Có khoảng 1 triệu người đang sống ở Dharavi, kể từ ngày 28/03 khi mà Ấn Độ bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, người dân ở Dharavi đang sống dựa vào nguồn ủng hộ.
"Tôi từng có thể ra ngoài đi làm và nuôi sống những đứa con của mình, nhưng hiện tại ở đây chỉ toàn là nỗi buồn và không có việc làm." - Najima Mohammad nói, cô từng làm việc ở một cửa hàng quần áo nhưng bây giờ nó đã đóng cửa.
Con trai và hai cô con gái của Najima đang sống mấy ngày hôm nay do thức ăn được hàng xóm mang cho.
Theo Reuters, Dharavi được cho là khu ổ chuột lớn nhất Châu Á, một địa điểm có đông dân sinh sống và điều kiện vệ sinh kém, thứ khiến nơi này trở nên dễ bị Covid-19 tấn công nhất.
Hàng trăm người đôi khi còn tắm chung một phòng tắm. Nguồn nước sạch thì không được đảm bảo trong khi xà phòng là một thứ gì đó quá xa xỉ.
"Bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra. Có 9 người sống trong căn phòng này và tất cả chúng tôi đều đang gặp nguy hiểm." - Namchand Mandal, một lao động nhập cư đến từ bang Jharkhand cho biết.
Hiện Dharavi có 138 ca nhiễm, tuy nhiên nhiều chuyên gia lo sợ con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.
"Tôi thực sự lo lắng, vấn đề chỉ là thời gian." - nhà virus học Shahid Jameel nói về những khu ổ chuột ở Mumbai, nơi là nhà của khoảng 65% dân số của thành phố có 12 triệu dân này.
Sự lo lắng đã khiến người dân phải tự làm mọi cách để bảo vệ bản thân. Họ dùng xe đẩy, xe đạp và gậy gộc để làm rào chắn, biển báo cấm người ngoài cũng đã được dựng lên.
Một số người còn dùng khăn tay hoặc áo để làm vật che chắn mặt. Tuy vậy, như thế là không đủ khi vẫn còn nhiều người lao động nghèo phải sống cùng nhau trong nhiều căn phòng nhỏ.
Chính quyền cũng đã đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm lệnh phong tỏa.
Cảnh sát có quyền dùng roi đánh người vi phạm, hoặc phạt đứng lên ngồi xuống dưới trời nắng... theo người chứng kiến của Reuters kể lại.
"Chuyện này thực sự khó khăn khi không một ai thèm lắng nghe chúng tôi." - một cảnh sát ở Dharavi chia sẻ.