Đằng sau 'nước cờ' mới của ông chủ Nhà Trắng

Trương Anh Tuấn |

Mỹ đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, động thái chẳng những đẩy căng thẳng Washington - Tehran leo thang cực điểm, mà còn "gây khó" cho nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ.

Bên cạnh đó, những tác động từ quyết định này có thể kéo theo sự hỗn loạn và bất ổn kéo dài trên nhiều lĩnh vực.

Có thể thấy quyết định trên là một "nước cờ" đầy toan tính của Washington. Đầu tiên phải đề cập tới khía cạnh chính trị, bằng động thái trên, Mỹ đã một lần nữa gây sức ép mạnh mẽ, ở mức tối đa có thể, đối với Iran nhằm buộc Tehran phải “chùn bước” và “xuống nước” trên bàn đàm phán, như những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố mới đây.

Cũng có ý kiến cho rằng Mỹ đang “gài bẫy” Iran để dồn nước này vào đường cùng, dẫn đến những tính toán sai lầm, như tự hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới và nối lại chương trình hạt nhân, hay sử dụng "quân bài" cuối cùng là Eo biển Hormuz để đem ra “mặc cả”.

Nếu Iran bị “cuốn vào lối chơi" của đối phương và hành động đúng theo kịch bản mà Washington trù liệu, Mỹ sẽ đạt được mục tiêu và toan tính về "một thỏa thuận mới" có lợi hơn.

Trong thời gian vừa qua, Mỹ liên tục gây sức ép đối với Iran để hiện thực hóa những mục tiêu của mình. Hàng loạt biện pháp của Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đẩy Tehran vào cảnh khó khăn chồng chất khi nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu dầu bị sụt giảm mạnh, nền kinh tế lao đao.

Viện Tài chính quốc tế (IIF) dự báo nền kinh tế Iran có thể sụt giảm tới 4% trong năm 2019. Việc phải tập trung vật lộn giải quyết bài toán kinh tế khó khăn gây bất ổn xã hội, vô hình trung khiến Iran không đủ khả năng can dự tích cực trong những vấn đề khu vực, như Syria. Điều đó một mặt có thể làm suy giảm vai trò và ảnh hưởng của Iran, mặt khác tạo điều kiện hơn cho Mỹ trong việc kiềm chế quốc gia Trung Đông này.

Trong trường hợp Iran phong tỏa Eo biển Hormuz như một biện pháp đáp trả, Mỹ và các đồng minh ở khu vực Trung Đông chắc chắn không để yên và có thể sẽ sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn, khi ấy khu vực này lại đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc xung đột mới với những diễn biến thực sự khó lường.

Bởi vậy, động thái mới của ông chủ Nhà Trắng nhằm vào Iran có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới, đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực. Dù vậy, cho tới nay, giới lãnh đạo ở Tehran được đánh giá là có đủ tỉnh táo để không "cả giận mất khôn”, khi Iran đã khẳng định sẽ phối hợp với các đối tác để có những “ứng xử phù hợp”.

Tuy nhiên, về góc độ kinh tế, cần nhìn nhận ở phạm vi rộng hơn, khi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã “phá hỏng” thỏa thuận mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, trong đó có Nga, đạt được, về việc cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày đến tháng 6/2019 để ổn định thị trường thế giới.

OPEC và các đối tác có lẽ sẽ phải sớm nhóm họp để đánh giá thị trường dầu mỏ và quyết định xem liệu có tiếp tục duy trì thỏa thuận này nữa hay không, khi nguồn cung được dự báo sẽ thiếu hụt nghiêm trọng bởi có tới 3 nước thành viên OPEC là Iran, Libya và Venezuela đều đang đối mặt với nhiều khó khăn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, khủng hoảng hoặc xung đột ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu ra thị trường thế giới.

Những vấn đề của 3 thành viên OPEC này đã tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới cũng như tâm lý của các nhà đầu tư quốc tế do lo ngại thiếu nguồn cung. Hiện sản lượng dầu mỏ của Venezuela đã giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, trong khi nguồn cung từ Iran được dự báo sẽ giảm mạnh hơn nữa sau tháng 5 tới, trong khi tình hình ở Libya còn tồi tệ hơn. Nga - một đối tác chủ chốt của OPEC, đã bày tỏ lập trường rằng việc cắt giảm sản lượng, sau khi thỏa thuận hết hạn vào tháng 6, không còn phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Quyết định của Mỹ chắc chắn đã và sẽ gây ra những tác động bất lợi cho thị trường dầu mỏ quốc tế.

Nhìn từ Trung Đông, dầu thô là nguồn tài nguyên chịu sự ảnh hưởng của vấn đề địa - chính trị rất lớn. Quyền kiểm soát hoạt động sản xuất, phân phối và định đoạt giá dầu luôn đồng nghĩa với quyền lực kinh tế và chính trị lớn, và do đó, hành vi thao túng vì các động cơ địa - chính trị cũng là một nhân tố rất quan trọng tác động tới giá dầu thô trên thế giới hiện nay.

Giới phân tích cho rằng Mỹ thực chất là bên sẽ được hưởng lợi nhiều nếu nguồn cung khan hiếm khiến giá dầu tăng cao, vấn đề này khiến người ta liên tưởng tới thông điệp "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump khi tranh cử.

Việc Mỹ "ép" Iran, trong một chừng mực nào đó, có thể hiểu là nhằm tạo lợi thế cho chính mình và các đồng minh của Washington ở khu vực Trung Đông, nhằm thực thi sách lược của Tổng thống Trump. Điều này không phải không có cơ sở khi Mỹ hiện đã trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt qua cả Nga và Saudi Arabia về sản lượng dầu nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác dầu đá phiến.

Chính Mỹ đang định hình lại cục diện ngành công nghiệp dầu mỏ của thế giới và hiện khó nước nào có khả năng "qua mặt" Washington trong lĩnh vực này. Việc OPEC đang mất dần ảnh hưởng trên thị trường toàn cầu cũng được cho là chịu tác động của "sự trỗi dậy" của Mỹ về sản lượng dầu.

Thị trường dầu mỏ vốn dĩ "nhạy cảm" đã chứng kiến giá dầu thiết lập mức tăng kỷ lục mới của năm 2019, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2018 ngay trong đầu tuần này sau động thái từ Nhà Trắng. Ngày 23/4, giá dầu WTI tiếp tục tăng 0,3% lên 65,8 USD từ mức 64 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0,2% lên 74,4 USD/thùng.

Trong thời gian tới, giá dầu được dự báo có khả năng nhanh chóng vượt ngưỡng 80 USD/thùng và có thể tiếp tục "leo thang" hơn nữa, dù Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khẳng định sẽ nâng sản lượng để bù đắp cho lượng đầu thiếu hụt từ Iran. Saudi Arabia cùng UAE được cho có khả năng tăng sản lượng lên khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng con số này không đủ để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt trên thị trường hiện nay nếu tính cả Libya và Venezuela.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019 và 2020, lần lượt đạt mức trung bình 12,3 triệu thùng/ngày và 13 triệu thùng/ngày. Cùng với sự hậu thuẫn của các đồng minh ở Trung Đông, Mỹ sẽ có tiếng nói quyết định trong việc ổn định thị trường dầu mỏ thế giới, hay nói cách khác, triển vọng thị trường dầu mỏ vẫn sẽ phụ thuộc đáng kể vào những động thái từ Washington trong thời gian tới.

https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-nuoc-co-moi-cua-ong-chu-nha-trang-20190424173133412.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại