Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Việt Nam suýt chút nữa "lấm lưng, trắng bụng" ở Tank Biathlon 2020

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Vòng loại Tank Biathlon 2020 đã khép lại, mỗi đội, mỗi tuyển thủ cần nhìn lại để chuẩn bị vào bán kết và chung kết với một tâm thái mới vững vàng hơn.

Không có đột biến nhưng cũng có những bất ngờ

Trước hết, có thể thấy rằng đây là một vòng đấu thành công của cả các đội dự thi cũng như của nước chủ nhà tại Tank Biathlon 2020. Vòng đấu đã diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoạch và an toàn tuyệt đối.

Tổng cộng đã có 135 vòng đấu tranh đua đầy quyết liệt, so kè từng chút một cùng với gần 400 viên đạn pháo, gần 5.000 viên đạn đại liên được bắn ra, song đã không có bất cứ một sự cố nhỏ về mất an toàn nào xảy ra.

Thứ hai, mặc dù thời tiết không thật ủng hộ song các đội cũng đã thể hiện được kỹ năng điều khiển xe tăng và xạ kích vũ khí trên tăng ở một trình độ đỉnh cao. Tuy các chỉ số về tổng thời gian lượt đấu, vận tốc cao nhất đạt được không bằng năm 2019 song có thể nói chủ yếu là do nguyên nhân khách quan gây ra.

Trong điều kiện đường sá lầy lội, trơn trượt song tất cả các kíp thi đấu đều duy trì được vận tốc trung bình trên đường chạy, vận tốc khi vượt qua các vật cản tương đối tốt. Số lỗi kỹ thuật nhìn chung khá thấp - nhất là ở Bảng 1 Tank Biathlon 2020, tuyệt đối không xảy ra va quệt, đâm húc.

Trình độ xạ kích vũ khí trên tăng của các đội cũng có nhiều tiến bộ. Rất nhiều kíp thi đấu đã bắn hạ 100% mục tiêu với tốc độ cực nhanh. Trình độ thao tác sử dụng vũ khí nhìn chung tốt. Trừ đội Qatar lần đầu tiếp xúc với T-72B3, còn lại không có đội nào cần đến trợ giúp kỹ thuật.

Về kết quả vòng đấu đã phản ánh chính xác khả năng, năng lực của các đội. Tại Bảng 1, đội Nga vẫn chễm chệ giữ ngôi đầu, còn đội Trung Quốc đã trỗi dậy mãnh liệt sau thất bại thảm hại ở giải đấu năm 2019. Họ đã đòi lại vị trí thứ nhì từ tay đội Belarus một cách xứng đáng với thời gian nhanh hơn gần 4 phút.

Trong bảng này, đội Uzbekistan mới được đôn lên từ Bảng 2 vẫn chưa có sự bứt phá vượt trội nào nên đành xếp cuối, còn lại các đội khác vẫn giữ được phong độ của mình.

Tại Bảng 2 ở Tank Biathlon 2020, đội Tajikistan như con sư tử sau một thời gian dài mơ màng nay chợt tỉnh và đã vùng lên mạnh mẽ chiếm ngôi đầu bảng. Thực ra, đó cũng không phải bất ngờ quá lớn - với một đội đã có kinh nghiệm sử dụng xe tăng T-72 từ lâu và đã tham gia thi đấu nhiều năm thì đây chỉ là sự tỉnh giấc muộn màng.

Cùng với sự trỗi dậy của Tajikistan là sự vươn lên mạnh mẽ của đội Lào. Mặc dù đã có trong tay xe tăng T-72 song 3 năm dự thi trước đây đội Lào hầu như chỉ lẹt đẹt ở vị trí chót bảng hoặc áp chót. Đến năm nay, họ như bừng tỉnh và chỉ chút nữa đã cho đội Việt Nam "lấm lưng, trắng bụng".

Đối với các đội lần đầu tham gia dự thi- những ẩn số của giải thì kết quả cũng đúng như dự đoán. Hai đội Abkhazia và Nam Ossetia với quy mô quân đội nhỏ bé, chủ yếu đến để trình diện.

Còn các đội Qatar và Congo thì thật sự có quá nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu thi thố trên loại trang bị mới, chủ yếu đến để học mà thôi. Nhưng cũng rất đáng khen ngợi khi các bạn Congo đã tiếp thụ rất nhanh và có mặt ở bán kết.

Về công tác bảo đảm phục vụ cho cuộc thi có thể nói nước chủ nhà đã thực hiện rất tốt. Với lịch thi dày đặc và cường độ cao song mọi công tác bảo đảm thao trường, xe cộ đều hoàn hảo.

Ngoại trừ 01 trường hợp sự cố kỹ thuật của kíp VN3 song theo Ban Giám khảo thì lỗi thuộc về phía sử dụng. Đó cũng chính là lý do đội Việt Nam không được trừ thời gian trong lượt đấu này.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Việt Nam suýt chút nữa lấm lưng, trắng bụng ở Tank Biathlon 2020 - Ảnh 2.

Suýt bị bạn Lào qua mặt, đội Việt Nam cần làm gì để vào chung kết và giành huy chương?

Do đặc điểm số lượng các đội dự thi Tank Biathlon 2020 năm nay ít nên tất cả các đội dự thi đều được thi đấu vòng bán kết để chọn ra mỗi bảng 4 đội vào vòng chung kết. Thậm chí, tại Bảng 2 chỉ có 5 đội tham gia, chia thành 2 đợt như sau: Đợt 1 gồm 2 đội Việt Nam và Myanmar, đợt 2 gồm 3 đội: Tajikistan, Lào và Congo.

Từ 8 đội chọn ra 4 đội, cuộc đấu ở Bảng 1 sẽ hết sức quyết liệt, một mất một còn. Còn ở bảng 2, từ 5 đội chọn 4 vào chung kết, trong khi lại có 1 đội lần đầu tham gia nên dường như cuộc đấu sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, để giành thắng lợi thì luôn phải ghi nhớ bài học nằm lòng là "không được coi thường bất cứ đối thủ nào".

Nhìn lại vòng loại vừa qua, sự trỗi dậy mạnh mẽ của đội Lào cùng với sự cố kỹ thuật phải thay xe của kíp VN3 đã đặt đội tuyển Việt Nam vào một tình thế hết sức trớ trêu: theo các số liệu công bố trên thao trường thì đội Lào đã vượt qua đội Việt Nam để giành ngôi nhì bảng, chỉ sau đội Tajikistan.

Cho dù sau đó Ban giám khảo đã họp lại, xem xét mổ xẻ các tình huống, lỗi phạm và kết quả là thành tích vị trí thứ nhì bảng lại thuộc về đội Việt Nam.

Tuy nhiên, khoảng cách hơn kém của hai đội chỉ là 24 giây - một khoảng cách quá nhỏ có thể san bằng bất cứ lúc nào đã để lại trong lòng người hâm mộ những băn khoăn không nhỏ cùng những câu hỏi cần lời giải đáp: Tại sao lại như vậy?

Thực ra, đội Lào có một lợi thế rất lớn so với Việt Nam là họ đã sở hữu xe tăng T-72 trong tay và có nhiều hơn 1 năm kinh nghiệm.

Bởi vậy, nếu họ chịu khó đầu tư hơn một chút thì kết quả thi đấu các năm trước hoàn toàn có thể khá hơn. Sự trỗi dậy năm nay có vẻ bất ngờ song cũng không làm đội Việt Nam quá ngạc nhiên. Từ nay, họ sẽ là một đối thủ xứng tầm và phải hết sức dè chừng.

Tuy nhiên, cái khoảng cách nhỏ bé đó dường như còn đến do chính những nhược điểm mà các kíp đấu của Việt Nam mang lại nữa.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Việt Nam suýt chút nữa lấm lưng, trắng bụng ở Tank Biathlon 2020 - Ảnh 3.

Xe tăng T-72B3 của Đội tuyển Việt Nam hoàn thành bài thi tại vòng loại Tank Biathlon 2020.

Tình trạng "phú quý giật lùi" về thành tích do điều kiện thi đấu không thuận lợi là tình trạng chung toàn giải song đi sâu phân tích sẽ thấy một số vấn đề của các kíp đấu Việt Nam tại vòng loại và nếu khắc phục được mới có cơ đạt thành tích cao ở các vòng sau.

Nhìn lại 3 kíp thi đấu của Việt Nam có thể thấy nổi lên một số vấn đề sau:

Về kỹ năng điều khiển xe và sử dụng xe của nói chung chưa thật tốt. Trong đó, hai tình huống đáng kể là để trôi xe khi lên dốc của kíp số 2 và quá nhiệt động cơ của kíp số 3. Thật may khi kíp số 2 không để nổ ngược, nếu không Việt Nam đã bị loại khỏi cuộc chơi.

Còn sự cố quá nhiệt động cơ cũng cần mổ xẻ để tìm nguyên nhân đích thực nhưng trước hết hãy tự xem lại những thiếu sót của mình đã.

Về sử dụng vũ khí thì 3 kíp xe mang 3 sắc thái khác nhau: kíp 1 bắn khá chính xác nhưng tốc độ bắn pháo quá chậm - phải mất hơn 1 phút mới bắn được 1 phát; kíp 2 bắn thì nhanh nhưng lại chẳng trúng phát nào; riêng kíp 3 bắn pháo rất tốt cả về độ chính xác lẫn tốc độ bắn, riêng bia số 9 không trúng chắc do ảnh hưởng tâm lý sau 10 phút chờ đợi để thay xe.

Vào vòng bán kết và chung kết, thể thức thi đấu sẽ thay đổi, các bài thi cũng khó hơn, số mục tiêu phải diệt cũng nhiều hơn - đặc biệt trong đó là bài thi "hành tiến bắn pháo vào mục tiêu ẩn hiện" mỗi tuyển thủ, mỗi kíp đấu rất cần phải phát huy tối đa sở trường và chế ngự giảm đến mức tối thiểu những nhược điểm của mình mới mong đạt được kết quả cao nhất.

Về phía lãnh đạo chỉ huy đội tuyển cần kịp thời rút kinh nghiệm, qua đó nghiên cứu sắp xếp đội hình chính xác để phát huy lợi thế của từng cá nhân, từng kíp đấu, có đấu pháp, chiến thuật phù hợp đồng thời quyết đoán, linh hoạt trong quá trình chỉ huy trên thao trường...

Tin rằng, với trình độ kỹ chiến thuật tốt, với bản lĩnh thi đấu vững vàng, với một trái tim đầy nhiệt huyết và một cái đầu thông minh, tỉnh táo... Đội tuyển xe tăng Việt Nam sẽ giành kết quả cao trong các vòng đấu bán kết, chung kết Tank Biathlon 2020 sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại