Đây được xem là câu trả lời cho những sức ép ngày càng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Iran, kìm hãm sự phát triển kinh tế của nước này khi chỉ vừa mới khởi sắc sau thỏa thuận lịch sử năm 2015.
Trong một phát biểu ở thủ đô London, Anh, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hôm 22/2 đã gần như "chĩa mũi nhọn" về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng, chính lập trường của người đứng đầu nước Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 đã tạo ra "một bầu không khí phá hoại", ngăn cản các doanh nghiệp giao thương tự do với Iran. Theo ông, nếu nhìn từ góc độ của Iran, thỏa thuận không phải là một thành công. Iran không được hưởng đầy đủ những lợi ích từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngừng chỉ trích thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama, cho rằng đây là một văn kiện tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng đàm phán, với "những thiếu sót kinh khủng".
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, những bình luận như vậy là một sự vi phạm thỏa thuận, là một "liều thuốc độc đối với giới doanh nghiệp". Ông không nghĩ rằng, thỏa thuận có thể được duy trì trong tình trạng như vậy. Nếu các doanh nghiệp và các ngân hàng không thể làm việc với Iran, nước này cũng sẽ không thể duy trì một thỏa thuận không có lợi.
Ông Abbas Araghchi cũng một lần nữa nhắc lại lập trường của Iran từ chối bất kỳ sửa đổi nào đối với văn kiện và cảnh báo nếu thỏa thuận bị đổ vỡ, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới rất khó giải quyết.
Dù đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Iran đề cập khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng nó lại cho thấy quyết tâm ngày càng tăng của Iran không nhượng bộ trước sức ép ngày một tăng từ phía Mỹ. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng khẳng định nước này sẽ tuân thủ mọi cam kết miễn là các bên khác không vi phạm thỏa thuận, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ hối tiếc nếu vi phạm Kế hoạch hành động chung toàn diện.
"Nếu chúng tôi đã ký bất cứ thỏa thuận hay hợp đồng nào, chúng tôi sẽ cam kết thực hiện đến ngày cuối cùng. Nếu chúng tôi muốn vi phạm thỏa thuận, chúng tôi đã không ký ngay từ đầu. Nếu chúng tôi không ký có nghĩa là chúng tôi không muốn có cam kết, chúng tôi sẽ không thương lượng ngay từ lúc đầu. Sau khi đã ký sẽ không có chỗ để thương lượng lại", ông nói.
Đạt được ngày 14/7/2015, thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện yêu cầu các nước phương Tây dỡ bỏ dần dần và có điều kiện các lệnh trừng phạt với Iran để đổi lại nước này sẽ không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Văn kiện được xem là một bước ngoặt lịch sử, chấm dứt những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ qua liên quan chương trình hạt nhân Iran.
Trong bối cảnh những động thái "ngược chiều" của Mỹ, hiện có một nỗ lực quốc tế rất lớn nhằm duy trì văn kiện. Bởi tất cả đều hiểu rằng, lý do thực sự khiến Mỹ muốn rút khỏi thỏa thuận hoàn toàn không liên quan tới việc Iran có tuân thủ các cam kết hay không, mà bắt nguồn từ những tham vọng địa chính trị của nước này. Và bởi, ngoài lợi ích kinh tế, những người ủng hộ thỏa thuận tin rằng, nếu sụp đổ, điều này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khiến tình hình Trung Đông thêm căng thẳng.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Reuters hôm 22/2 dẫn báo cáo hàng quý của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định, Iran vẫn tuân thủ những giới hạn đề ra trong thỏa thuận hạt nhân. Nước này tiếp tục các kho urani làm giàu cấp độ thấp và các kho nước nặng không vượt mức trần, cũng như không làm giàu urani vượt mức giới hạn 3,67% được xác định trong Kế hoạch hành động chung toàn diện. Theo báo cáo, Iran cũng đã gửi thư tới Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, trong đó thông báo quyết định "xây dựng các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân" trong tương lai./.