Đã 2 ngày trôi qua, Jeetender Mahender - công nhân sửa nước 36 tuổi - chẳng dám rời khỏi nhà, trừ lúc phải đi toilet.
Mahender sống trong khu ổ chuột Valmiki phía bắc Mumbai (Ấn Độ). Tình cảnh của anh thực sự rất thê thảm.
Chỗ ở nhỏ bé của gia đình anh không có nước máy, cũng chẳng có nhà vệ sinh. Cả nhà đang thiếu thức ăn, mà Mahender chẳng thể làm gì khác. Bởi anh không thể đi làm, mà không làm thì chẳng được trả tiền.
Mahender hiện đang cố gắng tuân thủ lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày do thủ tướng Narendra Modi ban hành.
Lệnh được đưa ra nhằm mục đích ngăn dịch bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lan rộng tại đất nước 1,3 tỉ dân. Tính đến ngày 31/3, quốc gia này đã ghi nhận 1024 ca nhiễm, và 27 trường hợp tử vong.
"Cách ly xã hội không chỉ áp dụng với người ốm, mà với từng cá nhân, bao gồm cả bạn và gia đình bạn," - thủ tướng Modi nhấn mạnh trên sóng truyền hình quốc gia hôm 25/3.
Theo đó, người dân nếu không có lý do thực sự cấp bách sẽ phải ở yên trong nhà, tuyệt đối không ra ngoài.
Người lao động di cư tại Ấn Độ bị "tắm" thuốc khử trùng giữa đường phố.
Lệnh phong tỏa và hạn chế tiếp xúc xã hội, xét trên nhiều góc độ, là có hiệu quả với tầng lớp trung lưu và thượng lưu Ấn Độ.
Họ là những người có nhà cửa khang trang, vườn tược sạch đẹp, tủ lạnh chất đầy thức ăn và có khả năng làm việc tại nhà, nhờ tận dụng công nghệ.
Nhưng giống như các quốc gia khác, Ấn Độ không chỉ có người giàu!
Sự hỗn loạn trong những ngày qua đã cho thấy, đối với 74 triệu người (1/6 dân số đô thị) đang sống trong những khu ổ chuột, "social distancing" với họ là không thể, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa... kinh tế.
"Những con đường quanh co, chật hẹp mà chúng tôi phải băng qua mỗi ngày, thực sự chẳng có cách nào để đi mà không chạm vào người đối diện," - Mahender cho biết. "Tất cả chúng tôi đều phải ra ngoài, vì chỉ có 1 nhà vệ sinh chung mà có tới 20 gia đình đang sống gần nhà tôi."
"Chúng tôi đúng nghĩa là đang sống cùng nhau đấy. Và nếu một người mắc bệnh, tất cả sẽ bị."
Khu nhà ổ chuột nằm sát kề nhau.
CNN cho biết, ít nhất đã có 1 người tại khu ổ chuột thành phố Mumbai dương tính với virus corona. Hoảng loạn dâng cao, hàng ngàn lao động nhập cư ở thành phố đã tìm cách đào thoát về quê bằng xe bus, một số thậm chí sẵn sàng... đi bộ.
Điều này làm dấy lên lo ngại, rằng làn sóng di cư này sẽ khiến virus lan tỏa đến các vùng quê.
Ngày 29/3, thấu hiểu sự hỗn loạn mà lệnh phong tỏa đã gây ra với dân nghèo, thủ tướng Modi đã công khai nói lời xin lỗi và xin công chúng lượng thứ. Tuy nhiên, ông mong tất cả thấu hiểu, rằng họ chẳng còn lựa chọn nào khác rồi.
1 toilet - 1440 người dùng
Nước là một trong những lý do lớn nhất khiến dân nghèo Ấn Độ buộc phải ra khỏi nhà mỗi ngày.
Sia là một cư dân trong khu ổ chuột, cũng là công nhân xây dựng nhập cư tại Gurugram, gần New Delhi. Cô thức dậy vào 5h sáng, lập tức vi phạm quy định phong tỏa mà Modi ban hành bằng cách rời khỏi nhà. Lý do?
Vì cô phải đi bộ khoảng 100m, đến một chiếc bể cung cấp nước cho khu cô sống, với 70 công nhân xây dựng khác.
Sia cũng không phải trường hợp duy nhất. Hầu hết phụ nữ tại công trường trong khu ổ chuột đều phải giặt giũ ở đây mỗi sáng và hứng nước mang về. Nhà họ chẳng có đường nước, cũng không có phòng tắm, nên chiếc vòi này là nguồn nước duy nhất cho cả khu.
Năm 2014, chính phủ Ấn Độ khởi động chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ", với mục tiêu cải thiện cơ sở vật chất trong nước và giải quyết các toilet lộ thiên. Kết thúc chiến dịch, họ tuyên bố 100% hộ gia đình tại Ấn Độ đã có nhà vệ sinh riêng.
Tuy nhiên theo Puneet Srivastava - nhà quản lý chính sách của tổ chức phi chính phủ WaterAitd India, chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ" nhắm đến xây dựng toilet trong các hộ gia đình, và nó không bao gồm các khu ổ chuột.
Chẳng hạn như khu Dharavi tại Mumbai, tỉ lệ ở đây là 1 toilet cho... 1440 cư dân, và 78% nhà vệ sinh công cộng tại các khu ổ chuột không có nước - theo số liệu khảo sát năm 2019.
Ngày 29/3, bộ trưởng Bộ Đô thị và nhà ở Durga Shanker Mishra cho biết: "Nhà vệ sinh có mặt tại 100% khu vực tại Ấn Độ.
Dù người ở khu ổ chuột có toilet cá nhân hay không cũng không thành vấn đề. Họ có thể dùng toilet công cộng."
Sania Ashraf, một chuyên gia dịch tễ về các chứng bệnh liên quan đến vệ sinh, nước và hô hấp cho biết, chiến dịch "Làm sạch Ấn Độ" đã làm tăng số lượng toilet cá nhân và nhà vệ sinh công cộng trên cả nước.
Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, việc sử dụng toilet công cộng không có nhiều ý nghĩa nếu nó không được làm sạch thường xuyên.
Hơn nữa, hệ thống thông khí kém có thể giữ lại mầm bệnh, biến toilet công cộng trở thành nơi "lan truyền virus rất nhanh," - Ashraf nói thêm.
Bên cạnh đó, đã có một số bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm virus nếu tiếp xúc với phân của người bệnh.
Dù giới khoa học chưa kết luận gì, nhưng như vậy cũng đủ để gây ra lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh qua các toilet công cộng, đặc biệt là ở một số nơi vẫn còn duy trì hầm cầu lộ thiên.
Làm thì sợ bệnh, nhưng không làm thì tiền đâu?
Lý do thứ hai để cư dân khu ổ chuột khó lòng thực thi "cách ly xã hội", đó là họ phải làm việc.
Với mỗi lao động nhập cư, thu nhập của họ được trả theo ngày và có cuộc sống cực kỳ chật vật.
Số tiền họ nhận được chỉ dao động khoảng 138 - 449 rupee/ngày (khoảng 1,84 - 5,97 USD, nghĩa là tối đa hơn 130 ngàn đồng tiền Việt) - theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế ILO.
"Họ làm việc cho các công ty thiếu tổ chức, và sẽ không được trả tiền nếu không đến làm." - trích lời nhà kinh tế học Arun Kumar.
"Xu hướng không chỉ kéo dài vài ngày kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu, mà đã xuất hiện từ 20 ngày trước rồi."
"Chuỗi cung ứng ngưng lại, lao động thì mất việc. Họ không có tiền mua nhu yếu phẩm. Và không giống như giới nhà giàu, họ không có cơ hội tích trữ mà chỉ sống qua ngày. Và giờ, thậm chí các kệ hàng ngoài kia cũng không còn gì."
Sonia Manikraj - một giáo viên 21 tuổi sống trong khu ổ chuột Dharavi cho biết: "Tôi phải ra ngoài mỗi ngày để mua thực phẩm.
Và kể từ khi hàng tạp hóa ở đây giới hạn khung giờ mở cửa từ 11h sáng đến 3h chiều, con đường đến đó luôn tắc nghẽn."
Vậy là, người lao động nghèo Ấn Độ phải đối diện với cảnh tiến thoái lưỡng nan: hoặc ra ngoài làm việc và dễ nhiễm bệnh, hoặc ở nhà rồi chết đói.
Một số người còn chẳng được lựa chọn. Chẳng hạn như nhân viên lau dọn - được xem là dịch vụ thiết yếu trong giai đoạn này nên đã được miễn trừ khỏi lệnh phong tỏa.
"Họ buộc phải đi làm mỗi ngày," - trích lời Milind Ranade, người sáng lập Kachra Vahatuk Shramik Sangh, tổ chức vì quyền lợi người lao động tại Mumbai.
"Một số còn phải thu gom rác thải y tế, sau đó quay trở lại khu ổ chuột mà chưa làm tẩy trùng đúng nghĩa."
Người lao động nghèo cũng không được trang bị công cụ bảo hộ - như khẩu trang hay găng tay. "Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ ngã bệnh?" - Ranade đặt câu hỏi, đồng thời nêu rằng ở Ấn Độ vẫn chưa có chiến dịch nào tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của virus corona.
Chính phủ Ấn Độ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 22,5 tỉ USD, bao gồm cả chi phí cho bảo hiểm y tế trị giá 5 triệu rupee/người đối với người lao động làm việc tại tuyến đầu chống dịch, bao gồm y tá, bác sĩ, nhân viên cấp cứu, và cả nhân viên lau dọn bệnh viện.
"Nhân viên lau dọn được lo giúp bảo hiểm, nhưng còn những ai sống gần người đó ở khu ổ chuột thì sao? Họ cũng chịu rủi ro nhiễm bệnh giống như vậy?" - trích lời Raju Kagada, lãnh đạo công đoàn dành cho công nhân vệ sinh ở Mumbai.
Khung cảnh chen lấn, hỗn loạn khi hàng ngàn người lao động tháo chạy khỏi thành phố.
Theo Kumar, một trong những phương pháp có thể cải thiện tình hình này, là làm xét nghiệm quy mô rộng.
Ngày 29/3, Ấn Độ đã xét nghiệm cho 34.931 người - tỉ lệ là 19/1 triệu cư dân.
Kurma cho biết, chi phí làm xét nghiệm tại một bệnh viện tư nhân của Ấn Độ là 4500 rupee (khoảng 60 USD - gần 1,4 triệu đồng), trong khi bệnh viện công thì miễn phí.
Mahender là nhân viên lau dọn cho một khu nhà ở Mumbai, kiếm được 5000 rupee mỗi tháng (khoảng 66 USD - hơn 1,5 triệu đồng), và anh phải lo cho vợ, 3 con cùng người cha già đã 78 tuổi.
Tuy nhiên nếu anh ngã bệnh, số tiền phải chi trả sẽ không nằm trong gói hỗ trợ từ chính phủ.
"Điện thoại tôi reo liên hồi, khi các cư dân ở tòa nhà nơi tôi làm việc muốn tôi quay lại," - anh chia sẻ. "Nhưng nếu đi thì tôi sẽ phải vào trong đó, giúp họ thu thập rác mà không được cung cấp khẩu trang hay găng tay.
Thậm chí còn chẳng có xà phòng để rửa tay trước khi ăn. Tôi biết nếu tôi không đi hôm nay, hẳn họ sẽ thuê người khác."
Trốn chạy
Cuối tuần qua, hàng chục ngàn người trong số 45 triệu lao động di cư tại Ấn Độ bắt đầu di chuyển về quê. Do hệ thống đường sắt đã đóng, nhiều người thậm chí phải đi bộ hàng trăm dặm để trở về nhà.
Có quá ít lý do để ở lại. Hầu hết đều đã mất việc do lệnh phong tỏa, trong khi khu ổ chuột lại có nguy cơ lan truyền bệnh rất cao.
Nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy, hệ số lây nhiễm trong khu ổ chuột cao hơn bình thường tới 20%, do mật độ cư dân quá cao.
Mật độ dân số tại Ấn Độ là quá cao.
Khi cuộc di cư nổ ra, ngày 28/3 chính quyền bang Uttar Pradesh, Bihar và Haryana đã sắp xếp hàng trăm chuyến xe đưa người lao động về quê.
Điều này tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, bởi hàng ngàn người chen nhau lên các chuyến xe vốn đã chật chội, muốn thoát khỏi thành phố càng nhanh càng tốt.
Ngày 29/3, thủ tướng Modi lại yêu cầu tất cả các tiểu bang phong tỏa biên giới, để ngăn virus xâm nhập về nông thôn.
Chính quyền địa phương giờ đang rối tung, phải truy tìm hàng triệu người lao động vừa về quê để cách ly họ trong 14 ngày kế tiếp.
Sia - cô công nhân xây dựng sống tại Gurugram đã không thể lên được xe. Cô gần như đã hết lựa chọn thoát khỏi khu ổ chuột trong dịch bệnh lần này.
"Đã 20 ngày tôi không có thu nhập gì, kể từ khi công trường ngưng hoạt động. Mỗi ngày tôi được trả $5 - số tiền ít ỏi để nuôi sống cả gia đình." - cô chia sẻ.
"Giờ thì mọi thứ đã ngưng hoạt động. Tôi nghĩ mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc ôm sự nghèo túng này mà ở lại thành phố thôi."