Đạn cao su được sử dụng để trấn áp người biểu tình Mỹ sát thương mạnh đến mức nào?

Phạm Thu Hương |

Việc cảnh sát Mỹ sử dụng đạn cao su lõi kim loại với người biểu tình đã gây ra làn sóng phản ứng lớn - theo NBC News.

NBC cho hay, trong nhiều thập kỉ qua, nhiều bằng chứng đã chứng minh đạn cao su có thể làm thương tật, biến dạng và thậm chí là chết người. Tuy nhiên, ở các thành phố trên khắp nước Mỹ, các sở cảnh sát đã dùng thứ vũ khí này bắn vào đám đông để dập tắt tình trạng bất ổn do các cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd gây ra.

Floyd là một người đàn ông da màu 46 tuổi, tử vong ngày 25/5 vì bị một cảnh sát da trắng quỳ lên cổ trong suốt hơn 8 phút.

Ngoài đạn cao su (thường có lõi kim loại), cảnh sát đã sử dụng hơi cay, lựu đạn gây choáng, khí xịt hơi cay và đạn để kiểm soát đám đông biểu tình. Một số cuộc biểu tình ôn hòa đã trở thành bạo loạn khi nhiều người lợi dụng đập vỡ cửa sổ, đốt các tòa nhà và cướp bóc tại các cửa hàng.

Hình ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy có những người bị mất mắt hoặc bị thương khác sau khi hứng thương tích do đạn cao su gây ra.

Năm 2017, một nghiên cứu được công bố trên BMJ cho thấy 3% người bị trúng đạn cao su đã chết vì bị thương. 15% trong số 1.984 người được nghiên cứu đã bị tổn thương vĩnh viễn bởi những viên đạn cao su.

Đạn cao su được sử dụng để trấn áp người biểu tình Mỹ sát thương mạnh đến mức nào? - Ảnh 1.

Đạn đạn cao su cảnh sát sử dụng để trấn áp các cuộc biểu tình ở Washington, D.C. vào ngày 31/5/2020 (Ảnh: Jim Bourg / Reuters)

Brian Higgins, cựu cảnh sát trưởng của quận Bergen, bang New Jersey, cho biết những viên đạn cao su chỉ nên được sử dụng để kiểm soát "một đám đông cực kỳ nguy hiểm".

Trong tuần các cuộc biểu tình mới nổ ra, một cụ già ở La Mesa, California, đã phải nhập viện và ở phòng chăm sóc đặc biệt sau khi bị trúng đạn cao su vào giữa mắt. Nam diễn viên Kendrick Sampson cho biết anh đã bị trúng đạn cao su 7 lần trong một cuộc biểu tình ở Los Angeles. Nhiếp ảnh gia tự do Linda Tirado cho biết cô bị mù do bị trúng đạn cao su tại một cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis.

Tại Washington hôm 1/6, lực lượng Vệ binh Quốc gia bị cáo buộc đã bắn đạn cao su để giải tán những người biểu tình ôn hòa gần nhà thờ St. John, trước khi tổng thống Donald Trump đi bộ từ Nhà Trắng tới địa điểm này.

Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã bảo vệ hành động của Vệ binh, cho rằng họ đã có những tiến bộ đáng kể trong việc khôi phục trật tự cho quốc gia.

Đạn cao su nguy hiểm như thế nào?

Rohini Haar - bác sĩ cấp cứu nghiên cứu về ảnh hưởng của vũ khí kiểm soát đám đông - nói rằng không ai biết cảnh sát sử dụng đạn cao su thường xuyên như thế nào hoặc có bao nhiêu người bị thương mỗi năm, bởi nhiều nạn nhân không đến bệnh viện.

Theo Brian Higgins, nay là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay ở New York, cảnh sát không bắt buộc phải ghi chép việc sử dụng đạn cao su của họ, vì vậy không có dữ liệu nào cho thấy mức độ thường xuyên mà họ sử dụng. Không có tiêu chuẩn quốc gia nào cho việc sử dụng đạn cao su.

Khi bắn vào chân, đạn cao su có thể ngăn chặn một người hoặc đám đông nguy hiểm đến gần một sĩ quan cảnh sát. Nhưng khi bắn ở cự ly gần, đạn cao su có thể xuyên qua da, làm gãy xương, làm vỡ hộp sọ và làm nổ nhãn cầu - tiến sĩ Douglas Lazzaro, giáo sư, chuyên gia về chấn thương mắt tại Trung tâm Y tế NYU Langone, nói.

Robert Glatter - bác sĩ cấp cứu ở thành phố New York và là người phát ngôn của Đại học Bác sĩ Cấp cứu Hoa Kỳ cho biết, đạn cao su có thể gây chấn thương sọ não và chấn thương bụng nghiêm trọng.

Đạn cao su được sử dụng để trấn áp người biểu tình Mỹ sát thương mạnh đến mức nào? - Ảnh 2.

(Ảnh: Ringo H.W. Chiu/AP Photo)

Đạn cao su được sử dụng thường xuyên như thế nào?

Quân đội Anh đã phát triển đạn cao su cách đây 50 năm, song Vương quốc Anh đã ngừng sử dụng chúng từ nhiều thập kỷ trước.

Đạn cao su được sử dụng bởi lực lượng an ninh Israel chống lại người biểu tình Palestine.

Vào năm ngoái, cảnh sát Pháp đã bị chỉ trích vì sử dụng đạn cao su khiến hàng chục người biểu tình "áo vàng" bị mù và hàng trăm người bị thương.

Tiến sĩ Howie Mell - phát ngôn viên của Đại học Bác sĩ Cấp cứu Hoa Kỳ đã làm việc với các đội SWAT (Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt) - cho biết: Đạn cao su ít gây hại hơn so với việc khống chế bằng "việc dùng bạo lực hoặc đạn thông thường".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại