Có một điểm tựa khi về già là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, mọi chuyện trong cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng. Một số cụ già đã phải sống chật vật ở những năm cuối đời do không có lương hưu, lại chẳng được con cái quan tâm.
Chọn bươn chải để có tiền dưỡng già
Bà Lô (Thượng Hải, Trung Quốc) được xem là người tỉnh táo. Bà đã lên kế hoạch cho những ngày tháng tuổi già từ rất sớm. “Tôi đã dành nửa cuộc đời mình để đặt nền móng cho những ngày tháng tuổi già không phải sống dựa dẫm vào bất kỳ ai”, người phụ nữ 66 tuổi chia sẻ.
Bà thú nhận khi còn trẻ bản thân sống dựa dẫm vào chồng nên luôn bị chèn ép. Vào những năm ngoài 30 tuổi, bà bắt đầu nhận ra bản thân không có lương hưu. Nếu cứ tiếp tục thế này, dựa dẫm vào chồng thì đến những năm cuối đời, bà biết lấy ai làm điểm tựa.
Biết rằng để có những ngày tháng tương lai thoải mái, khi đó, bà Lô đã quyết định ra ngoài tìm việc thay vì chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ. Với tấm bằng Đại học đã có trước đó, công việc đầu tiên của bà là y tá trong bệnh viện. Công việc vất vả nhưng lương lại không cao. Sau 3 năm, bà quyết định nghỉ công việc này để kinh doanh trái cây. Không muốn dành cả ngày để trông một sạp hoa quả, người phụ nữ này quyết định mở bán buôn. “Tôi đến tận vườn hái trái cây rồi thuê xe tải chở về bán buôn lại cho các tiểu thương”, người phụ nữ này chia sẻ.
Dù cuộc hôn nhân của bà không mấy hạnh phúc nhưng may mắn, công việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ. Trong 10 năm buôn bán, cửa hàng của bà Lô trở nên nổi tiếng. Bán được hàng, bà dần tích lũy được vài cuốn sổ tiết kiệm của riêng mình.
Tiếp theo, bà mua cho mình 1 ngôi nhà. Đến tuổi 55, người phụ nữ này đã có 2 bất động sản đứng tên mình và đủ tiền để chi tiêu cho đến hết cuộc đời.
“Vợ chồng tôi chưa ly hôn nhưng sống ly thân và có cuộc sống của riêng mình. Khi nhà có chuyện gì thì tôi mới trở về nhà. Khi còn trẻ, chồng thường coi thường tôi vì không có công việc. Bây giờ ông ấy đã già, không có tiền tiết kiệm, chỉ sống dựa vào lương hưu nên không thể thoải mái bằng tôi”, bà Lô nói.
Cuộc sống viên mãn những năm cuối đời
Chia sẻ thêm người phụ nữ này cho biết dù không có lương hưu nhưng may mắn có sổ tiết kiệm nên đủ sống dư dả vào những năm cuối đời. Công thêm việc có căn nhà, bà quyết định ở một phần, còn lại cho thuê. Số tiền này thừa sức để bà Lô trang trải cuộc sống hàng tháng.
Sau một thời gian kinh doanh, mới đây, khi bước sang tuổi 66 bà quyết định chuyển giao toàn bộ cửa hàng cho người con trai quản lý.
“Vì có tiền, có nhà, tôi cảm thấy được mọi người tôn trọng hơn. Cứ cuối tuần, bọn trẻ thường tụ tập ở nhà tôi để ăn tối. Đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ dài ngày, tôi thường tổ chức cho các con, các cháu những chuyến du lịch ngắn ngày. Nhờ thế, những thành viên trong gia đình trở nên gắn kết hơn. Đến lúc này, tôi dần cảm thấy quyết định đi làm và có cho mình một khoản tiền dưỡng già là đúng đắn”, bà Lô bộc bạch.
Ảnh minh hoạ
Nếu người phụ nữ này mãi phụ thuộc vào chồng và không có tài sản của riêng mình thì chắc chắn không có được cuộc sống như hiện tại. “Bây giờ, không có lương hưu, cũng không phải trông cậy vào con cái, tôi vẫn có cuộc sống thoải mái ở năm cuối đời. Dù không còn sống chung với chồng nhưng việc có nhà riêng, tiền tiết kiệm và khoản tiền cho thuê nhà hàng tháng đã giúp tôi không còn cảm thấy sợ hãi. Ngược lại, tôi lại rất thích sự tự do, thoải mái này”, bà chia sẻ.
Bà Lô cho biết tuy những năm 30-40 tuổi phải vất vả bươn chải kiếm sống nhưng đổi lại cảm giác an tâm ở những năm cuối đời. Người phụ nữ này cũng dần nhận ra rằng trong cuộc sống này, không phải chồng hay con mà bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy. Do đó, trước khi chân chậm, mắt mờ, mỗi người hãy có cho mình một khoản tài chính thật vững chắc thay vì nghĩ rằng mình có thể dựa vào người này, người kia. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể giống như một cây cổ thụ luôn trụ vững giữa đời dù cuộc sống có giông tố ra sao.