Đã có thịt viên voi ma mút nhưng chưa ai được nếm thử

Hải Yến |

Trong dự án chứng minh tiềm năng phát triển thịt từ tế bào, một viên thịt đã được làm từ voi ma mút lông dài đã tuyệt chủng.

Món ăn nhẹ từ thịt tái tạo của voi ma mút được sản xuất bởi một công ty của Australia có tên Vow với mục đích sử dụng các tế bào từ các loài độc đáo để tạo ra các loại thịt mới.

Dự án của Vow không liên quan đến việc giết mổ động vật. Nó nêu bật mối liên hệ giữa sản xuất chăn nuôi quy mô lớn với sự tàn phá động vật hoang dã và khủng hoảng khí hậu.

Vow đã khám phá tiềm năng của hơn 50 loài, bao gồm alpaca, trâu, cá sấu, kangaroo, công và các loại cá khác nhau.

Ý tưởng ban đầu cho món thịt viên voi ma mút là của Bas Korsten tại công ty sáng tạo Wunderman Thompson.

Tim Noakesmith, người đồng sáng lập Vow, nói rằng: "Chúng tôi chọn voi ma mút lông xù vì nó là biểu tượng của sự mất mát đa dạng và là biểu tượng của biến đổi khí hậu".

Voi ma mút lông xù được cho là đã tuyệt chủng do bị con người săn bắt và sự nóng lên của thế giới sau kỷ băng hà cuối cùng.

Đã có thịt viên voi ma mút nhưng chưa ai được nếm thử - Ảnh 1.

Voi ma mút lông xù đã tuyệt chủng hàng ngàn năm trước.

Vow đã làm việc với Giáo sư Ernst Wolvetang, tại Viện Kỹ thuật Sinh học Australia tại Đại học Queensland, để tái tạo protein cơ bắp của voi ma mút.

Nhóm của Giáo sư Wolvetang đã lấy trình tự DNA cho myoglobin của voi ma mút.

Đây là một loại protein cơ quan trọng, mang lại hương vị cho thịt và lấp đầy các khoảng trống bằng cách sử dụng DNA từ một con voi.

Trình tự DNA này được đặt trong các tế bào gốc nguyên bào cơ của một con cừu, tế bào này sẽ nhân lên để phát triển thành 20 tỷ tế bào được công ty sử dụng để nuôi thịt voi ma mút.

Giáo sư Wolvetang cho biết công việc này khá dễ dàng và nhanh chóng và có thể làm trong một vài tuần.

Mặc dù công việc đã được thực hiện, chưa ai có vinh dự trở thành người đầu tiên ăn thịt viên voi ma mút.

“Chúng tôi đã không thấy loại protein này trong hàng nghìn năm. Vì vậy, chúng tôi không biết hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ phản ứng như thế nào khi ăn nó. Nhưng làm điều đó một lần nữa, chúng tôi chắc chắn có thể làm theo cách khiến nó trở nên ngon miệng hơn” - Giáo sư Wolvetang cho biết.

Việc sản xuất thịt quy mô lớn gây ra thiệt hại về môi trường. Theo nhiều nghiên cứu, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ chỉ chấm dứt nếu việc ăn thịt ở các quốc gia giàu có giảm mạnh.

Theo Sky News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại