Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền

TRÀ MY |

Hay còn gọi là hành trình gian nan đi tìm "quốc tịch" cho chiếc bánh fortune cookie có xuất xứ Nhật, được người Trung quảng cáo và bán chạy tại Mỹ.

Số phận của fortune cookies (bánh may mắn) vẫn là một bí ẩn khi "có xuất xứ từ Nhật Bản, được ngưởi Trung Quốc quảng cáo, nhưng cuối cùng bán chạy ở Mỹ".

Khi đi ăn dimsum, đặc biệt là các nhà hàng tại Bắc Mỹ, người ta thường thấy sự xuất hiện của chiếc bánh quy nho nhỏ có mẩu giấy bên trong. 

Nội dung thường là những lời chúc tích cực, những tuyên ngôn truyền cảm hứng hoặc một dãy số may mắn để người ăn đem đi… mua sổ xố.

Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền - Ảnh 1.

Fortune cookies hay còn gọi là bánh may mắn.

Dù chưa có trường hợp đáng nói nào "đỏ" vận nhờ bánh may mắn, nhưng fortune cookies vẫn nổi tiếng dần đều và vươn lên hàng biểu tượng trong văn hóa ẩm thực lẫn đại chúng. 

Hơn cả một món ăn, fortune cookies là phản ánh của phương Đông huyền bí trong mắt người phương Tây, khi một mẩu bánh bé nhỏ cũng có thể thay đổi cuộc đời bạn.

Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền - Ảnh 2.

Fortune cookies là yếu tố then chốt trong bộ phim teen đình đám một thời - Freaky Friday. Hai mẹ con nhận một chiếc bánh may mắn từ bà chủ nhà hàng Tàu và mọi rắc rối bắt đầu từ đó.

Món Trung Hoa, Nhật hay Tây?

Dù thường xuyên xuất hiện trên bàn dimsum ở nước ngoài và gắn liền với những nhân vật Trung Quốc trong phim Mỹ, nhưng người Trung Quốc lại chả có tí khái niệm gì về fortune cookies cả. 

Mặt khác, người Nhật cũng thường xuyên nhắc nhở hai ông lớn kia: Bánh may mắn xuất hiện từ nước tôi năm 1878 kìa!

Vậy là, fortune cookies có số phận bảy nổi ba chìm nhất làng ẩm thực khi mang một nguồn gốc mập mờ, đến giờ vẫn bị ba quốc gia… giành qua giành lại.

Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền - Ảnh 3.

Fortune cookies thường xuất hiện trong nhiều nhà hàng Trung Quốc tại Mỹ.

Theo như người Trung Quốc, dù họ không ăn bánh may mắn với dimsum hay trà, thì tổ tiên họ cũng có công nghĩ ra concept này từ tận thế kỉ 13 - 14. 

Những chiếc bánh nướng có chứa mẩu giấy truyền tin bên trong đã xuất hiện trong quân đội nhà Minh, hoạt động như phương thức tình báo cao cấp trong cuộc chiến với quân Mông Cổ. 

Thể theo luật bản quyền, ai nghĩ ra đầu tiên thì người ấy thắng.

Ngay lúc này, người Mỹ nhảy vào cãi: các ông có công nghĩ ra ý tưởng, nhưng chúng tôi có công quảng cáo ra toàn thế giới. 

Quả thực, nếu không phải vì cuộc Thế chiến thứ II kéo theo một bộ phận Hoa kiều khổng lồ ở Mỹ, bánh may mắn sẽ rơi vào quên lãng.

Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền - Ảnh 4.

Một nhà máy làm bánh may mắn ở San Francisco (Mỹ).

Fortunes cookies ra đời và lớn lên giữa nước Mỹ theo cách rất cảm động: Có giả thiết cho rằng, ngày xưa người Hoa có tục bỏ lời chúc may mắn vào bánh trái dịp năm mới. 

Saukhi sangMỹ rồi, không tìm đâu ra bánh truyền thống, họ mới bỏ giấy vào cookies để đỡ nhớ phong tục quê nhà. 

Cũng có người kể lại David Chung là cha đẻ chính thức của fortune cookies. 

Ông nghĩ ra chiếc bánh đầu tiên vào năm 1918, sau đó nhờ mục sư viết những lời chúc tích cực để vào trong bánh. Bánh được tặng cho các công nhân trong xưởng của ông, giúp họ bớt đói bụng lẫn lạnh lòng.

Giả mà người Mỹ chỉ dừng lại ở câu chuyện cảm động trên, mà không đề cập đến năm tháng, thì đối thủ nặng kí tiếp theo sẽ không nhảy vào. 

Với đầu óc lý tính chi ly số một thế giới, người Nhật đưa ngay dẫn chứng số liệu để dành fortune cookies về mình: Trong một bức tranh cổ từ năm 1878, hình ảnh khay bánh có hình dạng từa tựa fortune cookies đã xuất hiện.

Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền - Ảnh 5.

Nhật bản có bằng chứng về một hình vẽ từ năm 1878 có hình một nghệ nhân làm bánh may mắn.

Bên cạnh đó, một người Nhật tại Mỹ cùng đã nghĩ ra cách bỏ giấy nhắn vào bánh. Ông tên Makoto Hagiwara – một nhân viên bình thường tại tiệm trà Nhật – bị đuổi việc bất công rồi may mắn được thị trưởng thu nhận lại. 

Để tỏ lòng biết ơn tới những người giúp đỡ mình lúc khốn khố, ông viết giấy nhắn cảm ơn rồi bỏ vào bánh quy, tặng cho họ. 

Đến những năm 1920 và 1930, fortunes cookies ngang nhiên xuất hiện trong thực đơn lẫn quảng cáo của những nhà hàng Nhật tại Mỹ.

Kết:

Nếu xét về mặt niên đại, người Trung Quốc đặt nền móng đầu tiên cho fortune cookies và người Nhật nhận "bằng sáng chế" chính thức từ năm 1878. 

Thế nhưng, điều hài hước là tại hai đất nước này, bánh may mắn lại là sáng tạo của nước ngoài. 

Nếu tới Trung Quốc mà hỏi fortune cookies thì hơi lạ, nhưng ở nhà hàng Trung – Nhật tại Mỹ thì nó luôn có sẵn như một luật bất thành văn.

Đại chiến không hồi kết của làng ẩm thực: Một mảnh bánh bé xíu mà 3 cường quốc thi nhau giành bản quyền - Ảnh 6.

Tựu trung, nguồn gốc của fortune cookies là một câu chuyện buồn cười. Buồn cho một giai đoạn lịch sử biến động, kéo theo số phận long đong không chỉ của một chiếc bánh. 

Và cười cho sự thiên biến vạn hóa ẩm thực, khi không một biên giới địa lý lẫn lịch sử nào có thể ngăn cản sự sáng tạo của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại