Mới đây, Tập đoàn Sun Group đã gửi tới UBND TP HCM ý kiến đóng góp cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, TP HCM cần bổ sung vào quy hoạch trục đại lộ rộng 8 - 10 làn xe chạy dọc theo sông Sài Gòn qua Củ Chi, kết nối đến Tây Ninh.
Tâm điểm là tuyến đường sắt nhẹ với chiều dài gần 100km kết nối thẳng tới Tây Ninh, giúp việc đi lại, giao thương của người dân TP HCM với Tây Ninh và các tỉnh dọc sông Sài Gòn ngày càng thuận lợi.
Đề xuất phát triển tuyến đường sắt nhẹ LRT nối TP HCM - Tây Ninh cùng trục đại lộ chạy dọc sông Sài Gòn được cho là ý tưởng đột phá.
Nếu được chấp thuận, đưa vào quy hoạch để hiện thực hóa trong tương lai sẽ mang lại giá trị lớn cho kinh tế - xã hội, liên kết vùng TP HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương.
Hệ thống đường sắt nhẹ (LRT) được xây dựng với đa dạng loại hình chạy trên cao, mặt đất và chạy ngầm, không cần xây rào chắn giúp tối ưu chi phí đầu tư.
Một báo cáo của Canada đã chỉ ra chi phí đầu tư cho LRT chỉ bằng gần nửa so với tàu điện ngầm. Bên cạnh đó, LRT còn có thể kết hợp được các trải nghiệm du lịch ngắm cảnh.
Trở lại với Tây Ninh, nếu tỉnh này có chuyến LRT chạy qua sẽ gần như hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, gồm quy hoạch cao tốc, đường sắt, sân bay và cảng nội địa.
Tây Ninh được quy hoạch là cửa ngõ thương mại quốc tế
Theo quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo quy hoạch trên, Tây Ninh tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài và tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Cụ thể, cuối tháng 8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án có chiều dài khoảng 51km, đoạn qua TP HCM là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh 26,317km. Trong đó, điểm đầu kết nối với đường vành đai 3 TP HCM ( đoạn qua huyện Củ Chi), điểm cuối giao với quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, Tây Ninh.
Dự án xây dựng cao tốc TP HCM - Mộc Bài thuộc dự án nhóm A. Thời gian làm dự án (thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện) từ năm 2024 đến năm 2027. Tổng mức đầu tư 19.617 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng khoảng 409,3ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Về cảng hàng không, Tây Ninh quy hoạch một cảng hàng không tiềm năng tại huyện Dương Minh Châu. Tổ chức lập đề án đánh giá nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.
Trong báo cáo giữa kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TPHCM, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) lấy ý kiến, tuyến đường sắt TP HCM tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) dài 61,2km đã được nhắc đến.
Ngoài ra, Tây Ninh còn đầu tư hạ tầng đường bộ tăng cường kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với TP HCM, hình thành trục giao thông hàng hóa kết nối các khu công nghiệp nội tỉnh, các khu đô thị được quy hoạch, tách biệt với giao thông đô thị. Quy hoạch mạng lưới đường tỉnh gồm 49 tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 1.150km. Các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã thực hiện theo quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện.
Đường thủy nội địa phát triển các tuyến đường thủy nội địa trên các tuyến rạch, hồ có thể khai thác vận tải thủy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bao gồm: Rạch Trảng Bàng, Rạch Tây Ninh, Rạch Bảo, Rạch Bến Đá. Tận dụng diện tích mặt nước 2 hồ lớn (hồ Dầu Tiếng và hồ Tha La) để quy hoạch các luồng đường thủy nội địa địa phương và luồng quốc gia phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách kết nối Tây Ninh với Bình Dương, Bình Phước.
Cảng thủy nội địa trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông, duy trì hoạt động và nâng cấp 4 cảng đang khai thác và quy hoạch thêm 12 cảng; trên tuyến sông Sài Gòn quy hoạch 5 cảng. Đồng thời, phát triển 5 cảng cạn tại các cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, Chàng Riệc và trên sông Vàm Cỏ Đông (tại xã Thanh Phước - huyện Gò Dầu) và sông Sài Gòn (tại xã Hưng Thuận - thị xã Trảng Bàng).
Cùng đóm phát triển 4 trung tâm logistics tại cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Xa Mát, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu.