Cuộc đời đặc biệt của 'người thầy tình báo' Mười Hương

P.V |

Là người chỉ huy góp phần xây dựng và hoạt động của nhiều nhà tình báo nổi tiếng của Việt Nam, cuộc đời hoạt động của ông khá kỳ lạ.

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả cuốn sách "Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo". Cuốn sách hé lộ những bí mật giúp nhà tình báo Mười Hương sống một cuộc đời can đảm xuyên qua hai cuộc kháng cùng những thử thách khắc nghiệt chốn lao tù. Đây là bài viết riêng của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải cho Zing.

Ông Trần Quốc Hương hay Trần Ngọc Ban - bí danh Mười Hương tham gia cách mạng từ năm 1937 trong phong trào thanh niên. Mới 15 tuổi, ông bị Pháp bắt vì giữ lá cờ vào năm 1941.

Vào ban công tác đặc biệt của Trung ương, bên cạnh ông Trường Chinh, làm báo ở chiến khu Việt Bắc, ông là một trong số cán bộ đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào chi viện cho miền Nam.

Ông Mười Hương đã trải qua tù đày ở cả hai thời kỳ Pháp - Mỹ, kiên cường sống sót qua chế độ lao tù của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn. Cuộc đấu trí với Ngô Đình Nhu là một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời làm tình báo của ông Mười Hương.

Chịu đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng

Nhưng ngoài bản lý lịch điển hình của các nhà lãnh đạo cách mạng lão thành, một “thế hệ cộng sản vàng”, con người ông có nhiều phẩm chất đặc biệt và tư chất độc đáo hiếm có. Do yêu cầu công tác, anh thanh niên Mười Hương sống ở một căn gác ở Hà Nội và làm việc, quen thân các trí thức lớn như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Thôi Hữu…

Có chuyện đặc biệt là khi Thôi Hữu bị bắt, không muốn để giặc tra tấn mình nên đã cắt cổ tự sát, địch đưa vào Bệnh viện Bạch Mai. Chàng trai trẻ Mười Hương đã lập kế hoạch lẻn vào thăm ngay khi lính địch canh gác xung quanh. Anh mặc áo blouse, mũ trùm đầu nấp sẵn khi lính thay ca rồi theo người y tá vào.

Nhận ra anh, Thôi Hữu vừa bất ngờ cảm động vừa sợ anh bị bắt nên ứa nước mắt. Mười Hương đưa vội tiền và bánh mì rồi phải đi ngay. Có nhiều người yêu nước chịu đựng tra tấn tù đày. Với ông Mười Hương, ngoài ý chí người chiến sĩ - một điều rất riêng tư, rất con người, rất tự trọng đã được ông dùng như liều thuốc để can đảm hơn.

Đó là "một trong những hình ảnh lưu giữ động viên tôi nhiều nhất là cặp mắt trong veo của con trai tôi. Mình phải làm sao để khi về, hai cha con có thể nhìn thẳng vào mặt nhau. Nếu tôi phản bội, tôi làm gì sai, thì rồi sống cũng như chết thôi". Ông có một triết lý để vượt qua những oan trái: Chịu đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng.

Trong tù, bị cho cơm sống, ông vẫn cố ăn để sống. Suy tư, chịu đựng đến nỗi sau năm 1975 ra Bắc điều trị, buổi trưa thấy bóng y tá qua lại, ông vẫn tưởng là lính gác. Một vị bác sĩ nhận xét: "Ông bệnh nhân này cư xử, cảm nhận như một người tù".

Ông cũng chịu oan khuất trong nội bộ, phải có tổ chức Đảng xác minh và kết luận sáng tỏ. Và ông đã góp sức, đã tin tưởng nên kiên trì minh oan giúp đỡ được cho một số người trong đó có Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Tài…

Có một chuyện trong tù khá kỳ lạ. Rét quá, bạn tù ra hiệu phơi mảnh vải rồi bỏ đấy cho ông lấy vào, bí mật tự khâu quần lúc trưa (là lúc cai tù không có mặt). Một hôm đang khâu thì cai tù bỗng tiến đến rình bắt được, hất hàm quát hỏi “Mày làm gì?”.

Hỏi mấy lần ông không trả lời. Sau cùng ông nói đời ông là thầy giáo chưa bao giờ mày tao với ai, với con, ông cũng dạy như vậy.

Biết mình lỗ mãng, hơi xấu hổ nên cai tù chữa lại "Anh làm gì?". Cuộc trao đổi truy vấn cuối cùng ông vẫn giữ được bí mật để người cho vải không bị liên lụy, còn người cai tù tò mò tìm hiểu tính cách ông, thấy lạ và đã bỏ qua.

Cuộc đời đặc biệt của người thầy tình báo Mười Hương - Ảnh 1.

"Người thầy tình báo huyền thoại" Mười Hương. Ảnh: Thiền Tôn Phật Quang.

"Tôi chỉ là anh... chỉ trỏ"

Tư duy và tài năng Trần Quốc Hương không chỉ để vượt qua hiểm nghèo, mà còn là tư duy tầm cỡ chiến lược - phẩm chất người chỉ huy tình báo. Gọi là “người chỉ huy “ của các nhà tình báo huyền thoại Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo… ông cũng không nhận.

"Chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả lực lượng cách mạng, tôi chỉ là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh… chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh tình báo ấy giỏi, lập nên nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng", ông giải thích.

Phải tìm hiểu mới rõ "vai trò chỉ trỏ" của ông đã góp phần tìm ra hướng thích hợp cho từng tài năng phát huy.

Hiểu rõ Lê Hữu Thúy là cử nhân văn chương, quen nhiều quan chức cao cấp, vào được lực lượng Hòa Hảo. Ông hiểu và góp hướng cho ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ bám cha Lê Hữu Từ.

Vì ngay ngoài Bắc, ông Mười Hương được giao đi tìm người để gài vào Nam. Chính ông đã "tìm ra hai anh cán bộ của Thị ủy Thái Bình là Nhạ và Ruật" (Vũ Ngọc Nhạ và Vũ Hữu Ruật - PV).

Ông cũng góp sức tìm ra hướng để Phạm Xuân Ẩn phải sang Mỹ học báo chí.

"Ẩn phải đi học rồi về làm báo Mỹ. Anh phải hiểu rõ văn hóa Mỹ, cái hay của Mỹ, để về viết và nghĩ như người Mỹ. Kết hợp văn minh hiểu biết với nhân văn, văn hóa Việt Nam, mới ra được con người như Ẩn", ông nói.

Ông Trần Quốc Hương (tên thật là Trần Ngọc Ban, biệt danh Mười Hương) sinh năm 1924, quê ở Hà Nam. Ông nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943; từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh... Ông bị tù đày trong nhà tù thực dân Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 11/6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông Trần Quốc Hương đã từ trần hồi 10h10 ngày 11/6, tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại