Tiêm kích Su-30SM có gì đặc biệt khiến Minsk chờ đợi còn Erevan sục sôi?

Bảo Lam |

Belarus có thể trở thành quốc gia thứ ba, còn Armenia thứ tư thuộc các quốc gia Liên Xô cũ (sau Nga và Kazakhstan) sẽ tiếp nhận các máy bay tiêm kích Su-30SM đa năng.

Liên quan tới Armenia, "chính quyền cách mạng" của nước cộng hòa này đã lựa chọn mua Su-30SM của Nga thay vì JAS-39 Gripen của Thụy Điển và đang chuyển sang giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Belarus: Từ ký hợp đồng cho tới bàn giao

Bộ Quốc phòng Belarus đã ký hợp đồng với tập đoàn "Irkut" mua 12 chiếc máy bay tiêm kích Su-30SM vào mùa hè năm 2017. Tuy nhiên ngay đầu năm 2018 mọi thứ mới ngã ngũ rằng công tác bàn giao sẽ chỉ bắt đầu sớm nhất vào năm sau.

Thông tin này do bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Andrei Ravkov chia sẻ hồi tháng 2 khi chỉ rõ rằng dự kiến các máy bay sẽ được bàn giao vào năm 2019 với lô đầu tiên gồm 4 chiếc.

Trung tướng Ravkov cũng giải thích lý do chậm trễ. Theo lời của ông, tạm thời Nga trong năm 2018 không đủ khả năng để bàn giao cho Belarus những máy bay này bởi vì có các khó khăn nhất định trong việc cung cấp các phụ tùng thuộc diện bị trừng phạt.

"Quá trình nội địa hóa cỗ máy này đang được thực hiện. Đến năm 2019 họ (phía Nga) cam kết sẽ là cỗ máy hoàn toàn do Nga sản xuất, và chúng tôi có thể bắt tay vào phần việc thực hiện bản hợp đồng mà không có bất cứ trở ngại nào", ngài bộ trưởng nói.

Minsk có thể tin tưởng vào việc các máy bay tiêm kích Su-30SM cũng như những loại vũ khí tấn công và phòng thủ khác sẽ được bàn giao.

Tiêm kích Su-30SM có gì đặc biệt khiến Minsk chờ đợi còn Erevan sục sôi? - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30SM của Kazakhstan.

Mới đây, đại sứ Nga tại Belarus, ông Mikhail Babich giải thích rằng đây là phương pháp của Điện Kremlin đối với việc thực hiện trách nhiệm của một đồng minh trước Minsk. "Chúng tôi không tách mình khỏi Belorusia về phương diện quân sự", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Đúng là Nga quan tâm tới khả năng phòng thủ của Belarus bởi vì một trong những mối hiểm họa chính từ phía Tây được Moscow coi là việc Mỹ triển khai căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan cũng như sự hiện diện một cách từ từ của những lực lượng quân sự NATO trên lãnh thổ các nước Baltic và Ba Lan.

Bởi vậy, việc tiêm kích Su-30SM xuất hiện trong lực lượng Không quân Belarus được coi như câu trả lời của Moscow và Minsk đối với sự tiến sát tới biên giới quốc gia đồng mình với Nga các hạ tầng quân sự của Mỹ và NATO.

Armenia: Selfie trong buồng lái máy bay tiêm kích và giai đoạn đàm phán cuối cùng

Việc Armenia mua tiêm kích Su-30SM bắt đầu sau khi Thủ tướng nước này, ông Nikol Pashinyan hồi mùa hè đã đăng tải trên Facebook bức ảnh ông chụp bên trong buồng lái máy bay tiêm kích tại sân bay dã chiến "Erebuni" (căn cứ không quân số 3624 của Nga tại Armenia) và gọi nó là "một trong những máy bay tốt nhất trên thế giới".

Vào tháng 6/2018, tờ "Kommersant" (Nga) đã tăng độ quan tâm tới đề tài này khi chia sẻ rằng Moscow dự định bán cho Erevan tối thiểu một phi đội tiêm kích Su-30SM.

Đề tài không đóng lại ở nốt nhạc lạc quan này bởi vì hồi cuối tháng 10, trên các phương tiện truyền thông lại xuất hiện một tin giật gần mới khi nêu rõ rằng Thụy Điển đã đưa ra lời đề nghị Armenia mua tiêm kích JAS-39 Gripen của mình.

Tình hình được làm rõ vào tháng 11 khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Armenia, ông David Tonoyan tuyên bố tại cuộc họp báo rằng đã lựa chọn các máy bay tiêm kích mới cho lực lượng Không quân Armenia.

Mặc dù người đứng đầu cơ quan quân sự không nói rõ Erevan sẽ mua các máy bay tiêm kích của nước nào (bện cạnh đó ông cũng không phủ nhận rằng hai phương án đã được bàn tới – Su-30SM của Nga và JAS-39 Gripen của Thụy Điển), nhưng từ tuyên bố của ngài Bộ trưởng có thể hiểu rằng ông đang nói tới các máy bay chiến đấu của Nga.

