Sự việc trên được coi như "động lực" cho xu hướng sử dụng đạn pháo thông minh giúp biến các tổ hợp lựu pháo thông thường thành vũ khí tấn công chính xác cao trên thế giới.
Từ vụ tấn công tại Syria
Trong tối 12-1, Bộ Quốc phòng Nga đã bất ngờ công bố những hình ảnh về vụ tấn công chính xác cao sử dụng đạn pháo dẫn đường bằng la-de Krasnopol tiêu diệt thủ lĩnh phiến quân Syria và cơ sở sản xuất UAV được sử dụng tấn công căn cứ không quân Hmeymin làm 2 quân nhân Nga thiệt mạng hồi tuần trước.
Trong đoạn clip được Bộ Quốc phòng Nga công bố, 2 viên đạn pháo Krasnopol tấn công chính xác gần như tuyệt đối khiến phiến quân Syria không kịp phòng bị và phản ứng. Điều này thêm khẳng định ưu thế rõ ràng của các dòng đạn pháo dẫn đường chính xác trong nhiệm vụ đặc biệt.
Hình ảnh vụ tấn công nhằm vào nhóm phiến quân Syria và cơ sở sản xuất UAV của chúng tại Idlib do Bộ Quốc phòng Nga công bố
Theo nguồn tin công khai, 2K25 Krasnopol không đơn thuần chỉ là tên một loại đạn pháo, mà là một tổ hợp thiết bị bao gồm đạn pháo dẫn đường 30F39, tổ hợp phát tia la-de chỉ thị mục tiêu 1D15/20/22 và thiết bị đồng bộ vị trí 1A35.
Sản phẩm của Tổ hợp Cơ khí chính xác Tula này, phù hợp để trang bị trên các dòng lựu pháo tự hành cỡ 152mm 2S3 Akatsiya và 2S19 Msta-S hay trong tương lai là Coalisia của Quân đội Nga.
Cơ cấu ổn định bằng cánh lái đuôi và nhận diện phản xạ la-de cho phép Krasnopol tấn công chính xác mục tiêu với sai số chỉ vài mét và thậm chí là tiêu diệt được cả các mục tiêu cơ động chậm nếu đạn pháo vẫn có đủ độ cao và mục tiêu nằm trong tầm chỉ thích của thiết bị chiếu la-de.
Điểm đặc biệt của 2K25 Krasnopol là toàn bộ cơ cấu điều khiển đều được thu vào trong thân đạn và chỉ tách ra khi đạn đã rời nòng nên dễ dàng sử dụng trên các tổ hợp lựu pháo truyền thống với trang bị dẫn đường thích hợp. Ngoài ra, thiết kế dạng mô-đun hóa, toàn bộ phần dẫn đường và đầu đạn có thể tách rời giúp dễ dàng vận chuyển và sử dụng.
Tổ hợp đạn pháo 2K25 Krasnopol được chấp nhận vào biên chế Quân đội Liên Xô năm 1986 và liên tục được nâng cấp cho tới thời điểm hiện tại.
Đạn tự dẫn trong cơ cấu tổ hợp đạn pháo Krasnopol. Ảnh: Warfare.ru
Phương thức dẫn đường của đạn pháo Krasnopol. Ảnh: Warfare.ru
Trong vụ tấn công trên, đặc nhiệm Nga đã phát hiện vị trí của phiến quân tại khu vực giảm xung đột ở tỉnh Idlib (Syria), chiếu tia la-de chỉ thị vị trí của chúng và thông báo về trung tâm chỉ huy. Sau khi các tham số bắn được nạp và đồng bộ vào đạn pháo Krasnopol, nó được bắn đi như đạn pháo thông thường.
Các tham số được nạp kết hợp với tín hiệu la-de dẫn đường giúp quả đạn nặng 50kg (phần đầu nổ phá mảnh cực mạnh nặng 20kg) đánh trúng mục tiêu cách vị trí khai hỏa tới 30km.
Ngoài phiên bản 152mm dành riêng cho Quân đội Nga, tổ hợp 2K25 Krasnopol cũng có cỡ đạn 155mm để xuất khẩu.
Đến một xu hướng phát triển của pháo binh hiện đại
Thực tế, việc phát triển và sử dụng đạn pháo dẫn đường chính xác, thông minh không phải là mới trên thế giới và đang được nhiều nước áp dụng vì nó đáp ứng rất tốt các yêu cầu quan trọng của tác chiến pháo binh hiện đại với độ chính xác cao, linh hoạt trong sử dụng, chi phí sản xuất kinh tế và phù hợp với chiến tranh bất đối xứng hiện đại.
Điều này có thể thấy rõ ràng khi đạn pháo dẫn đường chính xác không cần thiết bị phóng đặc biệt như tên lửa, chi phí sản xuất rẻ hơn và đặc biệt là phù hợp để sử dụng ngay trên các tổ hợp lựu pháo truyền thống với một vài chỉnh sửa đơn giản.
Trong thực tế sử dụng, đạn pháo dẫn đường chính xác cao thường được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công đặc biệt yêu cầu độ chính xác cao và thời gian phản ứng nhanh chóng.
Nhờ hiệu quả cao trong sử dụng, đạn pháo thông minh, dẫn đường chính xác đang được nhiều quốc gia trên thế giới phát triển, trong đó có Mỹ. Ảnh: Defense News.
Hiện tại, trên thế giới các xu hướng phát triển đạn pháo dẫn đường chính xác chính là đạn tự dẫn sử dụng tín hiệu chỉ thị (la-de, ra-đa…), đạn tự dẫn kết hợp quán tính và định vị vệ tinh (GPS) và đạn pháo thông thường hoán cải sử dụng mô-đun dẫn đường đặc biệt.
Hiện tại trên thế giới có rất nhiều chương trình phát triển đạn pháo dẫn đường chính xác, ngoài Krasnopol của Nga, thì đạn pháo 155mm Excalibur của hãng chế tạo Mỹ Raytheon là một chương trình đáng chú ý.
Excalibur sử dụng phương thức dẫn đường quán tính kết hợp hiệu chỉnh vị trí bằng định vị vệ tinh giúp tấn công chính xác mục tiêu với sai số chỉ khoảng 4m. Tầm bắn của Excalibur phiên bản mới nhất lên tới gần 50km. Quân đội Mỹ đã sử dụng loại đạn pháo thông minh này tại chiến trường Iraq và Afghanistan.
Chính vì những lợi thế rõ ràng của đạn pháo dẫn đường chính xác cao, việc phát triển và sử dụng chúng đang trở thành một trong những xu thế chính của phát triển pháo binh hiện đại.