Đại tá Ấn Độ dũng cảm chỉ huy binh sĩ chiến đấu tay bo với lính TQ, quyết không nổ súng

Anh Tú |

Theo các quan chức chính phủ ở New Delhi, trong cuộc đụng độ tối 15/6, 30 binh sĩ Ấn Độ đã phải chiến đấu với 250 lính Trung Quốc trong cuộc chiến tay bo đẫm máu.

Vào lúc khoảng 6.30 chiều ngày 15/6, Đại tá Santosh Babu, sĩ quan Quân đội Ấn Độ ở bang miền Nam Telangana nhận được lệnh chỉ huy 20 binh lính thuộc quyền đi thực hiện một nhiệm vụ mà ông cho là khá đơn giản.

Trước đó, Đại tá Santosh Babu đã được thông báo căng thẳng kéo dài cả tháng qua giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại các chốt điểm dọc Giới tuyến Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Đông Ladakh sẽ sớm kết thúc. Các chỉ huy quân sự hai bên “đã đồng ý hạ nhiệt” và phía Trung Quốc sẽ rút khỏi khu vực bên trong lãnh thổ Ấn Độ.

Nhiệm vụ của Đại tá Santosh Babu là phải đảm bảo rằng hai lều trại do Trung Quốc dựng lên bên trong Thung lũng Galwan phải được hạ xuống, theo thỏa thuận đàm phán giữa hai nước.

Quân đội Trung Quốc trước đó đã dựng trại của họ tại một vị trí có tên gọi Điểm giao chữ Y, nằm ở vị trí dưới Trạm tuần tra Số 14 (PP-14), tức thuộc rìa giới tuyến LAC phía bên Ấn Độ. Cách đó 9 km bên dưới là một căn cứ của Lục quân Ấn Độ.

Đại tá Ấn Độ dũng cảm chỉ huy binh sĩ chiến đấu tay bo với lính TQ, quyết không nổ súng - Ảnh 1.

Xe quân sự Ấn Độ tiến về biên giới Trung Quốc ngày 19/6. Ảnh: Yawar Nazir

Khi Đại tá Babu đến Điểm giao chữ Y để thực hiện thỏa thuận, ông quá đỗi bất ngờ vì các binh lính Quân đội Trung Quốc (PLA) từ chối tháo dỡ lều trại. Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra ngay sau đó và dẫn tới những vụ ẩu đả.

Cả hai bên đều được trang bị súng trường tấn công nhưng theo thỏa thuận ký kết năm 1996 quân đội hai nước không được phép bắn nhau trong phạm vi cách LAC 2 km.

Trong cuộc hỗn chiến sau đó, một trong số binh lính Trung Quốc đã đấm thẳng vào Đại tá Babu. Chứng kiến cảnh chỉ huy bị tấn công, lực lượng binh sĩ Ấn Độ đi cùng đã vô cùng giận giữ. Theo các quan chức Ấn Độ, họ đã quật ngã ít nhất 6 lính Trung Quốc.

Đại tá Babu, mặc dù bị đau nhưng vẫn tỉnh táo, đã ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền không được phép hành động gì thêm. Số binh lính Trung Quốc còn lại rút lui về phía giới tuyến LAC của họ còn phía Ấn Độ bắt đầu tiến hành hạ lều trại.

Khoảng hai tiếng rưỡi sau, khi đồng hồ điểm 9 giờ tối, phía Ấn Độ thấy các binh lính PLA quay trở lại đồn PP-14. Lần này, theo các nguồn tin chính thức, họ có tới 300 quân, mặc bộ đồ bảo hộ cao su trông giống như thiết bị chống bạo loạn và mang theo gạch đá khi di chuyển xuống sườn núi.

Đại tá Ấn Độ dũng cảm chỉ huy binh sĩ chiến đấu tay bo với lính TQ, quyết không nổ súng - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là loại vũ khí thô sơ mà lính Trung Quốc sử dụng trong cuộc ẩu đả chết người với binh sĩ Ấn Độ ngày 15/6

“Chẳng có gì bột phát về điều đó. Họ đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tấn công”, một quan chức cấp cao của Ấn Độ chia sẻ. Đại tá Babu đã gọi điện về căn cứ xin tiếp viện lực lượng. Sau đó, 40 binh sĩ Ấn Độ đã được triển khai thêm tới hiện trường.

Những gì diễn ra 5 giờ tiếp theo đó, theo tường thuật của một binh sĩ Ấn Độ, không chỉ là sự phản bội mà còn là những hành động như thời trung cổ, man rợ và trái ngược hoàn toàn với những gì mà bất kỳ quân đội chuyên nghiệp nào trên thế giới sẽ làm.

Lính Trung Quốc đã phá vỡ quy tắc cấm dùng súng bằng cách sử dụng các vũ khí thô sơ - dùi cui, đá, gậy sắt hàn đinh, gậy gỗ gắn kim loại sắc nhọn, giống những hình ảnh rò rỉ trên các nền tảng truyền thông xã hội và đã được các quan chức xác thực.

Vụ việc nhanh chóng biến thành một cuộc đối đầu toàn diện khi phía Trung Quốc sử dụng một vật cùn để đánh vào đầu Đại tá Babu. Trong đêm tối, viên sĩ quan chỉ huy Ấn Độ đã ngã xuống những mỏm đá lởm chởm (một số nhân chứng nói rằng ông đã bị đẩy xuống) từ một cú trượt thẳng đứng ít nhất 20 feet (6 m).

Theo các quan chức chính phủ ở New Delhi, cuối cùng 30 binh sĩ Ấn Độ đã phải chiến đấu với 250 lính Trung Quốc trong cuộc chiến tay bo đẫm máu. 20 binh lính Ấn Độ đã thiệt mạng trong đêm thực thi nhiệm vụ này.

Giữa cảnh hỗn loạn, lính Trung Quốc bị phía Ấn Độ bắt giữ đã tìm cách trốn thoát. Cả hai bên đều đã không bắn phát đạn nào. Nguyên nhân một phần do thỏa thuận nhưng một phần do đánh giáp lá cà nên nếu sử dụng súng rất có thể sẽ bắn nhầm đồng đội.

Theo các nguồn tin chính thống của Ấn Độ thì đã có 12 lính Trung Quốc tử vong, gồm cả một sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn.

Phải tới nửa đêm khi các chỉ huy cấp cao của cả hai nước làm việc qua đường dây nóng thì cuộc chiến mới kết thúc. Tuy nhiên, khi phía Trung Quốc rút đi họ đã bắt giữ theo 10 binh lính Ấn Độ.

Cảnh sát biên phòng Ấn Độ tháo rời và lắp ráp 2 khẩu súng bằng một tay trong 26 giây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại