Người thực hành Trường Sơn
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923, tại Quảng Bình trong một gia đình trung lưu.
Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên (bí danh là Tế), một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1938, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng.
Năm 1940, ông được cử làm Bí thư chi bộ Trung Thôn (mật danh là chi bộ Bình). Cùng năm này, ông theo học bậc trung học tại trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới.
Một năm sau, ông được phân công làm Bí thư chi bộ tại trường. Những hoạt động của ông sớm bị chính quyền thực dân theo dõi. Vì vậy, khi đang học năm thứ 3 bậc Thành chung, ông bị thực dân Pháp truy nã và phải chuyển vào bí mật tại Lào và Thái Lan, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước để gây dựng cơ sở.
Năm 1944, ông bí mật trở về Việt Nam hoạt động, phụ trách Phủ ủy Quảng Trạch, làm chủ nhiệm báo Hồng Lạc và xây dựng chiến khu Trung Thuần, huấn luyện quân sự, tham gia Cách mạng tháng 8. Sau Cách mạng tháng 8, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967–1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ trần ngày 4/4/2019.
Trong thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh Đoàn 559, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn từ một con đường mòn nhỏ, trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm".
Tầm quan trọng của con đường chiến này thể hiện rõ nhất với quân số lúc cao điểm hơn 12 vạn binh sĩ, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng Thanh niên xung phong, biên chế thành 8 sư đoàn và một sư đoàn cao xạ tên lửa phối thuộc.
Hệ thống đường chiến lược này khi ông vào tiếp nhận đã có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm; đến năm 1975 đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe.
Đường Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700 km đường bộ, trong đó có hơn 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa. Bên cạnh đó còn có 1.500 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông.
Hệ thống đường Trường Sơn không đơn thuần là tuyến đường giao thông, mà thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của chính phủ miền Bắc chi viện cho quân Giải phóng miền Nam và lực lượng quân Mỹ và đồng minh.
Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất để nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này.
Các khí tài từ những khí tài điện tử lập thành "Hàng rào điện tử MacNamara", cây nhiệt đới, pháo đài bay B-52, vũ khí thời tiết, hóa học... đến các cuộc hành quân càn quét lớn đến biệt kích phá hoại đều được quân đội Mỹ sử dụng.
Quân đội Nhân dân Việt Nam có gần 2 vạn người chết ngay trên tuyến đường và 3 vạn người thương tật vĩnh viễn. Nhưng tuyến đường vẫn hoạt động.
Theo nhà văn Phùng Quang Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trước Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có nhiều vị Tư lệnh Trường Sơn như Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thượng tá Võ Bẩm, nhưng phải đến khi Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn mọi thứ mới hoàn toàn đổi khác.
Điều khác biệt căn bản nhất của ông là tư duy chiến lược để thực hành ra con đường và hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại, mà cho đến tận bây giờ vẫn còn những câu hỏi lớn cho đối phương.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu)
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào Trường Sơn khi bộ đội ta gặp vô vàn khó khăn. Xe bị bắn cháy liên tục, hàng loạt. Đường bị san phẳng bất cứ nơi đâu.
Sự dũng cảm hy sinh không thể đắp đầy nhu cầu phía trước. Khu 5, miền Nam ruột thịt cần rất nhiều vật chất, con người. Đi vào bằng cách nào nếu cứ hy sinh hàng loạt? Câu hỏi này nhiều vị Tư lệnh, cả cấp trên giải ngày đêm, cam go, nhiều lúc là bế tắc. Có lúc như không có đáp số.
Khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào Trường Sơn, ông phải giải bài toán trên mà lời giải của nó đã gúp bộc lộ một thiên tài chiến lược theo cách giản dị nhất: Thực hành. Địch đánh, ta đánh lại chúng.
Thay vì chịu trận giữ bí mật an toàn ta đưa cao xạ phòng không vào đối chiến. Địch dùng B52, ta đưa thơ văn nhạc họa vào Trường Sơn. Địch rải chất độc thiêu trụi cây rừng, ta trồng cây ngụy trang đường ra phía trước. Cứ như vậy, hàng chục tiểu đoàn thành trung đoàn, sư đoàn.
Cả nước lên đường. Các binh chủng công binh, phòng không, vận tải, xăng dầu tiến về phía trước như những dòng sông lửa, những dòng sông vượt hai đỉnh Đông-Tây Trường Sơn tiến vào chiến trường. Những bông hoa gài lên mái tóc. Những vòng vô lăng mềm mại nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn.
Ở Trường Sơn không chỉ có súng pháo mà còn có binh trạm đưa đón giao liên. Hàng ngàn học sinh miền Nam theo núi Trường Sơn ra Bắc, sang các nước bạn học tập. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ít nói, càng không bao giờ tranh luận gay gắt, chỉ thực hành từ thực tiễn máu xương.
Người bạn chí thân của ông, Chính ủy Đặng Tính, hy sinh khi đi kiểm tra chốt trạm ở Trường Sơn. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gạt nước mắt nói phải lập tức tìm mọi cách đưa thi hài Chính ủy ra Hà Nội, còn ông vẫn chỉ đạo bộ đội Trường Sơn nắm chắc tay súng.
Những trăn trở thời bình
Vẫn theo nhà văn Phùng Quang Khai, sau này, nắm giữ cương vịỦy viên Bộ chính trị - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và kể cả khi đã lớn tuổi, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là người thực hành. Ông rất kiệm lời, luôn suy nghĩ đến tận cùng và thực hành đến tận cùng.
Chính Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã lấy đầu mình để bảo vệ phương án phải làm cầu Chương Dương khi chúng ta định làm duy nhất cầu Thăng Long.
Số sắt thép thừa mà Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đưa về làm cầu Chương Dương khiến sau này những người làm xây dựng trầm trồ thán phục.
Không chỉ vậy, với người thực hành Đồng Sỹ Nguyên, không có một giây cho sự chần chừ, nước đôi, rồi dẫn đến thỏa hiệp, bắt tay dưới ngăn kéo như không ít những điều hôm nay chúng ta đang chứng kiến.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ngần ấy binh trạm, ngần ấy sư đoàn, ngần ấy giao liên, có đến hàng ngàn thanh niên xung phong Trường Sơn trở về quá lứa nhỡ thì, nương tựa cửa chùa bóng phật.
Là một vị Tư lệnh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dẫu rất ít nói nhưng đã phải nói ra những điều tâm can nhất: “Phải làm gì đó cho Bộ đội Trường Sơn”.
Trong hơn 10 năm nay, Hội truyền thống Trường Sơn thực hiện được nhiều điều theo tâm nguyện của vị Tư lệnh nhưng vẫn còn nhiều điều lắm phải thực hành bằng được. Điều đó bao gồm những gì vị tướng nói ra còn bao hàm những gì đời sống chúng ta đang đặt ra. Hãy học tập cách nghĩ của người đi trước.
Chúng ta đang phải giáp mặt với quá nhiều những điều không đáng có, sự trí trá đảo lộn, những bất lực, những tầm phào mà quá thiếu những thực hành chính trực như vị tướng Trường Sơn huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên.