Thế nhưng, tại cuộc gặp của các ngoại trưởng NATO với người đồng cấp Thuỵ Điển và Phần Lan hôm 14/5 nhằm chào mừng bước chuyển lớn nhất của an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ, đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ đã "dội nước lạnh".
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thể hiện thái độ kiểu đang trong "chế độ khủng hoảng", một nhà ngoại giao NATO nói với Reuters sau cuộc họp ở Berlin. Một ngày trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gây sốc cho các đồng nghiệp NATO khi tuyên bố sẽ không thể ủng hộ Thuỵ Điển và Phần Lan tham gia liên minh.
Ông Cavusoglu không chỉ nêu những điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận Phần Lan và Thuỵ Điển , mà còn cao giọng với Ngoại trưởng Thuỵ Điển Ann Linde theo cách mà các nhà ngoại giao NATO gọi là "phá vỡ quy tắc lễ tân một cách đáng xấu hổ".
"Đối với chúng tôi, đó là một thời khắc lịch sử, nhưng ông Cavusoglu nói rằng ông ấy ngứa ngáy vì ‘chính sách nữ quyền’ của bà Linde, gây ra rất nhiều kịch tính", một nhà ngoại giao NATO kể lại không khí căng thẳng trong cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Đức khiến nhiều người chọn cách im lặng để làm dịu tình hình.
"Chúng tôi đang cố hiểu xem đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ thực sự muốn gì. Thật là xấu hổ", một nhà ngoại giao giấu tên nói.
Yêu cầu chính của Ankara là hai nước Bắc Âu phải dừng ủng hộ các nhóm dân quân người Kurd và bỏ lệnh cấm xuất khẩu một số loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nguồn tin ngoại giao từ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ông Cavusoglu đã nêu quan điểm của Ankara một cách tôn trọng, chứ không phải như bà Linde nói là chỉ vì chính sách đối ngoại kiểu nữ giới của Thuỵ Điển.
"Phát biểu của bà ấy không giúp Thuỵ Điển vào NATO, còn phát biểu từ Phần Lan thận trọng hơn", nguồn tin nói.
Cuộc xung đột ở Ukraine khiến Phần Lan và Thuỵ Điển quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO.
Rủi ro nếu quá gắt
Ngày 16/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc Thuỵ Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO không gây đe doạ trực tiếp cho Nga.
Không khí căng thẳng trong cuộc họp tại Berlin là diễn biến bất ngờ, vì hồi đầu tháng này, các nhà ngoại giao NATO khẳng định tất cả 30 quốc gia thành viên đều ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển.
Các thành viên NATO muốn 2 nước hoàn tất thủ tục tham gia trong thời gian ngắn nhất, nhằm củng cố nỗ lực chống lại Nga. Tuy nhiên, ngày 16/5, ông Erdogan nói rằng Thuỵ Điển và Phần Lan chớ nên cử phái đoàn đến Ankara như kế hoạch.
Ngày 18/5, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một cố vấn cấp cao của tổng thống đã trao đổi với người đồng cấp của Thuỵ Điển, Phần Lan, Đức, Anh, và Mỹ, và việc tham gia NATO chỉ có thể tiến hành nếu các điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra được đáp ứng.
Một nguồn tin nắm được tình hình cho biết, cuộc trao đổi với Thuỵ Điển hôm 18/5 diễn ra tích cực và mở cánh cửa để phái đoàn đến thăm trong tuần tới. Tuy nhiên, cuộc trao đổi này diễn ra sau 5 ngày hai nước Bắc Âu vất vả tìm cách liên lạc với văn phòng của ông Erdogan, nguồn tin cho biết.
"Những việc này đang khuấy đục nước, nhưng nói chung sẽ không cản trở kế hoạch tham gia", nguồn tin giấu tên nói.
Ankara nói rằng lệnh cấm vũ khí mà hai nước Bắc Âu áp dụng để trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân sự vào miền bắc Syria để tiêu diệt các tay súng người Kurd năm 2019 là không phù hợp với việc hai nước tham gia vào thoả thuận an ninh.
Đài truyền hình TRT của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Phần Lan và Thuỵ Điển chưa chấp thuận đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về việc cho hồi hương 33 người bị Ankara cáo buộc có quan hệ với khủng bố. Ông Kenneth Forslund, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội Thuỵ Điển, cho biết nước này sẽ không nghĩ đến việc trục xuất những người không nằm trong danh sách khủng bố của EU.
Các nhà ngoại giao châu Âu nói rằng họ thấy ông Erdogan đang gây sức ép để có được thoả thuận. Là một đồng minh khó đoán nhưng cực kỳ quan trọng về chiến lược với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời chính quyền Erdogan thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, nhưng vẫn đóng góp lớn cho các nhiệm vụ của NATO.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn còn khúc mắc, sau những bất đồng về sự can dự của Ankara vào Syria và quan hệ gần gũi của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.
Ông Cavusoglu có cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New York vào cuối ngày 18/5.
"Chúng tôi lại thấy những trận gió của Chiến tranh Lạnh", ông Cavusoglu nói với đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nguồn tin nắm được tình hình nói rằng ông Cavusoglu đang thể hiện quan điểm cứng rắn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị các đồng minh cô lập nếu đi quá xa.
Mỹ vẫn tin sẽ tìm được giải pháp. Ông Blinken phát biểu tại cuộc họp báo hôm 15/5 rằng các nước liên quan vẫn tiếp tục trao đổi để xử lý khác biệt.
"Khi nói về quá trình kết nạp thành viên, tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ đạt được đồng thuận", ông Blinken nói.