Đặc sản cá bống sao rừng Sác

Lê An |

Rừng Sác ở H.Nhơn Trạch có nhiều loại đặc sản, trong đó, cá bống sao là loài thủy sinh không nơi nào khác ở Đồng Nai có. Cá có kích thước nhỏ, thường làm hang sống trong bùn, nơi có nhiều rễ cây đước, bần. Trước đây, cá bống sao là món ăn dân dã thường ngày của người dân địa phương, nhưng ngày nay, cá được xem là đặc sản của rừng Sác.

Mùa mưa, khi độ mặn ở các cửa sông giảm là lúc cá bống sao vào mùa sinh sản và phát triển nhanh. Nhiều người vào rừng bắt cá bán kiếm tiền.

Đặc sản cá bống sao rừng Sác - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dân (quê tỉnh Tiền Giang) đặt lưới bắt cá bống sao ở rừng Sác. Ảnh: Lê An

Nguồn lợi từ sông

Khu vực quanh bến cảng Phước An là nơi giao thoa của nhiều dòng sông trước khi đổ ra biển, trong đó lớn nhất là 3 dòng sông: Thị Vải, Lòng Tàu và Đồng Nai. Nơi đây có nhiều loài sinh vật nước mặn sinh sống, trong đó có cá bống sao.

Vào mùa mưa, khi nước ở thượng nguồn về nhiều, những đàn cá bống sao ngược dòng tấp vào các bãi bồi ven bờ tìm chỗ làm hang. Quá trình cá di chuyển trên mặt bùn tìm thức ăn tạo nên những hoa văn như có người vẽ. Đây cũng là mùa đánh bắt chính của người dân. Có 2 cách để bắt cá bống sao, đó là dùng lưới hoặc bắt tay.

Ông Nguyễn Văn Dân (quê tỉnh Tiền Giang), người có nhiều năm kinh nghiệm bắt cá bống sao bằng lưới ở rừng Sác cho biết, cá bống sao có đặc điểm là di chuyển rất nhanh nên lưới bắt cá phải thiết kế riêng sao cho cá vào rồi không ra được.

Vào thời điểm thủy triều xuống thấp, chỉ cần đặt lưới ở mép nước, dùng cành cây đước hoặc bần xua trên mặt bùn cho cá di chuyển vào lưới. Trung bình mỗi ngày, ông Dân bắt được khoảng 5kg cá bống sao.

Lúc nước lên, ông Dân di chuyển ghe xuống sông đánh cá tạp bán cho các bè nuôi cua, cá kiếm thêm thu nhập. Khi thủy triều xuống lần 2 trong ngày, ông Dân quay lại bắt cá bống.

So với bắt cá bống sao bằng lưới, bắt cá bằng tay vất vả hơn nhiều. Người ta phải lội bộ đến gần gốc đước, gốc bần tìm hang cá. Hang cá khá dài, có khi tới cả mét. Ngoài hang chính, cá còn làm các ngách phụ. Người bắt cá phải phán đoán được hướng ngách phụ, một tay thọc sâu xuống hang chính bắt cá, một tay chặn ngách phụ không cho cá trốn thoát.

Anh Nguyễn Văn Tô (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An), thợ lái đò ở bến cảng Phước An cho biết, mỗi ngày anh đều chở vài chục người vào rừng Sác bắt tôm, cua, cá các loại. Có người chỉ bắt trong khoảng 2-3 giờ khi thủy triều xuống, có người mang theo đồ ăn nước uống ở lại bắt cả ngày.

Cá tôm bắt về được bán lại cho các lái buôn, bè ẩm thực trên sông hoặc bán tại chợ cá Phước An vào tờ mờ sáng hôm sau.

Đặc sản cá bống sao rừng Sác - Ảnh 2.

Người dân đi bắt cá bống sao ở rừng Sác (H.Nhơn Trạch).Ảnh: Lê An

Người dân địa phương cho biết, vài năm gần đây, trữ lượng cá bống sao ở rừng Sác giảm hẳn. Nguyên nhân có phần do đánh bắt nhiều, chất lượng nguồn nước ở một số khu vực không tốt, nguồn thức ăn của cá trong tự nhiên giảm.

Một số người thử làm đầm nuôi cá bống sao nhưng không đạt do nguồn thức ăn, nguồn nước không đảm bảo. Cá bống sao dần trở nên có giá. Một số người có thể kiếm được nửa triệu đồng mỗi ngày nhờ đi bắt cá bống sao.

Từ món ăn của người nghèo thành đặc sản

Người dân vùng hạ du sông Đồng Nai không lạ gì với cá bống sao bởi đây từng là món ăn mặn phổ biến trong mâm cơm của nhiều gia đình nghèo sống ở vùng đất ven rừng Sác. Nhưng ngày nay, khi nguồn cá bống sao ngày càng khan hiếm thì cá bống sao lại trở thành loại đặc sản không phải muốn ăn là có.

Chị Dương Thị Kim Ngân, chủ bè ẩm thực Lộc Ngân ở bến cảng Phước An cho biết, cá bống sao là một trong số ẩm thực đặc trưng khi đến với rừng Sác. Cá bống sao có thể chế biến thành nhiều món ăn như: kho, nướng hoặc nấu canh chua với quả bần, nhưng ngon nhất vẫn là kho tiêu.

Người ta làm sạch cá, lột da, ướp gia vị và một ít nước mắm ngon rồi cho vào nồi đất kho lửa riu riu. Khi nước gần cạn, cho thêm ít tóp mỡ hoặc mỡ heo, tiêu xay rồi kho cạn nước. Thịt cá kho khi chín có màu hồng nhạt, chắc và khi ăn có vị ngọt dai tự nhiên.

Cũng theo chị Ngân, nhiều thực khách đến đây thưởng thức xong hỏi mua cá về làm quà, tuy nhiên, không phải lúc nào bè cũng có cá để bán.

Ông Phạm Văn Tánh, lái cá chợ đêm Phước An cho biết, cá bống sao là mặt hàng khá đắt khách. Không chỉ người dân địa phương, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng liên hệ đặt mua, nhưng phần lớn cá bống sao không đến được những địa chỉ đó.

Cá bống sao thường qua tay lái buôn vào các vựa thủy sản, về chợ đêm. Người dân địa phương muốn ăn cá ngon, cá rẻ phải dặn trước những người đi bắt cá để phần.

Theo ông Tánh, hiện tại cá bống sao tại cảng Phước An có giá từ 60-70 ngàn đồng/kg tùy kích thước, ở vựa khoảng 90-100 ngàn đồng/kg. Còn nếu ở nhà hàng, khách phải trả vài trăm ngàn cho 1kg cá bống sao kho hoặc nướng.

Hiện tại, cá bống sao có bán ở một số vựa hải sản ở Nhơn Trạch, bè ẩm thực và chợ cá ở cảng Phước An. Những người biết ăn cá bống sao thường chờ đến mùa mưa mới mua cá về thưởng thức. Bởi khi đó, cá bống mập tròn, bụng căng đầy trứng. Cá bống đem nấu với quả bần chín cũng lấy từ sông là một món ăn dân dã đậm chất vùng sông nước mùa mưa.

Cá bống sao là loài cá ngon nhất nhì trong các loài cá bống nhờ thịt mềm, thơm ngon và ít xương. Loại cá này thường sống ở các cửa sông, cửa biển, nơi giao thoa nước mặn và nước ngọt.

Trước đây, cá bống sao là món ăn phổ biến của người dân vùng hạ du sông, nhưng hiện nay, nhiều người biết đến loài cá này và xem như một loại đặc sản riêng có ở rừng ngập mặn.

Cá có thể chế biến thành nhiều món ăn như: kho, nướng hoặc nấu canh. Người dân địa phương giải thích, sở dĩ có tên cá bống sao vì trên lưng cá có nhiều đốm xanh xen lẫn các chấm trắng trông giống như những chòm sao trên trời. Hiện đang là mùa đánh bắt cá bống sao chính của người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại