Đại tá Viktor Baranets: Mỹ săn lùng toàn diện hệ thống tên lửa S-300 tối tân của Nga

Hoàng Anh |

Ngay từ đầu những năm 1990, khắp Moscow lan truyền một thông tin bí mật, rằng CIA và Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát triển một chiến dịch bí mật để giải quyết vấn đề "S-300".

LTS: Trên Tạp chí tiếng Nga "Sovershennosekretno" số No.4/110, Đại tá Viktor Baranets - Nguyên thư ký báo chí của Đại tướng I.N. Rodionov - Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga (1996-1997) đã tiết lộ về thương vụ Quân đội Nga đã bán cho Mỹ các tổ hợp tên lửa S-300 tối tân trong bài viết "Потерянная армия - Một quân đội hư hỏng".

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc thương vụ bí ẩn này để thấy được những hậu họa rất lớn đối với Quân đội Nga trong khi Quân đội Mỹ lại được hưởng lợi.

---

KỲ 1: CHIẾN DỊCH S-300

Chiến dịch S-300

Đầu thập niên 1990, đặc biệt là sau Chiến tranh vùng Vịnh, cơ quan phản gián của chúng ta bắt đầu hết lần này đến lần khác thu được tín hiệu về các nỗ lực mạnh mẽ của các điệp viên Mỹ bằng đủ cách khác nhau nhằm moi được tất cả các thông tin có thể về các thiết bị của hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Hoạt động của các điệp viên chính thức Hoa Kỳ ở Moscow điên cuồng đến độ như thể số phận của tổng thống họ phụ thuộc điều này.

Đại tá Viktor Baranets: Mỹ săn lùng toàn diện hệ thống tên lửa S-300 tối tân của Nga - Ảnh 1.

Đại tá Viktor Baranets - Nguyên thư ký báo chí của Đại tướng I.N. Rodionov - Cựu Bộ trưởng QP LB Nga (1996-1997).

Lúc đó, bản thân tôi đã có cơ hội giữ trong tay của một số bản sao các tài liệu mật của Lầu Năm Góc, trong đó các viên tướng Hợp chủng quốc miễn cưỡng thừa nhận rằng S-300 - hệ thống duy nhất trên thế giới, đảm bảo sự phòng thủ hiệu quả về chiến thuật chống lại các mối đe dọa của tất cả các loại tên lửa đạn đạo...

Và việc giải thích tại sao, sau "Bão táp sa mạc" tình báo Mỹ đã tổ chức một cuộc săn lùng toàn diện hệ thống tên lửa phòng không của chúng ta, là việc không khó khăn gì lắm:

"Đó là các công trình sư Hoa Kỳ cần xem xét nó một cách chi tiết, nhằm thực hiện những cải tiến thiết kế phù hợp trong thiết bị hệ thống "Patriot" tương tự của họ, mà trong cuộc chiến tranh với Iraq cho thấy một số nhược điểm nghiêm trọng".

Để giải quyết các nhiệm vụ tác chiến chiến thuật chống lại các tên lửa đạn đạo "Scud" của Iraq, Bộ Tư lệnh các lực lượng đa quốc gia buộc phải huy động các phương tiện thông tin, mạng truyền báo và chỉ huy hệ thống cảnh báo sớm về tấn công tên lửa của Hoa Kỳ, cũng như các máy bay AWACS E-3A.

Mà S-300 lại có hệ thống trinh sát radar tự thân riêng và rất hiệu quả. Bên cạnh đó, ví dụ S-300V, nhỏ hơn gần 2 lần hệ thống của Mỹ trên phương diện số lượng các cấu phần tác chiến, còn xét theo sức mạnh của đầu đạn thì nó vượt "người Mỹ" 7 lần, diện tích lãnh thổ được bảo vệ - gấp 3 lần ...

Trên hết, người Mỹ quan tâm đến một số bí mật kỹ thuật trong hệ thống phát hiện mục tiêu, dẫn đường và kích nổ đạn tên lửa. Tổ hợp SAM của chúng ta đã chứng minh độ chính xác hủy diệt mục tiêu gần như bắn tỉa của nó - một mục tiêu chỉ tốn đúng một quả đạn tên lửa.

Đại tá Viktor Baranets: Mỹ săn lùng toàn diện hệ thống tên lửa S-300 tối tân của Nga - Ảnh 2.

Tên lửa S-300 do Nga chế tạo.

Người Mỹ quá ấn tượng với S-300

Người Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh thường chỉ đánh trúng mục tiêu với quả đạn tên lửa thứ tư. Thêm vào đó, hệ thống SAM của chúng ta còn hủy diệt được bản thân đầu đạn, mà "Patriot" chỉ làm bị thương thân đạn mục tiêu. Thế mới xảy ra chuyện đầu đạn bị rơi mà vẫn còn nguyên vẹn ...

Đầu tiên là trên phim, sau khi vô cùng ấn tượng với màn miêu tả công việc như bắn tỉa của S-300 tại triển lãm vũ khí ở Abu Dhabi, rồi sau đó tại trường bắn Kapustin Yar, tôi (Đại tá Viktor Baranets) thật may mắn được nhìn thấy trong thực tế bản đổi mới của hệ thống này.

Trái tim tôi bùng nổ với niềm tự hào vì hiểu rằng những cái đầu và những bàn tay vàng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga thậm chí dù đói dở sống dở song vẫn có khả năng sản xuất ra loại vũ khí tốt nhất trên thế giới.

Dù đạn tên lửa "địch" bay với tốc độ chóng mặt ở đâu đó trên cao sau những đám mây hoặc gần sát mặt đất, dù bia bay có cố gắng luồn qua các đài quan sát của chúng ta ở những tốc độ và độ cao khác nhau – đạn của tổ hợp vẫn nhanh như chớp lao ra khỏi "nòng" và mục tiêu chỉ còn là những mảnh vụn cháy...

Chủ tịch Ủy ban Nhà nước và Bộ trưởng Quốc phòng đã vài lần quay tình huống "giả tưởng" mới đối với các phân đội S-300, mặc cho ngay cả trong một trận chiến huyễn hoặc cũng không thể phát sinh một tình huống phức tạp như vậy.

Và một lần nữa với tiếng gầm giận dữ, quả đạn tên lửa lại rung chuyển lao đi, rồi như thể đang nhìn thấy tận mắt, tìm ra mục tiêu một cách chính xác và phá nổ nó ...

Đại tá Viktor Baranets: Mỹ săn lùng toàn diện hệ thống tên lửa S-300 tối tân của Nga - Ảnh 3.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300V do Nga chế tạo.

Dường như hệ thống tên lửa phòng không của chúng ta đã đến mức hoàn hảo. Và tôi rất ngạc nhiên khi họp bình giá các cú phóng thử nghiệm hệ thống mới, sau khi đưa ra một kết quả xuất sắc, tổng công trình sư thiết kế đột nhiên thông báo rằng S-300 của ông ấy còn có một "dự trữ hoàn thiện khổng lồ".

Sau những lời trên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngay lập tức yêu cầu những người không có liên quan trực tiếp đến công việc thiết kế chế tạo tổ hợp rời khỏi lán dã chiến của trường bắn...

Moscow đã biết rằng trong một phòng thiết kế bí mật của Mỹ đang bắt đầu "sinh" đứa con thừa kế tiên tiến hơn Patriot, có tên mã là "PAC-3". Những người Mỹ đầy tham vọng đặt nhiệm vụ tối đa - làm cho hệ SAM của chính họ là hệ mạnh nhất trên thế giới. Và trước hết tốt hơn của người Nga.

Về vấn đề này, Tổng giám đốc Liên hiệp "Các hệ thống phòng thủ", Yuri Vladimirovich Rodin-Sova, nói với tôi:

- Người Mỹ có thể bỏ qua cho bản thân mình nhiều điểm yếu. Nhưng họ sẽ không bao giờ đồng ý là người thứ hai ...

Còn một lý do nữa, giày vò niềm tự ái của các đối thủ cạnh tranh của chúng ta: họ không thể hòa giải được với thực tế là nước Nga, nơi mà tổ hợp công nghiệp quốc phòng đã bị tàn phá, lại có thể buộc nước Mỹ vĩ đại phải "nhìn vào gáy mình" ...

Ngay từ đầu những năm 1990, khắp Moscow lan truyền một thông tin bí mật, rằng CIA và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát triển một chiến dịch bí mật để giải quyết vấn đề "S-300".

Có một luật bất thành văn từ xưa trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự: nếu bí mật vũ khí của kẻ thù không thể làm sáng tỏ, người ta sẽ đánh cắp hoặc mua nó. Chính người Mỹ đã thừa nhận rằng họ phải dành ít nhất 10 năm để giải quyết vấn đề. Và đây là một khoản chi phí khổng lồ, đâu đó đến một tỉ đô la. Cần phải tìm ra một giải pháp nhanh chóng và tiết kiệm.

Tại Washington, họ dự định đạt được mục tiêu theo hai cách: kiếm tổ hợp SAM hoàn toàn ở Nga hoặc có được nó toàn bộ hoặc một phần ở quân đội một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nơi có một số đơn vị S-300.

Sau này ta biết rằng chiến dịch được phát triển và thực hiện dưới sự giám sát cá nhân của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Frank Carlucci và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Baker. Đồng thời, cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) đóng vai người mua trực tiếp hệ thống.

Để giải quyết những vấn đề như vậy, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ thường sử dụng các công ty và cơ sở thương mại thực và hư cấu. Và "Chiến dịch S-300" cũng không ngoại lệ. Để kích thích lòng nhiệt thành của các thương gia, Ngũ Giác Đài thậm chí đã thông báo một cái gì đó giống như một cuộc thi: ai đạt kết quả quan trọng nhất sẽ có nhiều tiền nhất.

Cơ hội để kiếm được một khoản xổ số chắc chắn thu hút vào chiến dịch một vài "chuyên gia". Theo các cơ quan đặc biệt của chúng ta, ngay cả kẻ tham gia vụ lừa đảo Iran-Contra, nhà buôn vũ khí người Canada là Emmanuel Wainbersger, cũng tỏ ra quan tâm. Còn trong vai trò của một trong những nhà trung gian là Công ty "BDM" (chủ nhân "Carlyle group").

Đại tá Viktor Baranets: Mỹ săn lùng toàn diện hệ thống tên lửa S-300 tối tân của Nga - Ảnh 4.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-300V do Nga chế tạo.

Các sứ giả

Người Mỹ một thời gian dài kiếm S-300 ở Nga nhưng không thành công. Và điều quan trọng về nguyên tắc đối với họ là có được hệ thống ở chỗ chúng ta, một cách tổng thể và là chính thứ đang trang bị cho quân đội Nga (hệ thống SAM này có một vài phiên bản - S-300V, S-300 PMU - mà khác nhau không chỉ ở loại xe bệ kéo – bánh xích hay bánh hơi).

Các sứ giả vũ khí của họ bắt đầu thực hiện các cuộc thăm viếng thầm lặng đến Moscow và tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với các quan chức của chính phủ, các tổ hợp công nghiệp quân sự về khả năng mua S-300.

Đối mặt với một sự từ chối dứt khoát, họ thay đổi chiến thuật.

Vấn đề mua hệ thống tên lửa phòng không bắt đầu gắn với hứa hẹn sẽ hỗ trợ nước Nga trong các nỗ lực tham gia vào nhóm "Bảy ông lớn" (G-7), để nhận được các khoản vay và đầu tư nước ngoài (tôi luôn luôn mủi lòng vì cái công thức từ ngữ xảo quyệt, mà người Mỹ sử dụng trong trường hợp này: "Để ủng hộ cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế").

Người Mỹ còn một con át chủ bài cực mạnh nữa: trong điều kiện tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga sụp đổ và nợ nhà nước đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách ngày càng tăng, thật là tội lỗi khi từ chối nhận gần 300 triệu USD từ trên trời rơi xuống.

Những kẻ săn mua từ Hoa Kỳ biết cách tìm thấy những "tướng lĩnh của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga", những người sau này trở thành các nhà vận động hành lang tích cực cho phi vụ bán S-300V.

Trong những thư gửi cho Tổng thống và tại các cuộc họp của chính phủ, họ bắt đầu chứng minh rằng sẽ là không khôn ngoan khi "ướp muối" vũ khí trong điều kiện khí hậu chính trị quốc tế nóng lên đáng kể và khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trong nước và trong ngành công nghiệp quốc phòng đang diễn ra.

Vì sự "bướng bỉnh ngu ngốc" chúng ta sẽ mất đi cơ hội nhận được rất nhiều tiền để cải tiến S-300 và phát triển các công nghệ quân sự mới. Vì vậy, chính quyền Nga bị đẩy tới việc phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng của quốc gia ...

Trong bản thân ngành công nghiệp quốc phòng bắt đầu hình thành cả một cộng đồng các nhà lãnh đạo các xí nghiệp và các công ty của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, những người ngày càng kiên trì làm theo cách của mình để mà lấy "tiền tươi" - gần như là cách duy nhất để tồn tại.

Tôi nhiều lần phải đụng chạm với các giám đốc của các nhà máy quân sự và các nhà thiết kế, những người, như người ta nói, kéo cổ họng đến bật máu cũng không nói, họ cảnh giác đứng gác quyền lợi quân sự quốc gia, và không cho phép ngay cả trong suy nghĩ rằng đứa con yêu dấu của họ lại có thể rơi vào tay những người xa lạ.

Và rồi đột nhiên mọi thứ thay đổi đột ngột: những kẻ ủng hộ quyết liệt ngày hôm qua cho sức mạnh quân sự của nước Nga nay chạy khắp các văn phòng chính phủ hoặc các văn phòng điện Kremlin và khản cổ lập luận rằng nếu chúng ta không bán ra nước ngoài các vũ khí và thiết bị quân sự, thì chúng ta sẽ không có cả cái quần đùi để mặc...

Điều đó phù hợp với tư tưởng chung của Kremlin và chính phủ, đang đấu tranh để giảm bớt tối đa áp lực của "báo chí quân sự" về nền kinh tế.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại