Điều gì có thể xảy ra sau hai tuần biểu tình ở Mỹ?

Hà Linh |

Đã hơn hai tuần kể từ khi biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc bùng phát khắp nước Mỹ. Biểu tình hòa bình ban đầu biến thành bạo loạn tại nhiều thành phố. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với nước Mỹ?

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời nhà triết học Noam Chomsky nhận định: “Phản ứng trước cái chết của George Floyd gây bất ngờ ở quy mô quốc gia, làm sôi sục các cam kết và đoàn kết liên sắc tộc”.

Một ví dụ đáng chú ý về biểu tình hiện đại là phong trào “Chiếm đóng Phố Wall” vào tháng 9/2011. Biểu tình “Chiếm đóng Phố Wall” khởi đầu bất ngờ khi hàng nghìn người tập trung tại công viên Zuccotti. Sau đó, người biểu tình “Chiếm đóng Phố Wall” đụng độ với cảnh sát, khiến hàng trăm người bị bắt giữ. Hai tháng sau đó, công viên Zuccotti bắt đầu vắng bóng người biểu tình.

“Chiếm đóng Phố Wall” đã tác động đến chính trị và tranh cãi về xã hội Mỹ liên quan đến bất bình đẳng về thu nhập.

Nelini Stamp – giám đốc chiến lược đảng Gia đình Lao động tham gia tổ chức các buộc biểu tình liên quan đến George Floyd ở New York - nhận định “Chiếm đóng Phố Wall” chưa trực tiếp thay đổi nước Mỹ. Thậm chí, bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ còn tăng đều từ năm 2011. Tuy nhiên, phong trào biểu tình này đã tạo ra tác động về dài hạn.

Stamp cũng nhấn mạnh về biểu tình liên quan đến George Floyd hiện nay: “Tôi cho rằng yêu cầu khá rõ ràng: cắt ngân sách của cảnh sát, thay đổi hình ảnh về an toàn công cộng và chúng ta đang dần chiến thắng”.

Dưới đây là video cảnh sát Charlotte dùng hơi cay để giải tán người biểu tình (nguồn: AP):

Video cảnh sát Charlotte dùng hơi cay để giải tán người biểu tình (nguồn: AP)

Cuộc biểu tình đã tạo thay đổi ở mức độ địa phương. Hội đồng thành phố Minneapolis, nơi Floyd tử vong ngày 25/5 sau khi bị cảnh sát đè đầu gối lên cổ, đã cam kết sẽ giải tán sở cảnh sát và bắt đầu lại mọi thứ.

Giáo sư Dana R. Fisher tại Đại học Maryland đánh giá rằng làn sóng biểu tình tại hơn 750 thành phố và thị trấn khắp nước Mỹ là cơ hội vàng để thay đổi thông qua lá phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Bà Dana R. Fisher nói: “Chúng ta đang chứng kiến nhiều cơ hội để người dân chuyển biến những điều đang diễn ra trên đường phố thành hành động chính trị, đặc biệt là khi cuộc bầu cử quan trọng sắp đến”.

Ông Noam Chomsky nhận thấy cần có hướng đi chiến lược tốt hơn. Ông nghi ngờ khả năng sẽ có nhiều phong trào hình thành nhằm “xử lý di sản 400 năm của nạn phân biệt chủng tộc, vốn không chỉ dừng lại ở bạo lực liên quan đến cảnh sát”.

Bà Nelini Stamp đề cập đến phong trào Black Lives Matter hình thành năm 2013, sau cuộc biểu tình tại Ferguson, bang Missouri phản đối vụ việc cảnh sát sát hại công dân da màu Michael Brown.

Bà Stamp lạc quan rằng đã có nhiều phong trào đứng về phía người da màu trong 6 năm qua và điều này chưa dừng lại. Bà Stamp nói: “Chúng ta đã tăng thêm sức mạnh”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại