Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng nổ từ ngày 25/5 sau vụ công dân da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis, thuộc bang Minnesota của Mỹ. Không còn là phong trào biểu tình đơn thuần, đã xuất hiện làn sóng kéo đổ các tượng đài ở nhiều nơi trên thế giới, và có những ý kiến gọi đây là "một cuộc đánh giá lại lịch sử và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên toàn cầu".
Các bức tượng ông trùm khai mỏ Nam Phi Cecil Rhodes ở Anh, tượng Thuyền trưởng James Cook ở Australia, tượng Christopher Columbus ở Mỹ hay tượng Vua Leopold II tại Bỉ đã trở thành mục tiêu tấn công của người biểu tình. Hôm 9/6, tượng đài Christopher Columbus, người đầu tiên phát hiện ra châu Mỹ, đã bị người biểu tình ở bang Virginia kéo đổ. Tại thị trấn Lille, Đông Bắc nước Pháp, người biểu tình đòi dỡ bỏ tượng Tướng Louis Faidherbe, người có vai trò giúp thực dân Pháp đô hộ Algeria năm 1840 và cũng là người cai quản Senegal dưới thời Hoàng đế Napoleon III.
Tượng Nữ hoàng Victoria (1837-1901) tại thành phố Leeds ở Anh bị viết dòng chữ "phân biệt chủng tộc". Cuối tuần trước, người biểu tình đã kéo đổ bức tượng Edward Colston, một nhà buôn nô lệ nổi tiếng thế kỷ 17, tại thành phố Bristol của Anh và đẩy xuống bến cảng. Nhà chức trách đã kéo bức tượng về và sẽ đưa vào trưng bày trong một bảo tàng.
Ngọn lửa giận dữ đang lan khắp thế giới nhắm tới những nhân vật lịch sử liên quan tới chủ nghĩa thực dân, những người đi khai phá những miền đất mới nhưng cũng đồng thời mang theo những cái mới ảnh hưởng tới cộng đồng bản địa trong thời kỳ người châu Âu "ôm mộng đế vương" và khát khao sở hữu những báu vật nhân loại.
Tại Mỹ đã bùng lên tranh cãi về những biểu tượng liên quan tới Liên minh miền Nam, vốn bao gồm những bang ủng hộ chủ nghĩa nô lệ ở miền Nam nước Mỹ trong thời kỳ nội chiến. Những người phản đối cho rằng những biểu tượng như tượng đài, cờ... của liên minh này cổ xúy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trong khi phe ủng hộ cho rằng đó là những di sản và văn hóa của miền Nam.
Phong trào phá dỡ những công trình kỷ niệm Liên minh miền Nam đã bắt đầu ở Mỹ sau vụ 9 người da màu bị một đối tượng phân biệt chủng tộc sát hại tại một nhà thờ ở Charleston, bang Nam Carolina năm 2015. Chính quyền bang này đã phải chấp nhận dỡ bỏ hơn 100 biểu tượng liên quan liên minh này. Nhưng nhiều tiếng nói phản đối những hành động này. Đầu tuần này, một thẩm phán bang Virginia đã ra lệnh tạm ngăn chính quyền bang dỡ bỏ một bia tưởng niệm ở Richmond. Ngày 10/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố bác bỏ mọi đề xuất đặt lại tên cho các căn cứ quân sự mang tên các nhà lãnh đạo của Liên minh miền Nam. Tại Anh, sau khi người biểu tình bôi bẩn và viết dòng chữ "Phân biệt chủng tộc" lên tượng đài cố Thủ tướng Winston Churchill, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gọi đây là "một hành động vô lý và đáng xấu hổ" đồng thời kêu gọi người dân không nên "bóp méo" lịch sử.
Nhiều ý kiến cho rằng việc phá đổ tượng các nhân vật lịch sử là hành động phá hoại nghiêm trọng các công trình văn hóa, trong khi thế hệ sau có thể rút ra bài học từ lịch sử để tránh đi vào vết xe đổ.
Mary Ononokpono, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành lịch sử tại Đại học Cambridge, cho rằng vấn đề nô lệ là một vấn đề lịch sử và thế giới ngày nay vẫn đang sống với những hệ lụy từ giai đoạn lịch sử phân giai cấp đẩy người da màu xuống đáy xã hội. Người Anh, người châu Âu, người Mỹ và người châu Phi đều phải đối mặt với lịch sử và cần có những cuộc thảo luận chuyên sâu và chân thành về giai đoạn lịch sử đó cũng như những di sản để lại.