Đã tìm ra nguyên nhân vụ nổ bí ẩn của thủy lôi Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam

Vy Lam |

Nghiên cứu dựa trên tài liệu giải mật của Hải quân Mỹ đã lý giải vụ nổ đầy bí ẩn của một loạt thủy lôi Mỹ ngoài khơi bờ biển Việt Nam.

Tạp chí Smithsonian (Mỹ) cho hay, vào ngày 4/8/1972, dường như hàng chục quả thủy lôi đã đồng loạt phát nổ ngoài khơi vịnh Hòn La (Quảng Bình) của Việt Nam. Những quả thủy lôi này do quân Mỹ cài cắm trong Chiến dịch Pocket Money để ngăn miền bắc Việt Nam tiến hành các hoạt động trên biển trong thời kỳ chiến tranh.

Theo kế hoạch của Mỹ, thủy lôi sẽ phát nổ khi có tàu đi vào. Nhưng vào mùa hè năm 1972, binh lính Mỹ bay trên bầu trời đã không nhìn thấy bất cứ con tàu nào có thể kích hoạt thủy lôi phát nổ.

Phi hành đoàn trên chiếc máy bay của đội đặc nhiệm US Task Force 77 bay gần bãi thủy lôi ở ngoài khơi Hòn La thuật lại rằng, họ đã chứng kiến 20-25 vụ nổ diễn ra trong khoảng 30 giây.

Từ trên cao, họ cũng thấy khoảng 30 đốm bùn loang bên dưới mặt nước, dấu hiệu cho thấy thủy lôi đã phát nổ trong lòng vịnh. Nhóm binh lính Mỹ vô cùng ngỡ ngàng vì không rõ chuyên gì đang diễn ra.

Đã tìm ra nguyên nhân vụ nổ bí ẩn của thủy lôi Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa một vụ nổ thủy lôi. Nguồn: Wiki

Lý giải cho sự kiện bí ẩn này, các nhà khoa học cho rằng, có vẻ một cơn bão mặt trời cực mạnh đã kích hoạt các cảm biến từ tính của thủy lôi và dẫn tới những vụ nổ bất ngờ.

Nghiên cứu mới, đăng trên chuyên san Space Weather, được dựa trên các tài liệu đã giải mật của Hải quân Mỹ. Theo đó, các quan chức Hải quân Mỹ đã ngay lập tức tiến hành điều tra các vụ nổ không xác định, và họ đã sớm nghi ngờ thủ phạm chính là hoạt động của mặt trời.

Đề cập trên chuyên san Conversation, nhà nghiên cứu Brett Carter cho biết nhiều quả thủy lôi trong số này có vẻ đã phát nổ một cách ngẫu nhiên, chúng được gọi là "thủy lôi ảnh hưởng từ tính", được thiết kế để phát hiện những thay đổi trong từ trường khi có tàu thuyền đi qua.

Vào những năm 1970, người ta đã biết rõ hoạt động của mặt trời có thể làm nhiễu từ trường trên Trái Đất, nhưng các quan chức Hải quân Mỹ vẫn muốn xác nhận xem hoạt động của mặt trời có thể kích nổ các quả thủy lôi được cài cắm sâu dưới biển hay không.

Họ đã tham vấn với các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm môi trường không gian ở Cục khí tượng &Hải dương học (NOAA) và kết luận với "xác suất cao" rằng các quả thủy lôi đã bị kích nổ bởi một cơn bão mặt trời cực mạnh.

Nghiên cứu mới đây của Đại học Colorado (Mỹ) đã một lần nữa xác nhận đánh giá này. Theo các nhà nghiên cứu, trong vài ngày trước khi diễn ra vụ nổ, một vùng đen, được gọi là MR 11976, đã giải phóng ra các luồng bức xạ gây nên bão mặt trời lao về hướng Trái Đất.

Miền Bắc Việt Nam không phải là khu vực duy nhất chịu ảnh hưởng của cơn bão mặt trời này. Các nhà khoa học tại một số khu vực khác, như Philippines, Brazil và Nhật Bản, cũng phát hiện thấy những dấu hiệu nhiễu loạn từ trường trong khí quyển.

Ngày 4 và 5/8/1972, các công ty điện lực của Mỹ và Canada đã báo cáo về sự cố mất điện, từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng, tại các cơ sở của họ. Một số đường dây điện thoại và điện báo đã ngừng hoạt động trên đoạn cáp nối Illinois và Iowa.

Các nhà nghiên cứu nhận định, hiện tượng năm 1972 dường như giống với sự kiện Carrington – cơn bão mặt trời khổng lồ diễn ra vào năm 1859.

Nếu sự kiện tương tự diễn ra vào ngay nay thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng, bởi nó có thể gây ra sự cố mất điện trên diện rộng và làm gián đoạn các hệ thống GPS hoặc liên lạc vệ tinh, trong khi cuộc sống của con người lại đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại