Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-1959), Đoàn công tác quân sự đặc biệt, mang bí danh Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ: Mở đường Trường Sơn chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Với trọng trách người đứng đầu quân đội, Bí thư Tổng Quân ủy, với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thu nhiệm vụ trên một cách nhạy bén, quyết tâm cao. Tháng 5-1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lại Quảng Bình lần thứ hai. Lần này, Đại tướng làm việc với Tỉnh ủy và một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Bình.
Tại buổi làm việc, tấm bản đồ tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ 1/100.000 được trải rộng trên bàn. Nhìn chăm chú hồi lâu vào tấm bản đồ, Đại tướng hỏi về tuyến đường trên đất Quảng Bình, đặc biệt là các tuyến đường miền Tây đi qua rừng núi U Bò, Ba Rền, Cà Roòng…
Đồng chí Trần Sự-lúc đó là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình-trả lời một cách rành rọt: "Thưa Đại tướng, tuyến đường này trước kia gọi là Tây Sơn thượng đạo, chạy ven đồi núi phía tây Khu 5, ra Bình-Trị-Thiên rồi Thanh-Nghệ-Tĩnh nối với Ninh Bình, Hòa Bình lên Việt Bắc. Đây là Quốc lộ 15A có từ lâu. Đầu năm 1948, đoàn của các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Lê Hiến Mai đã theo đường này đi từ Bắc vào Nam".
Sau khi nghe báo cáo và trả lời của các đại biểu, Đại tướng một lần nữa xem kỹ bản đồ, đặc biệt, ông hỏi nhiều và rất tỉ mỉ về bình độ của ngọn núi, đồi toàn tuyến phía tây Quảng Bình. Xem xét xong, nét mặt của Đại tướng như giãn ra, cười và bắt tay từng người. Đại tướng nói: Tốt! Tốt lắm!
Có thể nói, đây là chuyến đi không công khai, ít thời gian. Nhưng theo đồng chí Trần Sự thì "đây là chuyến đi quan trọng cho một quyết định có tầm chiến lược: Mở đường 559".
Thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng và chỉ thị của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, từ tháng 5-1959, Quân khu 4 và tỉnh Quảng Bình tập trung lực lượng bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong (TNXP), dân công nâng cấp, tu sửa và mở thêm các tuyến đường từ phía Quốc lộ 1A lên phía tây nam theo hướng đi vào Quảng Trị, Đường số 9 (trên đất Quảng Trị).
Mở đường từ Thạch Bàn (Lệ Thủy, Quảng Bình) vào Khe Hó (miền Tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, gần sát Vĩ tuyến 17, vĩ tuyến quân sự tạm thời-nơi đặt trụ sở tiền phương đầu tiên của Đoàn 559 (tháng 5-1959), mở Đường 16 từ Thạch Bàn vào Làng Ho, phía tây nam huyện Lệ Thủy-sau này là trụ sở tiền phương của Đoàn 559 (tháng 10-1959).
Tiếp đến, mở đường từ Thạch Bàn vào Bang, rồi từ Bang vào Vít Thù Lù, qua Làng Ho vượt đỉnh 1.001… vượt sông Bến Hải.
Cùng với việc mở các tuyến đường, Tết Canh Tý 1960, 200 dân công huyện Lệ Thủy chuyển chuyến hàng đầu tiên vào Bang. Và gần 3.000 dân công huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy liên tục 20 ngày đêm vận chuyển 160 tấn hàng hóa vào Bang để Đoàn 559 chuyển tiếp vào chiến trường Trị-Thiên và Khu 5…
Trong lúc đó, Đoàn 559 khẩn trương triển khai, tổ chức lực lượng soi đường, nắm tình hình địch, ta, xây dựng cơ sở lực lượng trên tuyến Tây Trường Sơn, đặt trạm giao liên, vận chuyển gùi thồ hàng vào phía trong. Họ làm khối lượng công việc khổng lồ ấy với số quân có hạn, trong không khí hồ hởi, phấn khởi nhưng hết sức khẩn trương và bí mật.
Tháng 2-1960, cán bộ, chiến sĩ, dân công làm Đường 16 vinh dự được đón Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào thăm và kiểm tra công việc. Tại đây, Đại tướng biểu dương tinh thần vượt khó khăn, hăng say lao động ngày đêm trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ, lập công xuất sắc.
Đại tướng động viên mọi người hãy cố gắng hơn, đoàn kết, vì miền Nam ruột thịt mà phấn đấu, khẩn trương mở đường, chuyển hàng.
Vào thời kỳ này, tuyến Quốc lộ 15A-tuyến đường chiến lược Bắc-Nam chạy ven núi đồi phía tây song song với Quốc lộ 1A đã được khôi phục, nâng cấp, sửa chữa, các cầu, cống cơ bản được củng cố, làm mới kiên cố. Ô tô chạy suốt từ Hòa Bình, Thanh Hóa qua Thanh-Nghệ-Tĩnh đến tận Thác Cốc (miền Tây Nam huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
Đường 15A là tuyến đường chiến lược về phía tây nhưng cũng là mục tiêu quan trọng của không quân Mỹ nhằm đánh phá, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.
Tháng 5-1961, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại vào Quảng Bình. Lần này, ông làm việc trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan và Trưởng ty Giao thông vận tải (GTVT) Võ Văn Ấp, tại trụ sở Huyện ủy Lệ Thủy.
Với tác phong của nhà quân sự tài ba, sau khi đi kiểm tra thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem xét kỹ bản đồ, ông nói: "Sắp đến Đường 15A thông xe rồi, địch sẽ khống chế mạnh, ta phải có đường vượt qua Trường Sơn đi xuống Đường 9. Như vậy, kẻ địch có nham hiểm đến mấy đi nữa cũng không thể ngăn chặn sự chi viện ngày càng tăng của miền Bắc vào miền Nam".
Có thể nói, đây là ý tưởng táo bạo, sáng suốt, có tính khả thi gợi ý cho ngành GTVT tỉnh Quảng Bình, Bộ GTVT và Đoàn 559 suy nghĩ, phối hợp cùng khảo sát, lập phương án và tổ chức thực hiện.
Và sau này trở thành hiện thực: Đường 20-Quyết Thắng, từ Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vượt đỉnh Trường Sơn đến Lùm Bùm của nước bạn Lào, nối Đường 15A (Đông Trường Sơn) với Đường 129 (Tây Trường Sơn) phá thế độc đạo Đường 12 qua Cha Lo, đèo Mụ Giạ sang Lào.
Từ những năm 1964, 1965, kẻ địch tăng cường không quân đánh phá quyết liệt các tuyến đường hòng ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam. Bộ đội Trường Sơn gặp muôn vàn khó khăn.
Trong lúc đó, cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ở miền Nam càng phát triển, đòi hỏi sự chi viện sức người, vũ khí, lương thực, thuốc men ngày càng lớn. Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, từ giữa tháng 5-1965, ta thực hiện chủ trương chuyển phương thức vận tải bằng gùi thồ, mang vác sang phương thức vận tải bằng ô tô là chủ yếu.
Phương thức mới này, lúc đầu ta chưa có kinh nghiệm, nhất là trong tổ chức, chỉ huy, mặt khác, thời tiết, địa hình phức tạp nên gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng nữa là, vài tháng sau khi ta vận tải bằng ô tô, kẻ địch phát hiện.
Chúng tập trung máy bay rải chất độc hóa học làm rụng lá cây, tạo điều kiện cho máy bay địch bám đuổi đánh phá đội hình vận chuyển của ta. Máy bay địch thay nhau đánh phá liên tục, tập trung, khốc liệt trên các tuyến đường, chúng chặn đầu, khóa đuôi, gây cho ta những thiệt hại rất nặng về người, về xe và hàng hóa.
Đường tắc, xe, hàng, người bị thiệt hại, bộ đội thiếu gạo, lạt muối, bệnh tật hoành hành. Trong một số cán bộ, chiến sĩ xuất hiện tiêu cực, bị động, thiếu tinh thần chủ động.
Trước tình hình đó đã xuất hiện cuộc tranh luận: Có nên thực hiện phương thức vận tải bằng cơ giới hay quay trở lại phương thức gùi thồ để đỡ hy sinh về người và mất mát về phương tiện?
