về. Vua đem việc ấy giao xuống cho đình thần bàn, bề tôi đều nói: Các việc này hoặc có việc đã thi hành, hoặc nhiều việc bị ngăn trở, nên cả 10 việc này sau đành bỏ đấy.

Do đó, viết kế sách và thể hiện phẩm chất “kinh bang tế thế” dù chỉ dạy học ở nhà mà được vua quan tâm, muốn vời làm quan, hay lấy làm ví dụ để trăm quan tiến cử nhân tài như Đỗ Xuân Cát, cũng là trường hợp hiếm trong lịch sử nước ta.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Tiết lộ bất ngờ về lương của HLV Kim Sang-sik, thái độ khi đàm phán cùng VFF mới đáng bàn!

Tiết lộ bất ngờ về lương của HLV Kim Sang-sik, thái độ khi đàm phán cùng VFF mới đáng bàn!

23/01/2025 16:16

Chuyện lương của HLV Kim Sang-sik không cao thì ai cũng biết, vấn đề là thái độ của ông thầy này khi đàm phán cùng VFF hết sức đáng trân trọng!

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại