Liên Xô lẽ ra đã có thể sống sót qua năm 1991, nếu kế hoạch này của cựu TT Gorbachev không "chết yểu"?

Hồng Anh |

Kế hoạch của ông Gorbachev đã có thể cứu vãn Liên Xô, nhưng nó đã không kịp thực hiện sứ mệnh của mình. Cuối năm 1991, ông Gorbachev đã chính thức tuyên bố từ bỏ chức vụ.

Vị (cựu) Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô - ông Mikhail Gorbachev - cho biết ông đã "chiến đấu đến phút chót" để ngăn khối Liên bang Xô viết sụp đổ, RT trích dẫn nội dung trong cuốn sách sắp được phát hành của ông Gorbachev, có tựa đề tạm dịch là "Tương lai của thế giới đang bị đe dọa".

Cụ thể, trong cuốn sách này, ông Gorbachev đã đặt ra giả thuyết rằng Liên Xô có thể "sống sót" toàn vẹn qua năm 1991, nếu như kế hoạch cải cách dân chủ của ông được triển khai.

Theo cựu lãnh đạo Liên Xô, điều quan trọng nhất trong kế hoạch này là việc tái cơ cấu liên minh và trao cho các thành viên thuộc liên minh này nhiều quyền tự trị hơn - đây là điều ông đã nỗ lực thực hiện trước ngày Liên Xô tan rã.

"Tôi có niềm tin sâu sắc rằng con đường dẫn tới chủ quyền chính trị của các nước cộng hòa, tới sự tự chủ về kinh tế của họ, việc họ giữ gìn bản sắc dân tộc hay phát triển văn hóa của riêng mình... đều nằm trong sự đổi mới của liên minh, nhằm biến nó thành một liên minh dân chủ, thực chất, hiệu quả, trong đó các nước cộng hòa sẽ ủy quyền một phần quyền lực của họ cho liên minh", ông Gorbachev viết trong cuốn sách sắp phát hành.

Quyết định về cuộc cải cách dân chủ sâu rộng đó lẽ ra đã được hoàn thành vào năm 1991, khi hiệp ước liên minh mới được kí kết; tuy nhiên bản kế hoạch này đã vĩnh viễn nằm lại trên giấy khi cuộc đảo chính nổ ra tại Liên Xô vào tháng 8/1991. Cuối cùng, vào ngày 25/12/1991, ông Gorbachev đã chính thức tuyên bố từ chức và khối Liên Xô cũng theo đó sụp đổ.

Trong cuốn sách sắp phát hành, ông Gorbachev viết: "Vào thời điểm đó, các lãnh đạo của Nga - nước cộng hòa lớn nhất thuộc Liên bang Xô viết - đứng đầu là [cựu Tổng thống Nga] Boris Yeltsin - đã một mực đòi chia tách [Liên Xô]. Phe ủng hộ Liên Xô tan rã chiếm đa số". Và không lâu sau khi khối Liên Xô sụp đổ, hàng triệu người đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC (Anh) năm 2016, ông Gorbachev đã chia sẻ về quyết định từ bỏ chức vụ Tổng thống Liên Xô hồi cuối năm 1991: "Tôi muốn tránh xảy ra cuộc nội chiến, mà khi đó [Liên Xô] vốn đang đứng bên bờ vực chiến tranh.

Hãy hình dung xem, sẽ ra sao nếu đất nước chúng tôi bị chia rẽ và tranh giành quyền lực, nhất là khi có nhiều vũ khí đang tràn lan như vậy - đặc biệt là vũ khí hạt nhân?

Nếu Gorbachev cứ chày cối bám vào quyền lực thì rất nhiều người sẽ phải chết, và sự hủy diệt sẽ vô cùng kinh khủng. Tôi không thể để điều đó diễn ra."

Ông Gorbachev: Sự phản bội đã giết chết Liên Xô

Việc người Nga hoài niệm Liên Xô không phải chuyện gì khó hiểu

Trong những năm gần đây, số người hoài niệm và nuối tiếc Liên Xô cũ tại Nga không hề giảm, mà thậm chí còn tăng lên. Theo một khảo sát cuối năm 2018 của Levada, có đến 66% số người tham gia trả lời câu hỏi cho biết họ cảm thấy tiếc nuối khi Liên Xô tan rã.

Hầu hết những người trong 66% nói trên thuộc nhóm tuổi trung niên và người gia (từ 55 tuổi trở lên), tuy nhiên phần trăm người hoài niệm Liên Xô trong các nhóm tuổi khác cũng có xu hướng tăng lên.

Do đó, theo ông Gorbachev, "việc phần lớn người dân Nga tỏ ra tiếc nuối về sự sụp đổ của Liên Xô và tin rằng thập niên 1990 là thời kỳ khó khăn nhất trong đời họ không có gì là khó hiểu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại