Hậu đụng độ Nga-Ukraine: Nước từng là kẻ thù số 1 của Moscow lập ngay căn cứ ở Biển Đen

QS |

Ông Boldyrev cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sớm thông qua quyết định xây căn cứ mới sau khi NATO phô trương sức mạnh để đối phó với vụ đụng độ ở eo biển Kerch giữa Nga-Ukraine.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân trên Biển Đen ở vùng Trabzon, phía đông bắc nước này.

Như dự kiến, 400 quân nhân và 200 chuyên gia dân sự sẽ làm việc tại căn cứ này. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, các chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nói về lý do tại sao Ankara thông qua quyết định xây dựng một căn cứ hải quân mới và quyết định này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cán cân lực lượng ở khu vực Biển Đen.

Nghị sĩ Salih Jora từ Trabzon, đại biểu quốc hội của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, cho biết, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện có tổng cộng 8 căn cứ ở 4 vùng biển quanh Thổ Nhĩ Kỳ. Song, hiện nước này có nhu cầu xây dựng một căn cứ mới trên Biển Đen.

Như được biết, để duy trì khả năng chiến đấu cao của lực lượng hải quân, cần phải cung cấp những khoản đầu tư lớn và phải lập kế hoạch chi tiết cho tương lai xa hơn. Dự án xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đen là một phần của kế hoạch dài hạn, ý tưởng này đã xuất hiện mấy năm trước đây.

Các chuyên gia đã chọn lựa khu vực Sürmene (cách Trabzon 40 km) làm vị trí để xây dựng căn cứ mới, khu vực này có thể cung cấp đầy đủ hỗ trợ hậu cần cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và có cơ sở hạ tầng cần thiết.

Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong thời gian Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, đạt được thành công lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nhờ Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện các bước đi kiên quyết.

Ông Jora lưu ý rằng, căn cứ hải quân thứ 9 của Thổ Nhĩ Kỳ tại cảng biển Chamburnu (khu vực Surmene, tỉnh Trabzon) sẽ cung cấp dịch vụ hậu cần cho các thành phần chính của hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ - tàu khu trục, tàu ngầm và tàu tuần tra. Theo ông Jora, căn cứ hải quân mới ở Trabzon sẽ có diện tích khoảng 60 nghìn mét vuông.

Một căn cứ hải quân của Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen nằm gần cảng Bartın. Mục đích của dự án xây dựng căn cứ Surmene là để tăng cường hơn nữa sức mạnh của lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra cơ sở hạ tầng hậu cần.

"Xin nhấn mạnh rằng, dứt khoát không được để các hải cảng và các căn cứ của chúng tôi được sử dụng vì lợi ích các quốc gia khác. Điều này không bao giờ xảy ra trên bất kỳ căn cứ của chúng tôi. Chúng tôi cũng hoàn toàn loại trừ khả năng xuất hiện tình huống tương tự trên căn cứ hải quân thứ 9 sẽ được xây dựng ở Trabzon" - chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ kết luận.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Andrei Boldyrev, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Cận Đông và Trung Đông của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một căn cứ hải quân mới như sau:

Thổ Nhĩ Kỳ có mấy lý do để làm như vậy. Trước hết, Ankara tiếp tục củng cố vị thế của mình ở khu vực Biển Đen-Địa Trung Hải. Vào tháng 8, Ankara đã thông qua quyết định xây dựng một căn cứ ở miền bắc Síp. Và căn cứ ở khu vực Trabzon là sự tiếp nối hợp lý của kế hoạch này.

Thứ hai, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sớm thông qua quyết định ngay sau khi NATO phô trương sức mạnh để đối phó với vụ đụng độ ở eo biển Kerch giữa Nga-Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với thực tế này, và căn cứ ở khu vực Trabzon là cách đáp trả nguy cơ leo thang tình hình căng thẳng ở Biển Đen.

Thứ ba, rất có thể, Ankara đã quyết định tận dụng tình hình ở khu vực Biển Đen để thành lập một điểm mạnh mới. Nói về vị trí của căn cứ mới, như được biết Trabzon là một thành phố cảng lớn và một điểm địa lý thuận tiện.

Trong mọi trường hợp, Thổ Nhĩ Kỳ đều cho thấy rõ rằng, họ chú ý theo dõi diễn biến tình hình ở vùng Biển Đen và sẵn sàng thực hiện những bước đi cần thiết. Theo tôi, dự án xây dựng căn cứ hải quân ở Trabzon cho thấy rõ điều đó.

Nước từng là kẻ thù số 1 của Nga

Moscow và Ankara từng trải qua một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.

Tổng thống Putin đã tỏ ra rất tức giận trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là "cú đâm sau lưng Nga" và không khác gì "đồng lõa với khủng bố".

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin lên án việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 là "hành vi giết người có chủ đích và Moscow có quyền đáp trả quân sự đối với Ankara".

Một cuộc khảo sát do kênh truyền hình độc lập RBC của Nga tiến hành còn cho thấy sau vụ việc Su-24 bị bắn hạ, Thổ Nhĩ Kỳ đã "vượt qua" Ukraine, Mỹ và tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng, trở thành kẻ thù số 1 của truyền thông Nga.

Trước phản ứng dữ dội của Moscow, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã hối tiếc vì hành động bắn rơi máy bay Nga, đồng thời ước rằng mọi chuyện không xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại