Đây là một phần trong chương trình hiện đại hóa và duy trì Dragon Lady mà Business Insider đăng tải mới đây. Vậy điều gì khiến Mỹ "hao tiền tốn của" cho chương trình "hồi xuân" chiến binh có "tuổi thọ" trên 60 này? Bài viết dưới đây sẽ không chỉ hé lộ hồ sơ ly kỳ của "Dragon Lady" mà còn cung cấp "diện mạo" đầy đủ của cựu binh trên không này.
"Dragon Lady" là gì?
Nếu bạn gõ nhập trên Google từ khóa "Dragon Lady" (tạm dịch là Long quý bà), thì sẽ xuất hiện hơn 2 triệu kết quả mà phần lớn trong số đó liên quan một phụ nữ rắn rỏi và kiên cường. Thế nhưng, ít ai biết được cái tên này lại là biệt danh của "cựu binh" trên không, Dragon Lady U-2, chuyên thực hiện các sứ mệnh do thám bí mật nhất của Mỹ.
Được thiết kế bởi kỹ sư hàng không hàng đầu của tập đoàn Lockheed Martin là ông Kelly Johnson, "Dragon Lady" được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chính thức đưa vào sử dụng năm 1956, sau đó Không quân Mỹ bắt đầu sử dụng vào năm 1957. Johnson cũng là "tác giả" của trinh sát SR-71 Blackbird và tiêm kích F-104 Starfighter cũng như vô vàn máy bay hiện đại khác.
Vào thời điểm đó, máy bay B-52 đã không còn khả năng thực hiện công tác do thám. Lý do là hệ thống phòng không của Liên Xô đã trở nên quá tinh vi để B-52 có thể thâm thủng. Vì vậy, Mỹ cần "phi đội" do thám tinh xảo hơn, nhanh nhạy hơn và "Dragon Lady" U-2 hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu này.
Dragon Lady và tải trọng thiết bị do thám. Nguồn: War History.
"Dragon Lady" có thể đạt độ cao 70.000 feet (khoảng 21.336m) và thu thập thông tin tình báo vào bất kỳ thời điểm nào. Đó là những gì mà CIA cần. Ở độ cao này, nó không bị hệ thống radar của đối phương phát hiện hoặc không bị tên lửa Liên Xô bắn hạ.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của "Dragon Lady" diễn ra tại "Vùng 51", khu vực thử nghiệm các thiết bị quân sự mật của Mỹ, vào ngày 1-8-1955, tức chỉ 10 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.
Máy bay một chỗ ngồi, một động cơ này có thể mang theo tải trọng đáng kinh ngạc gồm các cảm biến và thiết bị giúp thu thập hình ảnh chính xác về không gian mục tiêu và gửi về cho đội chỉ huy chiến lược.
Cánh dài và hẹp giúp "Dragon Lady" có các đặc tính giống như tàu lượn và cho phép nó nhanh chóng nâng tải trọng cảm biến nặng lên các độ cao vô địch, duy trì ở độ cao đó trong một thời gian kéo dài.
"Dragon Lady" có khả năng thu thập nhiều loại hình ảnh, bao gồm các hình ảnh được quét từ radar đa phổ điện quang, radar hồng ngoại và radar khẩu độ tổng hợp, có thể được lưu trữ hoặc gửi về các trung tâm khai thác trên mặt đất.
Ngoài ra, "Dragon Lady" cũng hỗ trợ hình ảnh có độ phân giải cao, hình ảnh tổng quát có độ bao phủ rộng được cung cấp bởi các máy ảnh thanh quang. Loại máy ảnh này vốn thường dùng trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phim truyền thống. Những loại hình ảnh chụp từ máy ảnh sẽ được nghiên cứu và phân tích sau khi hạ cánh.
Tất cả sản phẩm tình báo, ngoại trừ phim ướt, có thể được truyền về trung tâm xử lý gần như theo thời gian thực dù "Dragon Lady" đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Quá trình truyền dữ liệu tình báo này được thực hiện thông qua các tầng liên kết dữ liệu không đối đất hoặc không đối vệ tinh, cung cấp một cách nhanh chóng thông tin mật đến các chỉ huy chiến đấu.
"Dragon Lady" cũng có khả năng cung cấp những chỉ dấu của hoạt động mới xảy ra ở những khu vực cần do thám và hé lộ những nỗ lực che giấu sự bố trí, sắp đặt hoặc bản chất thực sự của những vật thể nhân tạo.
Ngoài các bộ phận và thiết bị cảm ứng nói trên, phương thức liên lạc lấy mạng làm trung tâm cho phép trinh sát cơ này duy trì kênh liên lạc vững chắc, đảm bảo sự đồng bộ về trao đổi thông tin, dữ liệu.
Hồ sơ ly kỳ
Ngoài hồ sơ thành tích khá ấn tượng của Dragon Lady ở trên, có một vài câu chuyện vừa bí ẩn vừa trớ trêu về Dragon Lady. Thứ nhất, Dragon Lady đáng nhẽ ra đã không thể được chế tạo nếu không có sự trợ giúp "gián tiếp" từ bàn tay của Liên Xô.
Các kỹ sư hàng không Mỹ cần titanium để xây dựng Dragon Lady. Đây là loại vật liệu duy nhất có thể chịu đựng được điều kiện ở tốc độ cao cũng như những điều kiện nhiệt độ cực cao tạo ra trong quá trình bay cao và nhanh.
Một phiên bản Dragon Lady được thiết kế cho tàu sân bay.
Trớ trêu là mỏ titanium hiếm chỉ được tìm thấy ở một vài nơi trên thế giới. Để giải quyết khó khăn này, CIA đã thành lập những tập đoàn "ma" ở châu Âu, để qua đó, họ mua được titanium từ Liên Xô.
Nhờ đó, CIA xây dựng được Dragon Lady để phục vụ mục đích do thám Liên Xô. Nghe có vẻ như trong phim thám tử James Bond nhưng chuyện là có thực. Những chuyến bay do thám Liên Xô bắt đầu từ năm 1956.
Trái với kỳ vọng ban đầu, Liên Xô lại có thể theo dõi Dragon Lady bằng radar. Tuy nhiên, do Liên Xô chưa có phương tiện nào có thể bắn hạ loại trinh sát cơ này vào thời điểm đó nên Mỹ vẫn sử dụng trinh sát cơ này để tiếp tục do thám Liên Xô trong những năm sau đó. Vào ngày 1-5-1960, Dragon Lady do phi công Gary Power điều khiển đã bị Liên Xô bắn hạ.
Thứ hai là bài toán về nhiên liệu. Dragon Lady cần sử dụng loại nhiên liệu đặc biệt mà không bị bốc hơi ở độ cao 70.000 feet. Để che đậy vấn đề "khó" của dự án này, CIA đã "vẽ" nên một câu chuyện về một máy bay phản lực thử nghiệm, được sản xuất cùng với công ty dầu khí đa quốc gia Shell.
Trong 15 năm đầu triển khai chương trình, không tồn tại phiên bản Dragon Lady dành cho huấn luyện. Vì vậy, phi công được huấn luyện cho những chuyến bay đầu tiên của mình thông qua phương thức liên lạc radio.
Trở lại thời điểm thiết kế, ban đầu Không quân Mỹ không chấp nhận mẫu thiết kế của Dragon Lady do sử dụng bộ phận hạ cánh phi truyền thống để giảm trọng lượng. Tuy nhiên, CIA lại tỏ ra hứng thú hơn với mẫu thiết kế. Và vì họ không có trinh sát cơ nào của riêng mình vào thời điểm đó nên đã chấp nhận triển khai dự án Dragon Lady.
Một chi tiết nhỏ ít được để ý là định danh "U" là viết tắt của "Utility", nghĩa là "hữu dụng" được sử dụng thay cho "R" (Reconnaissance) nghĩa là "do thám", giúp tạo "vỏ bọc" cho dự án. Một số mẫu Dragon Lady được thiết kế để hoạt động được từ hàng không mẫu hạm.
Năm 1961, Dragon Lady được thiết kế để có thể thực hiện tiếp liệu trên không, nhằm kéo dài khoảng thời gian bay 14 giờ. Tuy nhiên, do hoạt động tiếp liệu kiểu này tổn hao sức lực của phi công nên nó hiếm khi được vận dụng.
Không chỉ do thám Liên Xô, Dragon Lady còn "có mặt" ở nhiều nước khác. Vào tháng 10-1960, Dragon Lady bắt đầu bay do thám Cuba nhằm theo dõi lực lượng Liên Xô lắp ráp tên lửa hạt nhân tại đây.
Hai năm sau, khi hình thành trận địa tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao được điều khiển bằng hệ thống radar ba tác dụng do Liên Xô chế tạo ở quốc đảo này, Dragon Lady gặp khó khăn để tiếp tục do thám.
Ngoài ra, Dragon Lady cũng thực hiện nhiệm vụ trinh sát miền Bắc Việt Nam vào những năm 1960. Tại các khu vực xung đột khác, nó cũng đã thực hiện cung cấp thông tin tình báo trong các hoạt động ở Triều Tiên, khu vực Balkan, Afghanistan, Syria và Iraq.
Ngày nay, song song với quá trình cải tiến công nghệ, "Dragon Lady" U-2 huyền thoại vẫn thực hiện những sứ mệnh do thám nhạy cảm nhất của quân đội Mỹ trên khắp thế giới.
Khi cần, trinh sát cơ này cũng cung cấp thông tin trinh sát thời bình trong các hoạt động hỗ trợ thảm họa thiên tai cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn như trong vụ động đất ở Haiti năm 2010.
Mặc dù vậy, Dragon Lady lại được biết đến là loại phi cơ khó điều khiển nhất trên thế giới. Phi công phải mặc bộ đồ kháng áp như những phi hành gia. Quá trình hạ cánh thường cần một phi công "phụ" ở dưới mặt đất hỗ trợ cung cấp chỉ số về độ cao và đường băng.
Chưa có "truyền nhân"
So với tầm bay cao 80.000 feet của "chim két" SR-71 Blackbird, máy bay trinh sát chiến lược tầm xa của Không quân Mỹ, thì Dragon Lady vẫn chưa sánh kịp. Thế nhưng, "Chim két" buộc phải về "hưu non" vĩnh viễn. Không quân Mỹ chỉ sử dụng Blackbird trong giai đoạn từ 1964-1999. Trong khi đó, Dragon Lady vẫn là một "ngựa chiến" do thám trên cao.
Mặc dù tập đoàn Lockheed Martin đang nghiên cứu chế tạo các thiết bị bay không người lái và vệ tinh để thay thế, song chưa có phương tiện nào có thể "soán ngôi" để trở thành "truyền nhân" của Dragon Lady. Vậy lý do gì để Không quân Mỹ duy trì sự hoạt động của loại máy bay này trong hơn 60 năm qua?
Thứ nhất là ưu thế về vệ tinh. Các vệ tinh có khả năng tiến hành do thám chi tiết trên toàn bộ dải phổ điện tử. Tuy nhiên, mỗi vệ tinh bị bó hẹp trong phạm vi quỹ đạo của mình quanh Trái Đất. Khi ấy, có những lúc mà vệ tinh không thể được định vị một cách chiến lược để có thể trợ giúp cung cấp thông tin cho chỉ huy.
Trong khi đó, một Dragon Lady khi được triển khai trong một khu vực hoạt động lại có khả năng khởi động với bất kỳ cảm biến nào cần thiết để tiến hành giám sát, tiếp cận một cao độ, thu thập thông minh và trực tiếp truyền tải thông tin đó cho chỉ huy. Đây là một tài sản vô giá trong các hoạt động nhạy cảm với thời gian.
Thứ hai là khả năng nâng nặng. Hiện tại, một chiếc Dragon Lady có thể nâng lên tới 5.000 pound (gần 2.268 kg) thiết bị cảm biến và các thiết bị khác trong không gian. Trong khi đó, siêu máy bay "Mắt Ma" (Phantom Eye) không người lái của Mỹ do hãng Boeing sản xuất chỉ có thể chở tới 250 pound.
Ngoài ra, trong khi Phantom Eye và các máy bay không người lái khác vẫn phải điều hành từ xa thì Dragon Lady có thể mang theo được nhiều thiết bị hơn để có thể tự thu thập và xử lý thông tin tốt hơn.
Trong số các cảm biến mà Dragon Lady có thể đi kèm có một "bánh xe" ở phía sau và được sử dụng để thu thập thông tin.
Thứ ba là sở hữu những giới hạn siêu phàm. Với tầm bay xa tối đa 7.000 dặm (khoảng 11.265 km), Dragon Lady có thể thực hiện nhiệm vụ do thám trải dài trên nhiều khu vực hoạt động. Điều này cho phép các nhà phân tích dưới mặt đất có được những thông tin mới nhất.
Một chiếc Dragon Lady có thể bay qua lại trên toàn bộ lục địa Mỹ trước khi cần tiếp nhiên liệu. Mặc dù Blackbird là một ví dụ tuyệt vời về máy bay siêu thanh nhưng nó không hiệu quả bằng Dragon Lady do "Quý bà" này có thể bay ở chế độ "loitering", tức có thể duy trì cố định tại một vị trí, hướng bay và độ cao.
Với các ưu điểm vượt trội trên, Dragon Lady được coi là một tài sản chiến lược trong tình báo trên không của Mỹ. Vì chưa có bất kỳ "truyền nhân" nào "lộ diện" nên Mỹ đã quyết định triển khai các "cuộc đại tu", không chỉ "lột da, thay máu" mà còn như làm hồi sinh Dragon Lady. Chương trình hiện đại hóa quy mô lớn này bắt đầu từ năm 1994, tiêu tốn khoảng 1,7 tỷ USD.
Trong giai đoạn hiện nay, một phần của chương trình này dành cho huấn luyện phi công trẻ như đề cập ban đầu. Trung tá Carl Maymi, Chỉ huy Phi đoàn Trinh sát đơn vị 1 nói: "Lộ trình tồn tại lâu dài cho U-2 đã chứng minh tính hiệu quả trong hơn 60 năm qua. Nhưng chúng tôi cần có đội ngũ trẻ, tài năng, được khai phá ngay từ những ngày đầu sự nghiệp của họ".
Ngoài ra, giới chuyên gia tình báo Không quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển các chương trình máy tính hiện đại có thể phân tích nội dung mà những thước film Kodak truyền thống hiện được gửi về sau các cuộc do thám ở những vùng "nóng".
Một chuyến bay do thám nhất định cung cấp thước film dài 2 dặm (khoảng hơn 3km). Hiện công việc hết sức khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức này vẫn phải dùng đến kính lúp và màn hình chiếu sáng.
"Hãy tưởng tượng nếu một thuật toán máy tính có thể quét qua dữ liệu để hỗ trợ các nhà phân tích giải mã hình ảnh về các khu vực cần do thám. Phi công có thể mất ít thời gian tìm kiếm và có nhiều thời gian hơn để nắm tình hình", Đại tá Jason Brown, Chỉ huy Trụ sở Tình báo, Giám sát và Trinh sát đơn vị 480 của Không quân Mỹ, chia sẻ.
Những phiên bản Dragon Lady ngày nay có kích thước rộng lớn hơn những phiên bản nguyên thủy và được làm bằng những vật liệu nhẹ hơn để đạt được độ cao lớn hơn. Ví dụ, phiên bản "hậu duệ" U-2R, bay lần đầu năm 1967, rộng hơn 40% và có nhiều năng lực hơn "tiền bối" U-2.
Tiếp đó là phiên bản TR-1A bay lần đầu vào tháng 8-1981 và có cấu trúc giống với U-2R. Công cuộc đại tu toàn bộ tổ hợp các thiết bị và hệ thống điện - điện tử, khung máy bay và thay thế bằng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt General Electric F118-101 cũng đem lại phiên bản mới nhất của U-2 mang ký hiệu U-2S.