Theo Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria SOHR, các cuộc không kích của Nga nhằm vào thị trấn Tafas, phía đông bắc Deraa và Saida ở phía đông Syria.
SOHR cho biết, Nga tạm ngừng không kích tối 30.6, nhưng nối lại tấn công hôm 4.7, ném cả bom thùng xuống Saida.
Phiến quân đã đàm phán với Nga kể từ ngày 30.6 nhằm tìm kiếm một thỏa thuận để chấm dứt chiến sự, chấp nhận trả lại quyền kiểm soát cho chính phủ, nhưng hai bên không thể đồng ý các điều khoản.
"Các cuộc đàm phán với Nga ở Bosra al-Sham thất bại vì họ đòi giao nộp vũ khí hạng nặng" - Abu Shaima, phát ngôn viên đại diện cho nhóm đối lập Quân đội Syria Tự do (SFA) đàm phán với Nga cho Reuters biết.
Một phát ngôn viên khác của phiến quân, Ibrahim al-Jabawi nói rằng các cuộc đàm phán không đạt được kết quả nào. Nga muốn vũ khí hạng nặng được giao nộp trong 1 lần. Phe nổi dậy muốn đầu hàng từng phần sau khi hàng nghìn người bị di dời quay trở về.
Trong vòng đàm phán đầu tiên hôm 30.6, phiến quân bỏ ra ngoài ngay lập tức, nói rằng "các điều khoản của Nga khác gì sự đầu hàng nhục nhã". Jordan đã thuyết phục họ quay lại bàn đàm phán.
Một số thị trấn ở tây nam Syria đã đạt thỏa thuận đầu hàng với chính phủ, sau chiến dịch tấn công dội bom ồ ạt.
Chiến sự ở tây nam Syria rất nhạy cảm với nước láng giềng Jordan và Israel. Đây là khu vực "giảm căng thẳng" được Jordan, Mỹ và Nga thống nhất thành lập vào năm ngoái.
Mặc dù Washington cảnh báo sẽ phản ứng với những vi phạm thỏa thuận, nhưng đến giờ chưa có động tĩnh gì. Phe nổi dậy cho biết Mỹ nói với họ rằng đừng chờ đợi gì sự giúp đỡ quân sự của Washington.
Ngày 4.7, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi có cuộc hội đàm ở Mátxcơva với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, cho biết một thảm họa nhân đạo có nguy cơ xảy ra ở miền nam Syria nếu không ngừng bắn.
Ông Lavrov trả lời, tất cả các vấn đề liên quan đến Syria có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin sắp tới ở Helsinki, Phần Lan.
Cuộc chiến ở tây nam Syria khiến 270.000 người phải dời bỏ nhà cửa - Liên Hợp Quốc cho biết hôm 1.7.