Quyền Bộ trưởng chỉ huy Lực lượng mặt đất của Hoa Kỳ Ryan McCarthy tuyên bố, Nhà Trắng có thể tự do hành động sau khi rút khỏi Hiệp ước INF bởi vì Hoa Kỳ đang tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực này và đang chi những khoản tiền khổng lồ để thu hẹp khoảng cách.
Người chậm tiến
Bài viết do hãng tin Sputnik (phiên bản Việt ngữ) đăng tải cho biết, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới tuyên bố chính thức rằng họ sở hữu vũ khí bội siêu thanh.
Vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố, Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa chiến lược với đầu đạn hành trình siêu thanh và đang thử nghiệm hệ thống tên lửa chống hạm bội siêu thanh Zircon. Và quân đội Nga đang thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal. Mỹ phải đuổi kịp.
Hoa Kỳ đang tiến hành các cuộc thử nghiệm trong khuôn khổ chiến lược tấn công nhanh toàn cầu (Prompt Global Strike), ngụ ý tấn công đối tượng bằng vũ khí thông thường trong vòng một giờ sau khi ra lệnh.
Các loại vũ khí bội siêu thanh là một yếu tố chính của chiến lược này. Một trong những phát triển như vậy là tên lửa hành trình X-51A Waverider đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5 năm 2010.
Mặc dù đã phát hiện sự không ổn định của tên lửa, quá trình điều khiển tên lửa đã bị gián đoạn sau 3 phút bay và tên lửa đã tự hủy theo lệnh từ điểm kiểm soát nhưng nó đã tăng tốc lên Mach 5. Các thử nghiệm năm 2011 và 2012 cũng không thành công.
Chỉ vào tháng 5 năm 2013, X-51A Waverider được phóng từ máy bay ném bom chiến lược B-52 đã đạt tốc độ Mach 5,1 vượt quãng đường 426 km chỉ trong vòng 6 phút. Mỹ đã lên kế hoạch đến năm 2017 tên lửa này sẽ được đưa vào biên chế, tuy nhiên, vì một số lý do, mốc thời gian đó phải lui đến năm 2020.
Thành công và thất bại
Ngoài ra, theo chương trình "Vũ khí siêu thanh tiên tiến" (AHW), Lầu Năm Góc đã thử nghiệm đầu đạn siêu thanh . Theo kế hoạch, hệ thống vũ khí mới với đầu đạn phi hạt nhân phải bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 6.000 km, 30 - 35 phút sau khi phóng. Độ lệch tròn có thể xuống còn 10 mét.
Các nhà phát triển đã hai lần phóng thử nghiệm thiết bị mới, một lần thành công. Mỹ lên kế hoạch sử dụng những thành tựu của chương trình AHW để tạo ra tên lửa với phần đầu đạn lượn Tactical Boost Glide.
Theo báo cáo trên trang web Raytheon, khi tách khỏi phần thân sau khi đạt quỹ đạo thiết kế, thiết bị có thể đạt tốc độ 6.000 km/h.
Sau khi tách khỏi tên lửa, thiết bị có thể cơ động trong chuyến bay, do đó nó khó bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không.
Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) và Không quân Hoa Kỳ phối hợp thực hiện một dự án vũ khí siêu âm khác. Phương tiện kỹ thuật siêu thanh Falcon (HTV-2) đã được thử nghiệm vào tháng 4 năm 2010.
Thiết bị đã đạt tốc độ rất ấn tượng Mach 20 trong bầu khí quyển, nhưng đã bị mất liên lạc khi bay thử. Cuộc thử nghiệm thứ hai đã tiến hành vào ngày 11 tháng 8 năm 2011 nhưng HTV-2 đã bị rơi. Dự án này đã bị đóng cửa.
Kế hoạch phạm vi toàn cầu
Một chương trình DARPA và USAF khác là vũ khí siêu thanh với động cơ phản lực không khí (phản lực dòng thẳng). Cùng với Quân đội Hoa Kỳ, DARPA đang thực hiện dự án hệ thống siêu thanh trên mặt đất. Và Tập đoàn Lockheed Martin đang phát triển những loại vũ khí tương tư như tên lửa Kinzhal của Nga.
Vào tháng Năm năm nay, báo chí đã đăng tải một phần bài phát biểu của Trung tướng Neil Thurgood, người đứng đầu Văn phòng Công nghệ quan trọng và Khả năng nhanh, trong đó nói về việc phát triển hệ thông siêu thanh trên mặt đất.
Đây là bệ phóng di động hai container kéo trên mặt đất với đầu đạn siêu âm C-HGB được thiết kế bởi các chuyên gia của Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc.
Theo Tướng Thurgood, hệ thống này sẽ có thể đạt tốc độ Mach 8. Như dự kiến, các thử nghiệm của hệ thông siêu thanh trên mặt đất sẽ được thực hiện vào năm 2021