Dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei bị bắt tại Canada về Mỹ: Khó hay dễ?

Hồng Anh |

Nhà chức trách Mỹ sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp để có thể dẫn độ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei vừa bị bắt giữ tại Canada về Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Chu - con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc Nhậm Chính Phi đã bị giới chức Canada bắt giữ hôm 1/12 khi đang quá cảnh giữa các chuyến bay tại Vancouver.

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, nhân vật này sẽ có nguy cơ bị dẫn độ tới Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy vậy, quá trình dẫn độ nhân vật này tới Mỹ không đơn giản và nhà chức trách Mỹ sẽ phải thực hiện nhiều bước khác nhau.

Mỹ tìm kiếm lệnh bắt giữ ở nước ngoài như thế nào?

Các công tố viên liên bang và tiểu bang tại Mỹ không thể yêu cầu các đối tác nước ngoài bắt giữ và chuyển giao một cá nhân nào đó cho Mỹ.

Những yêu cầu này phải được thực hiện thông qua Văn phòng phụ trách quan hệ quốc tế thuộc Bộ Tư pháp (viết tắt là OIA). OIA duy trì đường dây liên lạc với nhà chức trách tại các quốc gia khác và chịu trách nhiệm thực hiện các bước đi tiếp theo dẫn tới việc bắt giữ và dẫn độ tội phạm.

Ông Douglas – luật sư chuyên mảng tội phạm quốc tế tại Houston cho biết, quyết định ban hành cáo trạng đối với một đối tượng nào đó, chẳng hạn như bà Mạnh Vãn Chu có thể được thực hiện ở các cơ quan cấp cao trong chính phủ Mỹ “bởi Mạnh Vãn Chu là một công dân Trung Quốc và cha bà là nhân vật quan trọng tại quốc gia này”.

Còn Bradley Simon – cựu công tố viên liên bang tại Brooklyn cho biết, động thái chống lại một cá nhân như bà Mạnh Vãn Chu “cần có thêm một loạt chỉ thị được xem xét kỹ lưỡng tại Bộ Tư pháp”.

Việc dẫn độ tội phạm từ Canada về Mỹ diễn ra thế nào?

Canada là một trong số hơn 100 quốc gia ký Hiệp định dẫn độ tội phạm với Mỹ, do đó, buộc phải hợp tác với các yêu cầu của OIA. Các hiệp ước dẫn độ khác nhau tùy thuộc vào từng loại hình tội phạm và một số hiệp ước loại trừ các cá nhân đang đối mặt với án tử hình.

Hiệp ước dẫn độ lâu năm giữa Mỹ và Canada quy định cá nhân bị dẫn độ phải là tội phạm ở cả hai quốc gia. Vẫn chưa rõ liệu OIA đã chính thức yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu về Mỹ hay chưa.

Một khi yêu cầu này được tiếp nhận, tòa án Canada phải xác định liệu có đủ bằng chứng để hỗ trợ quá trình dẫn độ hay không và Bộ Tư pháp Canada cũng cần phải đưa ra chỉ thị chính thức.

Với các quốc gia không ký Hiệp ước dẫn độ thì sao?

Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia nằm trong số những quốc gia không có Hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ. Nếu đối tượng Mỹ muốn dẫn độ đang có mặt ở những quốc gia này, một lựa chọn cho OIA là liên lạc với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) để ban hành “cảnh báo đỏ” cho thấy rằng đang có lệnh truy nã đối với đối tượng đó.

Cảnh báo đỏ thường không được công khai, tuy nhiên một đối tượng có thể bị bắt giữ căn cứ vào cảnh báo này ngay khi đến biên giới hoặc sân bay ở một nước thứ 3 không ký Hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay, nhưng Reuters không nêu rõ liệu giới chức Canada có thực hiện vụ bắt giữ này dựa trên cảnh báo đỏ hay không.

Bà Mạnh Vãn Chu có thể chống lại việc bị dẫn độ?

Bà Mạnh Vãn Chu là con ông Nhậm Chính Phi, nhưng đã lấy họ mẹ khi cha mình kết hôn lần 2.

Theo BBC Tiếng Trung, nhiều con cháu các nhân vật có thế lực ở Trung Quốc khi đi kinh doanh hoặc xuất ngoại đã dùng họ mẹ để giữ sự kín đáo

Yêu cầu dẫn độ của OIA phụ thuộc vào từng Hiệp ước dẫn độ, song nhìn chung đòi hỏi nhà chức trách Mỹ phải trình ra các cáo buộc và bằng chứng phù hợp.

Thông thường các bị cáo hay chống lại việc bị dẫn độ với lý do quyền lợi của họ tại quốc gia bị bắt giữ sẽ bị vi phạm nếu họ được đưa tới quốc gia yêu cầu dẫn độ để đối mặt với các thủ tục pháp lý.

Việc chống lại yêu cầu dẫn độ có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu có liên quan đến chính trị?

Thời điểm bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ trùng với thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến một số nhà quan sát cho rằng động cơ vụ bắt giữ có thể xuất phát từ mục đích chính trị.

Một quan chức Nhà Trắng ngày 6/12 cho biết, Tổng thống Donald Trump không hề hay biết về yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu khi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 ngày 1/12 – ngày vụ bắt giữ được tiến hành.

Luật sư Simon cho rằng, Tổng thống không có thẩm quyền ra lệnh truy tố một đối tượng nào đó và bất kỳ động thái nào chống lại bà Mạnh Vãn Chu cũng cần phải được đánh giá qua “nhiều cấp độ” tại Bộ Tư pháp trước khi thực thi.

Tuy nhiên, nhà phân tích này nhấn mạnh, có khả năng Bộ Tư pháp đã tham vấn với Nhà Trắng về thời gian tiến hành dẫn độ, do những lo ngại hay sự nhạy cảm về mặt chính trị.

Vụ bắt giữ ảnh hưởng như thế nào đến tập đoàn Huawei?

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc phụ trách mảng tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch tập đoàn Huawei là một trong những “cú giáng” mạnh nhất của giới chức Mỹ đối với Huawei. Tập đoàn này đã phải ngừng phần lớn việc cung cấp trang thiết bị viễn thông cho các hãng vận tải của Mỹ.

Các quan chức Mỹ nhiều lần cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã sử dụng sản phẩm của Huawei để phục vụ cho hoạt động do thám. Tuy nhiên Huawei đã từ chối cáo buộc này.

Các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết, trường hợp của bà Mạnh Vãn Chu có thể là “phát súng mở đầu” cho thấy Mỹ sẽ thực hiện thêm nhiều hành động chống lại Huawei và các quan chức cấp cao của tập đoàn này. Công ty công nghệ ZTE – đối thủ cạnh tranh của Huawei là một minh chứng điển hình.

Hoạt động của ZTE đã bị tê liệt trong nhiều tháng sau khi Bộ Thương mại Mỹ ngăn chặn công ty này mua những phụ kiện quan trọng từ các công ty của Mỹ. Lệnh cấm tương tự với Huawei nếu được thực thi thậm chí còn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, bởi sản phẩm của Huawei được sử dụng rộng rãi hơn nhiều trên thị trường so với ZTE.

Đặc biệt nếu vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu khiến các quốc gia lớn ở Châu Âu quay lưng lại với Huawei thì điều đó sẽ tác động lâu dài tới sự tăng trưởng và tầm ảnh hưởng của tập đoàn này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại