Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không có xạ thủ số 2, lính xe tăng bắn máy bay ra sao?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đại liên 12,7 mm rất mạnh, tốc độ bắn cao, xuyên phá sát thương tốt, diệt được cả mục tiêu mặt đất lẫn máy bay bay thấp và nó là vũ khí không thể thiếu trên xe tăng.

Súng đại liên 12,7 mm sử dụng loại đạn 12,7×108mm có nhiều thế hệ khác nhau. Đầu tiên là đại liên DShK, tiếp đó là NSV và gần đây là Kord. Nhìn chung, đó là một loại vũ khí bộ binh có uy lực rất mạnh cả khi bắn mục tiêu mặt đất và trên không. Bởi vậy, nó còn được lắp trên xe tăng các loại và một số loại xe thiết giáp.

Đại liên 12,7 mm - uy lực mạnh, bắn cả mục tiêu mặt đất và trên không

Súng 12,7 mm là khẩu đại liên có hỏa lực rất mạnh, tốc độ bắn cao, hiệu quả xuyên phá sát thương tốt, được dùng trong cả tác chiến mặt đất lẫn tác chiến phòng không tầm thấp.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không có xạ thủ số 2, lính xe tăng bắn máy bay ra sao? - Ảnh 1.

Súng này có cơ chế làm mát nòng bằng không khí, hoạt động bằng cơ chế trích khí, nạp đạn bằng dây băng. Một khẩu đại liên 12,7 mm hoàn chỉnh còn bao gồm một giá 3 chân (dùng cho phòng không) và giá bánh xe (dùng cho yểm trợ bộ binh), một hệ thống ngắm phòng không.

Biên chế chiến đấu cho súng đại liên 12,7 mm ở các đơn vị bộ binh thường là khẩu đội, tương đương tiểu đội bộ binh. Trong đó, các xạ thủ chính là khẩu đội trưởng, xạ thủ số 1, xạ thủ số 2, còn lại là tiếp đạn và bảo vệ...

Khi tác chiến mặt đất, xạ thủ sử dụng "thước ngắm cơ khí" để ngắm bắn. Thước ngắm cơ khí gồm có khung thước ngắm có khắc các cự ly bắn, du tiêu có khe ngắm, vít tinh chỉnh. Nó được lắp trên thân súng, khi không dùng đến thì gập xuống, khi dùng thì dựng lên.

Sau khi xác định được mục tiêu và cự ly bắn, xạ thủ bóp nẫy rồi đưa du tiêu đến vạch khắc tương đương với cự ly, vặn vít tinh chỉnh cho thật chính xác, sau đó ngắm qua khe ngắm, đầu ngắm tới mục tiêu và bóp cò.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không có xạ thủ số 2, lính xe tăng bắn máy bay ra sao? - Ảnh 2.

Xe tăng T-72B3 cùng Đội tuyển xe tăng Việt Nam vô địch Tank Biathlon 2020 tại Bảng 2.

Để bắn mục tiêu trên không cũng có thể bắn bằng thước ngắm cơ khí nhưng chỉ chính xác khi bắn trực thăng bay treo. Còn để bắn máy bay bay ngang, bay chếch, bổ nhào phải có kính mạng bắn máy bay bởi phải tính đến hướng bay, lượng đón.

Kính mạng thường là hai vòng tròn bằng kim loại một to, một nhỏ nhưng đồng dạng với nhau. Trên hai vòng tròn đó gắn một mô hình máy bay bay hướng về tâm kính. Có một tay quay để điều khiển mô hình máy bay theo các hướng khác nhau. Toàn bộ kính lắp vào thân súng, vòng tròn to ở trên thân súng.

Trường hợp bắn máy bay, khẩu đội 12,7 mm phải có tối thiểu 2 người (ngoài khẩu đội trưởng và tiếp đạn). Trong đó xạ thủ số 1 trực tiếp ngắm bắn, xạ thủ số 2 điều khiển kính mạng.

Khi phát hiện mục tiêu, số 1 hướng súng về phía đó. Căn cứ vào hướng và vận tốc máy bay số 2 điều khiển để mô hình máy bay trùng hướng máy bay thật và có vị trí phù hợp. Xạ thủ số 1 điều khiển súng sao cho mục tiêu trùng với mô hình và bắn.

Nói chung, để bắn trúng máy bay- nhất là các loại máy bay phản lực có vận tốc lớn cả hai xạ thủ phải nắm chắc quy tắc bắn, thao tác nhanh, chính xác và phải có sự hợp đồng rất chặt chẽ, thuần thục với nhau.

Với những ưu thế không thể phủ nhận về hỏa lực, súng cao xạ 12,7 mm đã được các nhà chế tạo xe tăng đưa lên xe tăng nhằm tăng cường hòa lực và khả năng tự bảo vệ trước sự tiến công của không quân đối phương. Và họ đã có giải pháp nào để giải quyết việc giảm nhân sự của khẩu đội?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không có xạ thủ số 2, lính xe tăng bắn máy bay ra sao? - Ảnh 4.

Kính ngắm K10-T dùng cho xạ thủ đại liên 12,7mm trên xe tăng.

Kính K10-T: Giải pháp tối ưu cho xạ thủ bắn máy bay bằng súng 12,7 mm

Do những hạn chế về không gian và tổ chức, khi súng 12,7 mm lắp lên xe tăng thì chỉ có 1 người sử dụng. Đối với xe tăng T-54, T-55, T-62 - người đó là pháo thủ số hai, còn đối với xe tăng T-72 (các phiên bản) thì do trưởng xe sử dụng. Người ta còn lắp nó lên một số loại xe thiết giáp nữa như K63 chẳng hạn.

Để điều khiển súng được thuận lợi, dễ dàng súng được lắp trên một bệ giá có lò xo cân bằng, đảm bảo quay lên xuống nhẹ nhàng bằng tay quay tầm; bệ giá có ngõng trục lắp lên cửa xe cho phép quay hướng dễ dàng; khi cần quay 360 độ thì quay cả cửa xe. Cò súng được lắp trên tay cầm bên trái theo kiểu bóp phanh.

Trường hợp sử dụng 12,7 mm bắn mục tiêu mặt đất hoặc máy bay bay treo, xạ thủ sẽ sử dụng thước ngắm cơ khí như khi ở dưới đất.

Còn để bắn mục tiêu bay trên không, khi không còn xạ thủ số hai trợ giúp thì xạ thủ sẽ có kính ngắm K10-T trợ giúp.

Kính ngắm K10-T có cấu tạo khá đặc biệt, bao gồm các bộ phận chủ yếu sau:

Gương nửa phản xạ (loại kính có tráng một lớp bạc rất mỏng, vừa cho phép nhìn xuyên qua vừa có tác dụng như một tấm gương) đặt nghiêng 45 độ trước mắt xạ thủ.

Hệ thấu kính có kính vật phủ bạc chỉ để lại hình lưới kính cho ánh sáng đi qua.

Lăng kính dưới.

Kính màu: có tác dụng chống lóa cho xạ thủ

Giá đỡ và hộp đựng.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không có xạ thủ số 2, lính xe tăng bắn máy bay ra sao? - Ảnh 6.

Cấu tạo của kính ngắm K10-T

Lưới kính là các vòng tròn đồng tâm cùng với 2 đường kính vuông góc với nhau. Trên 2 đường kính có các vạch khắc nhỏ. Giá trị khoảng cách giữa 2 vòng tròn hoặc 2 vạch khắc liên tiếp tương tương với một giá trị nhất định của vận tốc hình thu nhỏ của mục tiêu.

Vì kính vật đã bị tráng bạc nên ánh sáng đi qua lưới kính đập vào lăng kính dưới, đổi hướng 90 độ lên phía trên gặp gương nửa phản xạ lại đổi hướng 45 độ nữa thẳng về phía mắt xạ thủ. Lúc này, xạ thủ nhìn thấy trên gương nửa phản xạ hình của lưới kính.

Khi bắn mục tiêu bay ngang hoặc chếch, xạ thủ ngắm sao cho hướng chuyển động của mục tiêu sẽ đi qua tâm vòng ngắm (giao điểm của 2 đường kính), còn lượng ngắm đón căn cứ vào vận tốc hình thu nhỏ của mục tiêu để ngắm đón từ một điểm nào đó trên lưới kính theo quy tắc bắn.

Ngoài tác dụng ngắm bắn máy bay, kính K10-T hoàn toàn có thể sử dụng để ngắm bắn mục tiêu mặt đất ở khoảng cách không quá xa.

Với cấu tạo như vậy, chỉ một người cũng có thể sử dụng 12,7 mm bắn máy bay. Trong thực tế, bộ đội xe tăng Việt Nam đã dùng súng này bắn rơi được máy bay phản lực Mỹ như trong trận đánh điểm cao 543 của Đại đội XT9 ngày 25.02.1971 và một số trận đánh khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại