Gian lận ngân hàng?
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông Huawei, là một phần trong cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào âm mưu sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để tránh cấm vận của Mỹ đối với Iran, Reuters dẫn nguồn tin thân cận với hoạt động điều tra cho hay.
Từ năm 2016, Mỹ đã tìm hiểu xem liệu Huawei có chuyển các sản phẩm xuất xứ Mỹ tới Iran và những nước khác, vi phạm luật cấm vận và xuất khẩu của Mỹ hay không - Reuters đưa tin hồi tháng 4.
Gần đây, cuộc điều tra đã bao trùm cả những vấn đề như Huawei liệu có sử dụng công ty cổ phần chuyên cung cấp dịch vụ tài chính HSBC Holdings Plc để tiến hành các hoạt động giao dịch bất hợp pháp, liên quan tới Iran hay không.
Theo quy định của Mỹ, các công ty không được phép sử dụng hệ thống tài chính Mỹ để tuồn hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho những thực thể bị cấm vận. Nếu Huawei có những giao dịch như vậy và lừa gạt HSBC về mục đích thật sự của mình thì công ty viễn thông này có thể phạm tội gian lận ngân hàng, Reuters dẫn nguồn chuyên gia nhận định.
Huawei từ chối bình luận về vấn đề nhưng tuyên bố trong thông cáo sau vụ bắt giữ rằng công ty này tuân thủ tất cả các luật và quy định về cấm vận và kiểm soát nhập khẩu.
Được biết, hiện HSBC không bị điều tra trong vụ việc. Tuy nhiên, hồi năm 2012, HSBC đã phải trả 1,92 tỉ USD để thỏa thuận với văn phòng công tố Mỹ, liên quan tới cáo buộc vi phạm luật rửa tiền và cấm vận Mỹ. Theo thỏa thuận, HSBC đã bị giám sát suốt 5 năm để xem xét nỗ lực ngăn cản rửa tiền và vi phạm cấm vận của ngân hàng này.
"Vết xe đổ" của ZTE
Vụ điều tra Huawei được xem là tương tự như vụ việc từng đe dọa sự sống còn của tập đoàn Trung Quốc ZTE sau khi vi phạm luật hạn chế bán công nghệ của Mỹ cho Iran. ZTE đã phải trả số tiền phạt lên đến 892 triệu USD.
Hồi đầu năm nay, Mỹ cho biết, ZTE đã ra những thông cáo sai lệch về việc xử phạt các giám đốc liên quan tới vi phạm và cấm các công ty Mỹ bán phụ tùng, phần mềm cho ZTE. ZTE đã phải trả thêm 1 tỉ USD để dỡ bỏ lệnh cấm.
ZTE điêu đứng vì cấm vận của Mỹ. Ảnh: Youngchinabiz
Tương tự như vụ việc của bà Mạnh, giám đốc tài chính của ZTE đã bị chặn tại sân bay Logan (Boston) trong cuộc điều tra của Mỹ. Giới chức Mỹ thu giữ một chiếc laptop có chứa một "kho" bằng chứng cho thấy ZTE làm ăn phi pháp với Iran.
Năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ đã công khai thông tin về vụ ZTE và tiết lộ rằng một công ty khác, được gọi là F7, đã né cấm vận của Mỹ thành công. Trong đơn thư trình lên Bộ Thương mại Mỹ, 10 nghị sĩ Mỹ cho rằng F7 chính là Huawei. Tới tháng 4/2017, các nghị sĩ lại tiếp tục trình đơn và đề nghị công khai thông tin và điều tra F7 một cách toàn diện.
Trước đó, Reuters đã đưa tin, công ty công nghệ Skycom đặt trụ sở ở Hong Kong, từng tìm cách bán lô thiết bị máy tính HP bị cấm vận cho nhà mạng lớn nhất Iran, có quan hệ rất mật thiết với Huawei.
Bà Mạnh Vãn Chu, tên tiếng Anh là Cathy/Sabrina, từng ở trong ban điều hành của Skycom từ 2/2008-4/2009. Một số giám đốc trước đây và hiện nay của Skycom cũng có mối liên quan tới Huawei.
Nhận định về vụ việc, chuyên gia quan hệ Mỹ - Trung thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Liu Weidong cho rằng đây là một bước đi có tính toán của Washington nhằm giành ưu thế trong cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
"Chúng ta sẽ thấy nhiều sự vụ như vậy nhiều hơn nữa trong 3 tháng tới, [động thái] cấm vận các cá nhân và tập đoàn do Trung Quốc sở hữu, để tăng cường động lực cho phía Mỹ", ông Liu nói.
Mỹ tìm cách khiến Huawei "ngạt thở"?
Tờ China Daily của Trung Quốc cho rằng: Mỹ đang tìm cách khiến công ty công nghệ Trung Quốc Huawei "ngạt thở" và cản trở nỗ lực phát triển toàn cầu của công ty này bằng cách bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi.
Trong bài xã luận mới đăng tải, China Daily nhấn mạnh: Vẫn chưa có thông tin gì về nguyên do bắt giữ bà Mạnh. Tờ này cũng nhận định: Có vẻ đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm gây sức ép buộc đồng minh không sử dụng hàng hóa của Huawei.
"Có một điều đúng đắn không bàn thể cãi và đã được chứng minh là: Nước Mỹ đang tìm cách làm bất cứ điều gì có thể để khống chế sự phát triển của Huawei trên thế giới, đơn giản chỉ vì công ty này là đầu tàu cho các công ty công nghệ của Trung Quốc", trích xã luận của China Daily.
"Điều cần thiết cho sự phát triển trong quan hệ Mỹ - Trung là niềm tin chính trị. Tuy nhiên, Washington đang thuyết phục và ép buộc đồng minh của mình ngừng hợp tác với Huawei, góp phần hủy hoại niềm tin chính trị ấy".
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) chỉ trích nước Mỹ "viện tới một phương án hèn hạ" vì không thể ngăn cản sự phát triển của Huawei trong lĩnh vực 5G và cho rằng Mỹ đang lạm dụng luật pháp để cản trở Huawei.
Vụ bắt giữ xảy ra vào thời điểm đang có những động thái nhằm hạn chế công nghệ của Huawei ở các nước phương Tây. Mỹ, Australia và New Zealand đều chặn, không cho các thiết bị của Huawei sử dụng hạ tầng dành cho các mạng điện thoại 5G mới.
Huawei được xem như "con cưng" của Trung Quốc. SCMP cho rằng, mối quan hệ thân thiết giữa tập đoàn này và chính phủ Trung Quốc đã khiến phương Tây lo ngại về khả năng Bắc Kinh tiếp cận được mạng lưới và tiến hành thu thập tin tình báo ở đất nước của họ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề hay biết về kế hoạch bắt giữ bà Mạnh, 2 quan chức Mỹ khẳng định hôm 6/12 trong một nỗ lực mà Reuters cho là nhằm ngăn vụ việc ảnh hưởng tới cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Bắc Kinh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng có vẻ giữ khoảng cách với vụ bắt giữ khi nói rằng quyết định này được đưa ra "không liên quan tới chính trị".
Trung Quốc đã yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức và phàn nàn rằng cả Canada, lẫn Mỹ đều không đưa ra lý do bắt giữ.