Tại hội nghị, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phân tích một cách khoa học, thực tiễn tình hình địch, ta, những thuận lợi, cơ hội và thách thức trên chiến trường. Đại tướng nhận xét: Tuyến vận tải quân sự chiến lược 559 đang thực hiện phương thức vận tải cơ giới tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu, nhưng đó là mất mát, thử thách không thể tránh khỏi.
Đại tướng nhấn mạnh: Ta không có lựa chọn nào khác trong khi yêu cầu của chiến trường miền Nam ngày càng lớn. Cuối cùng, Đại tướng kết luận: Phải sử dụng mọi biện pháp tổng hợp, từng bước phát triển vận tải cơ giới đường bộ, đường sông là chủ yếu, đồng thời, tùy tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc mà kết hợp vận chuyển thô sơ.
củng cố niềm tin và quyết tâm cho bộ đội, Đại tướng đề ra phương châm: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Phương châm đó đã nhanh chóng đến các đơn vị và được cán bộ, chiến sĩ phấn khởi tiếp thu một cách tự giác, trở thành sợi chỉ xuyên suốt chỉ đạo tư tưởng và hành động cụ thể, sáng tạo của các đơn vị, các lực lượng trên tuyến Đường 559.
Kết luận và phương châm chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã xua tan những hiện tượng tiêu cực, tư tưởng hoài nghi, dao động trong một số cán bộ, chiến sĩ, như một nguồn năng lượng tiếp thêm niềm tin, quyết tâm cho họ, mở ra một bước đột phá trong công tác tổ chức, vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến đường Trường Sơn.
Một quyết tâm mới, một khí thế mới và những kỷ lục mới trong công tác vận chuyển của Bộ đội Trường Sơn được thiết lập.
Mỗi lần Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào làm việc với Đoàn 559 (sau này là Bộ tư lệnh 559, Bộ tư lệnh Trường Sơn), ông đều dành thời gian đi thăm một số đơn vị, nhất là các đơn vị giữ chốt, sửa chữa đường ở các tọa độ lửa và các đơn vị làm nhiệm vụ vận chuyển.
Đầu tháng 3-1973, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra, xem xét, khảo sát thực địa các tuyến đường, lực lượng, cơ số vật chất của Bộ đội Trường Sơn và thăm các đơn vị.
Vừa vào chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tranh thủ làm việc với Bộ tư lệnh, nắm tình hình tư tưởng, công tác tổ chức và lực lượng của Bộ đội Trường Sơn. Sau đó, ông đi thị sát thực địa và thăm một số đơn vị.
Cùng đi với Đại tướng có Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính. Ông đã thị sát và thăm các đơn vị chốt giữ các trọng điểm: Chà Lỳ trên Đường 16, Tha Mé trên Đường số 9, Văng Mu trên Đường 128. Đặc biệt, ông đã đến đèo Phu La Nhích rồi vượt ngầm Ta Lê (trên đất Lào) đến cua Chữ A (trên đất Việt Nam). Đó là cụm tọa độ lửa trên Đường 20-Quyết Thắng (Tây Quảng Bình).
Nhìn các tọa độ mà bộ đội, TNXP chốt giữ, bom địch đánh phá đất nhão nhoét như bùn, cây rừng bị chặt phá tan hoang bằng địa; chứng kiến cảnh bộ đội, TNXP không quản ngại ác liệt, gian khổ, hy sinh, kiên cường giữ chốt, khôi phục mở đường, Đại tướng ngậm ngùi xúc động và trong ông trào lên một niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người con của mọi miền đất nước đang chiến đấu trên tuyến đường này.
Sự chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, trí thông minh không quản ngại hy sinh để "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" của họ đã truyền cho ông niềm tin mãnh liệt về sức mạnh và sự sáng tạo, trí thông minh của con người Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Là người mang trọng trách lớn lao, đóng góp quan trọng trong việc hoạch định, tổ chức hình thành, phát triển và chiến thắng của đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nói về Bộ đội Trường Sơn, về Đường Hồ Chí Minh một cách ngắn gọn, hàm súc, có ý nghĩa sâu sắc, lưu danh với thời gian và lịch sử của dân tộc:
"Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20".