"Cuối cùng, điều này sẽ kết thúc giống như Chiến tranh Triều Tiên, có nghĩa là Nga có thể vẫn có quyền kiểm soát một số vùng đất của Ukraine, Crimea, cầu trên đất liền nối với Nga", cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO ở châu Âu, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis trả lời phỏng vấn trên chương trình phát thanh "The Cats Roundtable" (Mỹ) vào ngày 28/1.
"Mặt khác, tôi thấy Ukraine sắp gia nhập NATO. Tôi nghĩ nội dung của thỏa thuận đó có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm nay", Stavridis nói thêm.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt Ukraine vào tháng 2/2022. Theo tờ Business Insider, cuộc xung đột kéo dài đã chứng kiến Nga phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn Ukraine phải phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ của phương Tây.
Ông Stavridis nói với người dẫn chương trình phát thanh John Catsimatidis rằng: "Cả Nga và Ukraine đều ngày càng kiệt sức vì cuộc chiến này, xét cả về năng lực quân sự cũng như về các lệnh trừng phạt kinh tế đang được áp dụng với cả hai bên."
"Khi tôi tổng hợp lại tất cả, tôi nghĩ vào cuối năm nay, có lẽ là sau cuộc bầu cử Mỹ, chúng ta sẽ có thời điểm để đàm phán", Stavridis nói.
Ông Stavridis nói thêm, mặc dù cả hai bên đều phải đối mặt với những thách thức, và đều đang nhận viện trợ từ các nguồn bên ngoài, nhưng có thể cả Ukraine và Nga sẽ trì hoãn bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào.
Theo Business Insider, vào tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình là "không thể" nếu đại diện cao nhất của nhà nước Nga là Tổng thống Vladimir Putin.
Sau đó, vào tháng 11/2022, nhà lãnh đạo Ukraine đã công bố "công thức hòa bình" của mình. Kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông Zelensky kêu gọi Nga rút quân và khôi phục biên giới giữa Ukraine với Nga.
Đề xuất của ông Zelensky đã bị Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bác bỏ khi nói rằng chúng sẽ không được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán.
Theo tờ The Hill (Mỹ), vào tháng trước, cũng trong chương trình phát thanh The Cats Roundtable, ông Stavridis đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ thêm cho Ukraine và gọi lý do của quốc gia Đông Âu này là "chính đáng".
"Đó là một tình huống rất nguy hiểm và ở đây, hành động thực sự không diễn ra ở Kiev. Hành động thực sự là ở Washington", Stavridis nói. "Chúng ta phải cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Lý do của họ là chính đáng."
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin gần đây cũng đã thúc đẩy viện trợ nhiều hơn cho Ukraine trong bài phát biểu tại Thượng viện.
"Đây không phải là sự lựa chọn giữa việc gửi viện trợ cho Ukraine hay không gửi viện trợ cho Ukraine", ông Cardin nói; đồng thời cho biết thêm, sự lựa chọn là giữa việc gửi USD để chiến đấu với Nga bây giờ hoặc gửi lính Mỹ để chiến đấu với Nga sau này, và việc bảo vệ uy tín của Mỹ đối với các đồng minh hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của họ.
Ông Cardin tiếp tục: "Nếu chúng ta muốn cho các đối tác của mình thấy rằng chúng ta sẵn sàng giúp đỡ khi khó khăn, điều đó tùy thuộc vào chúng ta."
Trang Pravda (Ukraine) dẫn lời tướng Alexander Syrsky - Tư lệnh Lục quân Ukraine - ngày 26/1 cho biết, quân đội Nga đang tăng cường tấn công ở Bakhmut.
Theo Tư lệnh Syrsky, Nga đang tấn công và cố gắng xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine ở phía bắc và phía tây Bakhmut, đồng thời mở một cuộc tấn công về phía Chasov Yar. Nga cũng nỗ lực giành lại vị trí đã mất ở khu vực Kleshchiivka và Andriivka nhưng không thành công.
Trong khi đó, binh sĩ Ukraine chiến đấu tại mặt trận Bakhmut đang chật vật để giữ vững vị trí, đồng thời kêu gọi thêm nguồn cung cấp đạn dược và vũ khí để đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng Nga.
Trang Business Insider ngày 25/1 cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã diễn ra gần hai năm và Nga dường như đang chiếm thế thượng phong về đạn dược. Nếu không có thêm viện trợ từ phương Tây, Ukraine có nguy cơ thất bại.