Mật thư cuối cùng
"Trong chuyến thăm lần trước, Ngoại trưởng Haiti truyền đạt lại với tôi rằng, [Đài Loan] bày tỏ mong muốn hỗ trợ Haiti phát triển. Trong chuyến thăm lần này, tôi muốn hai bên thảo luận về những kế hoạch hợp tác phát triển trong tương lai giữa hai bên", Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời phát biểu của Tổng thống Haiti Jovenel Moïse hôm 30/5 trong chuyến thăm Đài Loan.
"Haiti rất kỳ vọng trong thời gian gần có thể chứng kiến kế hoạch hợp tác trên quy mô lớn, hiệu quả cao giữa hai bên", Tổng thống Moïse cho hay, nước này hiện đang đề ra bảy mục tiêu phát triển lớn như hiện đại hóa nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư tư nhân v.v...
Ngoài ra, theo truyền thông Đài Loan, tại tiệc chiêu đãi, Tổng thống Haiti tiếp tục đề cập đến các khoản viện trợ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giao dục, năng lượng, quy hoạch đô thị v.v...
Theo Hoàn cầu, việc Tổng thống Haiti liên tục nhấn mạnh vào mong muốn "sự phát triển của hai bên có thể bước lên tầm cao mới, trở thành quan hệ đối tác chiến lược, giúp quan hệ ổn định lâu dài" dường như mang "lực sát thương" rất lớn đối với chính quyền bà Thái - khi Đài Bắc vừa đánh mất 2 đồng minh trong vòng 1 tháng.
Trong khi đó, kênh truyền hình TVBS (Đài Loan) nhận định, bà Thái Anh Văn dường như không hào hứng khi đọc diễn văn đón tiếp: "Chúng ta đã có 62 năm quan hệ, là bạn bè tốt luôn hỗ trợ lẫn nhau. Tôi hy vọng chuyến thăm lần này có thể tăng cường mối quan hệ đối tác hợp tác cùng có lợi giữa Đài Loan và Haiti".
Vài giờ sau đó, Đài Loan và Haiti đã ký bản "thông cáo chung", trong đó nêu rõ: "Hai bên đã đạt được đồng thuận, xây dựng quan hệ đối tác mới và liên minh mới, đồng ý thành lập tiểu tổ công tác cấp cao... Trong 60 ngày sẽ cùng xây dựng các điều kiện hợp tác mới và kế hoạch khung về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư".
Theo Hong Kong Economic Journal, động thái này đồng nghĩa "Đài Loan nắm trọn kế hoạch phát triển và xây dựng của Haiti". Trong khi một nhà phân tích Đài Loan trả lời Hoàn cầu cho rằng: "Haiti đang đưa ra mật thư cuối cùng cho chính quyền bà Thái Anh Văn với thời gian chỉ có 60 ngày".
Bà Thái Anh Văn (trái) tiếp đón Tổng thống Haiti. Ảnh: TVBS
Quả bom đầu tiên
Theo United Daily News (Đài Loan), ngày 30/5 người phát ngôn cơ quan đảo này ông Lý Hiến Chương cho hay, Đài Bắc sẽ tích cực lên kế hoạch và hướng dẫn các doanh nghiệp của Đài Loan mở rộng thị trường tại Haiti và các nước đồng minh khác, tăng cường đầu tư hợp tác giữa các bên.
Tuy nhiên theo Hoàn cầu, đây là áp lực về vốn rất lớn đối với Đài Loan vì theo cơ quan ngoại giao Đài Loan, dự toán ngân sách đảo này có khoảng khoảng 800 triệu USD trong năm 2017.
Sau khi Burkina Faso tuyên bố chấm dứt quan hệ vào tuần trước, chính quyền bà Thái Văn Anh đã lập tức thông báo sẽ ủng hộ 1 triệu USD - khoản tiền vốn để tài trợ cho Burkina Faso - cho Tổ chức y tế thế giới WHO. Tuy nhiên, tại phiên họp hôm 30/5, cơ quan lập pháp Đài Loan cho biết số tiền trên vẫn đang trong quá trình điều phối do gặp một số khó khăn nhất định.
Theo thống kê GDP thế giới năm 2017 đối với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, Haiti xếp thứ 135 với tổng GDP là 8,36 tỷ USD. Hơn nữa dân số Haiti hiện nay hơn 10 triệu người trong khi dân số Đài Loan là 23 triệu người nên chính quyền bà Thái khó có khả năng hỗ trợ Haiti, Hoàn cầu đánh giá.
Ngoài ra, chỉ xét từ nhu cầu sử dụng điện, vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Moïse đã cam kết sẽ xây dựng một hệ thống năng lượng mới, trong 18-24 tháng tiếp theo, sẽ cung cấp đủ điện cho 16 thành phố lớn và 10 đơn vị tại quốc gia này 24 giờ/ngày nên số vốn đầu tư cũng sẽ rất lớn.
"Hơn 10 đồng minh của Đài Loan đều chứng kiến việc bà Thái đồng ý yêu cầu của Haiti nên họ sẽ không thể không làm theo Haiti. Đầu tháng 6, Quốc vương Swaziland sẽ tới thăm Đài Loan, khi đó có khả năng họ sẽ đưa ra yêu cầu lớn hơn", ông Khâu Nghị - cựu thành viên Quốc dân đảng nhận định.
Theo ông này, đồng thuận chung giữa chính quyền bà Thái và Haiti rất có thể sẽ trở thành "quả bom đầu tiên" phá hủy kinh tế tài chính Đài Loan.
Trong khi đó tờ Vượng báo (Đài Loan) nhận định, nguyên nhân các đồng minh của Đài Loan bắt tay với Bắc Kinh bắt nguồn từ bố cục tổng thể của Trung Quốc ở châu Phi, Mỹ Latin và khu vực Thái Bình Dương.
Tờ này cho rằng, các quốc gia này đều cần nguồn đầu từ "ổn định", đặc biệt phục vụ cho lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi đây là điểm yếu của Đài Loan nhưng là thế mạnh của Trung Quốc.