Mong muốn của Bộ Quốc phòng Armenia tăng cường tiềm lực của lực lượng không quân chiến đấu không có gì mới.

Từ năm 2012 đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng định hướng nâng cấp các máy bay quân sự của quốc gia đang nằm trong cuộc xung đột kéo dài với nước láng giềng Azerbaizan và mối quan hệ thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Erevan chú trọng việc mua sắm các máy bay đa năng, đưa vào tuần tra chiến đấu cùng lúc cả lực lượng không quân tiêm kích và không quân ném bom mà hiện nay vẫn chưa được hình thành đúng nghĩa.

Hiện giờ Không quân Armena sở hữu 14 chiếc máy bay cường kích Su-25K và 1 chiếc Su-25UBK (theo một vài thông tin khác, 13 chiếc Su-25K và 2 chiếc huấn luyện chiến đấu).

Tiêm kích Su-30SM có gì đặc biệt khiến Minsk chờ đợi còn Erevan sục sôi? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga.

Nhiều người hiện nay đang đặt ra câu hỏi, việc xuất hiện các máy bay tiêm kích đa năng trong lực lượng Không quân Armenia sẽ tác động như thế nào tới khả năng phòng vệ của đất nước?

Vì điều này trong thời gian gần đây được viết nhiều tới mức gần như tất cả ai cũng là "chuyên gia về Su-30SM", nên xin được phép trả lời ngắn gọn – rất đáng kể.

Các năng lực tấn công của Armenia ở khoảng cách từ xa sẽ tăng lên: gần như toàn bộ hạ tầng dầu khí (và không chỉ có vậy) của Azerbaizan sẽ nằm trong tầm ngắm. Máy bay tiêm kích-ném bom "4++" được nâng cấp chủ yếu là để giải quyết các nhiệm vụ tấn công ở tầm xa.

Từ quan điểm gìn giữ sự tương quan cân bằng về lực lượng trong khu vực xung đột Karabakh, việc Armenia mua chiếc máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng hiện đại khó có thể được đánh giá lại theo các chuyên gia quân sự bản địa.

Khi mua Su-30SM, nước này trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực Nam Kavkaz sở hữu chiếc máy bay chiến đấu thuộc loại hiện đại nhất thế giới này.

Nếu mở rộng các vùng địa lý và tính đến các kho vũ khí của những quốc gia Trung Đông thì thậm chí Không quân Iran cũng không sở hữu các máy bay tiêm kích hạng nặng (quốc gia này từng đàm phán với Moscow về việc mua Su-30).

Trong khi đó Isarel và một vài quốc gia Ả Rập tại Vùng Vịnh đang sở hữu các máy bay loại này (ám chỉ tiêm kích F-15 của Mỹ). Như chúng ta biết, các nước này không bận tâm về tài chính khi mua sắm các sản phẩm quân sự hiện đại. Bởi vậy, Su-30SM đối với Armenia theo giá thành ưu đãi từ Nga đúng là một sự thành công.

Minsk và Erevan mua sản phẩm gì

Su-30SM (nâng cấp hàng loạt) – là chiếc máy bay tiêm kích hai chỗ ngồi đa năng thế hệ "4++". Được Phòng Thiết kế "Sukhoi" nghiên cứu, sản xuất tại Nhà máy chế tạo hàng không Irkut. Chiếc tiêm kích Su-30SM đã chứng tỏ được khả năng tốt của mình trong cuộc chiến tranh tại Syria.

Nó đa năng: có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên bộ (trên mặt nước) bằng nhiều loại bũ khí có hoặc không có điều khiển, cũng như có thể triển khai hoạt động trinh sát trên không và chỉ dẫn mục tiêu cho những máy bay khác của nhóm (bao gồm cả các máy bay ném bom Su-34).

Máy bay tiêm kích Su-30SM có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Chiếc máy bay có khả hoạt động tầm xa (bán kính chiến đấu – 1500km) và khả năng tiếp nhận nhiên liệu trên không, mang được 8 tấn vũ khí.

Su-30SM là phiên bản nâng cấp từ Su-30MKI và phiên bản nâng cấp mới nhất của nguyên mẫu Su-30. Nó được hoàn thiện theo các yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga về vũ khí, các hệ thống định vị, liên lạc và nhận dạng cùng nhiều thiết bị khác. Những bản hợp đồng mua Su-30SM đầu tiên trực tiếp của quân đội Nga được ký kết vào năm 2012.

Giá thành của bản hợp đồng

Belarus và Armenia phải mất bao nhiêu tiền để mua 12 máy bay tiêm kích Su-30SM? Trên các phương tiện truyền thông người ta đưa ra vài con số, từ 22 đến 50 triệu USD/chiếc (giá nội bộ).

Nhiều khả năng, các quốc gia này sẽ sử dụng các khoản tín dụng do chính Nga cấp để thanh toán. Công tác bàn giao dự kiến sẽ được thực hiện từng bước, nhiều khả năng, 4 chiếc mỗi năm.

Đang rình mồi, tiêm kích Su-30SM "giả vờ ngủ" trên không: Tung đòn kết liễu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại