Cuộc đàm phán bí mật giải vây cho nhà máy Azovstal

Trà Khánh/VTC News |

Một cuộc đàm phán bí mật giữa một chính trị gia Ukraine và các tướng lĩnh Nga đã giúp cả hai bên giải thế bế tắc trong cuộc vây hãm ở Mariupol vào giữa tháng 5/2022.

Theo phóng sự độc quyền của CNN , để đạt được thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở thành phố Mariupol và giải vây cho nhà máy thép Azovstal, nghị sĩ Ukraine Oleksandr Kovalov đã thực hiện nhiều cuộc đàm phán bí mật với các tướng lĩnh hàng đầu của Nga ngay từ cuối tháng 4/2022.

Vây hãm nhà máy thép Azovstal

Tháng 4/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu tại Điện Kremlin, thảo luận về việc vây hãm nhà máy thép Azovstal ở thành phố Đông Nam Ukraine.

Nhà máy thép Azovstal là vị trí cuối cùng lực lượng Ukraine phòng thủ Mariupol còn kiểm soát. Người Ukraine xem Azovstal như một biểu tượng cho sự phản kháng mạnh mẽ, nơi bảo vệ 2.600 binh sĩ và thường dân trước các cuộc pháo kích kéo dài trong nhiều tuần của Nga.

Ngay trong cuộc họp, Tổng thống Putin đã ra lệnh: "Phong tỏa Azovstal để một con ruồi cũng không thể chui lọt".

Song song với yêu cầu thắt chặt vòng vây đối với Azovstal thì Nga và Ukraine cũng tiến hành thiết lập một kênh đàm phán bí mật nhằm phá giải thế bế tắc ở Mariupol. Các nhân vật chủ chốt trong cuộc đàm phán này có hai tướng cấp cao Nga và một nghị sĩ Ukraine từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Liên Xô.

Cuộc đàm phán bí mật giải vây cho nhà máy Azovstal - Ảnh 1.

Vị trí nhà máy Azovstal tại thành phố Mariupol, đông nam Ukraine. (Đồ họa: CNN)

Theo CNN , nghị sĩ Ukraine đóng vai trò đặc biệt cuộc đàm phán bí mật hóa giải cuộc vây hãm ở Azovstal là ông Oleksandr Kovalov.

Ông Kovalov nói với CNN rằng ông đứng ra làm trung gian cho giai đoạn đầu của cuộc đàm phán. Đại diện của phía Nga là Trung tướng Vladimir Alexseyev và Thiếu tướng Alexander Zorin – hai chỉ huy cấp cao của Cơ quan Tình báo quân đội Nga GRU.

CNN cho biết, việc các lãnh đạo cấp cao của GRU tham gia vào cuộc đàm phán bí mật ở Mariupol cho thấy điện Kremlin muốn sớm giải quyết dứt điểm Azovstal và chiếm Mariupol. Điều này sẽ giúp Moskva sớm hoàn thành mục tiêu thiết lập vành đai trên bộ nối liền miền Đông Ukraine với bán đảo Crimea.

Nơi trú ẩn dưới lòng đất

Sau khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt (24/2/2022), các lực lượng Nga nhanh chóng tiến vào thành phố Mariupol chỉ sau vài ngày nhưng họ lại mất nhiều tháng để cố gắng chiếm hoàn toàn thành phố này. Nhà máy thép Azovstal nhanh chóng trở thành tâm điểm của cuộc chiến khi nó cản trở Moskva kiểm soát hoàn toàn Mariupol.

Nằm bên bờ biển Azov, trải dài trên diện tích gần 11 km2 với một hệ thống đường hầm, đường ống chằng chịt, nhà máy Azovstal trở thành đống đổ nát do bị pháo kích liên tục.

Các lực lượng Nga đã nã pháo vào cơ sở này cả ngày lẫn đêm trong nhiều tuần. “Pháo đài” cuối cùng của người Ukraine ở Mariupol lâm vào tình cảnh tuyệt vọng khi nguồn cung lương thực và nước uống cạn kiệt, trong khi đó những người bị thương không được chăm sóc y tế đầy đủ.

Phải sống trong lòng đất với điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, binh sĩ và dân thường Ukraine bắt đầu nghi ngờ liệu họ có thể sống sót thoát khỏi nhà máy hay không.

Đúng lúc đó ông Kovalov xuất hiện, mở ra một lối thoát cho cuộc vây hãm.

Nghị sĩ này đại diện cho một khu vực bầu cử ở Donetsk, miền Đông Ukraine, nơi ông đã vận động để bãi bỏ luật coi tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính thức, vấn đề tối quan trọng đối với nhiều người nói tiếng Nga tại đây.

Khi chiến dịch vây hãm Mariupol kéo dài, Kovalov cho hay ông đã nghĩ rằng phải có ai đó chấm dứt tình thế điên rồ này.

“Không phải tất cả mọi người đều muốn chiến tranh. Nhiều người hiểu rằng đó một cuộc vây hãm tồi tệ và mỗi chúng tôi trong quyền hạn của mình đều đang cố gắng tìm một cơ hội nhằm chấm dứt nó” , ông Kovalov nói với CNN .

Sau đó Kovalov nhờ cậy tới người quen cũ Valentin Kryzhanovsky, một đầu mối liên lạc của Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ở Moskva, với hy vọng có thể khép lại cuộc vây hãm nhà máy Azovstal.

Kryzhanovsky từng là đặc vụ Cơ quan Tình báo Ukraine (SBU), nhưng đã chuyển sang phục vụ Nga vào năm 2014 và gia nhập FSB. Hai người bàn về những thường dân mắc kẹt ở Azovstal.

"Có cả phụ nữ và trẻ em dưới hầm ngầm, nên chúng ta cần nghĩ ra thứ gì đó" , Kovalov nói với Kryzhanovsky.

Theo ông, nhiều người khác đã cố gắng thương lượng để tiếp cận nhà máy thép Azovstal nhưng đều thất bại.

"Không ai tin rằng đây là nhiệm vụ khả thi", Kovalov nói.

Ông đã trình bày rõ kế hoạch trung gian đàm phán với Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục tình báo quân đội Ukraine (GUR). Mặc dù tướng Budanov nghi ngờ về cơ hội thành công, ông vẫn chúc Kovalov may mắn.

Cuộc đàm phán bí mật giải vây cho nhà máy Azovstal - Ảnh 2.

Oleksandr Kovalov (trái) và đầu mối liên lạc Valentin Kryzhanovsky gặp Trung tướng Nga Andrey Sychevoy (giữa) trên một con đường ở Mariupol ngày 27/4/2022. (Ảnh: CNN)

Chuyến đi đến Azovstal

Ngày 25/4, Kovalov thực hiện chuyến đi đầu tiên đến miền Nam Ukraine, lúc bấy giờ đang do Nga kiểm soát. Ông mang theo thiết bị liên lạc được mã hóa và một mật khẩu từ tướng Budanov để có thể dễ dàng đi qua các trạm kiểm soát của Ukraine, cũng như liên lạc với các chỉ huy đơn vị cố thủ tại Mariupol.

Ông Kovalov đã cung cấp nhiều hình ảnh được ghi lại trong chuyến đi đến Mariupol và sau đó là Azovstalv. Những hình ảnh này đã được CNN xác minh lại và chúng phù hợp với lịch trình mà Kovalov cung cấp.

“Chúng tôi bị ném bom, bị pháo kích. Chúng tôi đang ở trong một thành phố bị phá hủy hoàn toàn. Một thành phố gần như bị xóa sổ khỏi mặt đất. Chúng tôi chính xác là tâm điểm của cuộc chiến” , ông Kovalov nói.

Để Kovalov có thể tiếp cận nhà máy Azovstal, Nga và Ukraine đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn tạm thời.

Ngày 27/4, Kovalov được chụp trong một bức ảnh giống như một cảnh trong một bộ phim gián điệp. Bức ảnh chụp Kovalov cùng với Kryzhanovsky và Trung tướng Andrey Sychevoy, tư lệnh Quân đoàn cận vệ số 8 thuộc Quân khu phía Nam của Nga, ngồi giữa đường quanh một chiếc bàn nhỏ ở Mariupol

Kovalov cho biết ông đã ngồi cả ngày với vị tướng có biệt danh là “Don”. Sychevoy chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công vào Mariupol, và được đồn đại là đã thay thế Đại tá Alexander Zhuravlyov sau giai đoạn chững lại ban đầu của cuộc chiến.

Trong khi bức ảnh về cuộc gặp cho thấy mọi thứ có vẻ yên bình nhưng Kovalov lại cho biết: “Thực tế mọi thứ đang bùng nổ. Chúng tôi đã làm mọi thứ để tình thế ở Azovstal được hóa giải”.

Dân thường là ưu tiên hàng đầu, khi những lời cầu xin tuyệt vọng của họ từ dưới hầm ngầm nhà máy thép khiến cả thế giới chú ý. Kovalov nói ông đã thuyết phục tướng Nga rằng việc cứu giúp, trước hết là trẻ em, phụ nữ và những người bị thương, "sẽ là hành động đúng đắn, cho thấy lòng nhân đạo".

Đến đầu tháng 5, Nga thiết lập hành lang nhân đạo để Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế sơ tán hàng trăm dân thường khỏi Azovstal và các khu vực khác của thành phố trong một chiến dịch mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mô tả là "rất phức tạp".

Ngày 7/5, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vershchuk thông báo "tất cả phụ nữ, trẻ em và người già" đều được đưa khỏi nhà máy thép an toàn.

Nhưng những người lính Ukraine vẫn bám trụ trong hầm ngầm và các cuộc tấn công của Nga vào nhà máy lại bắt đầu.

Ông Kovalov trở lại Mariupol và bàn đàm phán vào ngày 9/5, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức ở Nga. Ông cho biết trong lần thứ 2 đến Mariupol, cả hai bên đều thể hiện muốn đàm phán.

Thời điểm đó, tướng Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine, nhất quyết yêu cầu đại diện của mình có mặt tại các cuộc đàm phán và cử cấp phó Dmitrii Usov tham gia.

Phía Nga cũng quyết định rằng họ phải thể hiện mạnh mẽ hơn trên bàn đàm phán, khi tướng Alexseyev và tướng Zorin đến Mariupol.

Kovalov cho biết ông không ngạc nhiên khi thấy các tướng Alexseyev và Zorin tại bàn đàm phán.

“Quá trình này được tính là một hoạt động đặc biệt bên ngoài cuộc chiến” , Kovalov nói. Những cuộc nói chuyện này cần một liên lạc viên đặc biệt.

Christo Grozev, chuyên gia từ nhóm điều tra trực tuyến Bellingcat, người chuyên theo dõi hoạt động của cơ quan an ninh Nga suốt nhiều năm, nhận định việc tướng Alexseyev xuất hiện là hoàn toàn hợp lý.

“Ông ấy là người được giao phó mọi thứ liên quan đến cuộc xung đột", Grozev nói.

CNN đã chia sẻ hai bức ảnh về các cuộc gặp với Grozev và ông xác nhận rằng những bức ảnh đó có vẻ là tướng Alexseyev và Zorin.

Theo Kovalov, trong cuộc đàm phán ngày 9/5, Alexseyev liên tục nghỉ giữa chừng để gọi về Moskva. Kovalov cho rằng Alexseyev có "kết nối vệ tinh trực tiếp" với Bộ Quốc phòng Nga.

"Tướng Alexseyev có vị trí rất cao" , Grozev nói. "Tôi nghĩ ông ấy có thể báo cáo trực tiếp với Nikolai Patrushev" , người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga. Sau đó, Patrushev sẽ báo cáo với Tổng thống Putin.

Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận về các cuộc đàm phán trên.

Cuộc đàm phán bí mật giải vây cho nhà máy Azovstal - Ảnh 3.

Ông Kovalov cùng các tướng Nga gặp đại diện quân đội Ukraine tại lối vào đường hầm nhà máy Azovstal ngày 16/5/2022. (Ảnh: CNN)

Một phút tin tưởng

Khi các cuộc đàm phán tiến triển, chuyến thăm thứ ba của Kovalov tới Mariupol đã được sắp xếp. Và một trong những khoảnh khắc hiếm hoi của cuộc xung đột đã diễn ra khi các tướng lĩnh Nga gặp các chỉ huy Ukraine bên trong Azovstal.

Sáng 16/5, đoạn video do Kovalov quay lại cho thấy tướng Alexseyev và Zorin trên đường đi bộ đến Azovstal. Phái đoàn Nga sau đó gặp một nhóm gồm ít nhất 6 binh sĩ Ukraine, trong đó có trung tá Denys Prokopenko, chỉ huy Tiểu đoàn Azov cố thủ trong nhà máy.

"Đây là khoảnh khắc mà chúng tôi lo lắng", Kovalov nói. "Khoảnh khắc của sự thật. Khi chúng tôi làm mọi cách để hai bên xích lại gần nhau, nhìn vào mắt nhau, phía Nga đã hứa sẽ có lối thoát cho binh lính Ukraine".

Theo lời Kovalov, các điều khoản thỏa thuận được nêu ra rất đơn giản. Binh sĩ Ukraine sẽ ngừng chiến đấu, từ bỏ nhà máy và bị Nga bắt làm tù binh.

"Đó là những điều kiện cho một lệnh ngừng bắn nói chung. Azovstal đầu hàng, các điều khoản văn minh về đối xử với tù binh và một cuộc trao đổi", ông nói thêm.

Thỏa thuận được thực hiện mà không gặp trở ngại nào, Kovalov cho hay. Đến cuối ngày, những người bị thương nặng nhất đều được đưa khỏi nhà máy.

Tối cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thông báo việc sơ tán binh lính Ukraine khỏi Azovstal đã bắt đầu. Bà Maliar cho biết 53 binh sĩ bị thương được đưa đến một bệnh viện của Nga và 200 người bị chuyển đến một trung tâm giam giữ ở Olenivka, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR).

Giữa trưa ngày 17/5, những hàng dài lính Ukraine bắt đầu hành trình tới nơi giam giữ. Khuôn mặt họ hốc hác và xanh xao, nhiều người phải chống nạng hoặc nằm trên cáng, những người khác đi khập khiễng và một số bị thương nặng.

Binh sĩ Ukraine bắt đầu rút khỏi Azovstal vào ngày 17/5, sau khi cuộc đàm phán kết thúc. (Nguồn: CNN)

Kovalov nói ông thấy đau lòng khi chứng kiến quân đội Ukraine trong tình trạng như vậy, nhưng nó cũng nhấn mạnh tính cấp bách của thỏa thuận.

"Họ yêu cầu được giúp đỡ và chúng tôi đã làm mọi cách để hỗ trợ. Nhìn họ rời khỏi Azovstal, tôi nhận ra rằng những nỗ lực của chúng tôi không vô ích", ông chia sẻ.

Đến ngày 18/5, Kovalov đã có thể tiếp cận những người lính Ukraine ở Olenivka. Ông đã quay video về điều kiện sống của họ và các bác sĩ có mặt để điều trị cho họ. Đây là lần cuối cùng Kovalov nhìn thấy những người lính này.

Hai tháng sau, vào ngày 29/7, một vụ nổ bí ẩn tại trại giam Olenivka khiến hơn 50 tù nhân chiến tranh Ukraine thiệt mạng, bao gồm cả những binh sĩ đã đầu hàng tại Azovstal. Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công.

Theo Kovalov, khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine ở Azovstal đang bị giam giữ, một số tại các địa điểm ở Donetsk, nhưng hầu hết là ở Nga. Ông vẫn tiếp tục tìm cách đưa họ về nhà, có lẽ thông qua các cuộc trao đổi tù nhân vẫn được hai bên tổ chức.

Chính phủ Ukraine cũng công nhận nỗ lực trung gian đàm phán của Kovalov.

"Kovalov đã mang đến những hỗ trợ quan trọng và vô giá cho Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng", tướng Budanov viết trong một bức thư gửi lãnh đạo Quốc hội Ukraine.

"Ông ấy đã mạo hiểm tính mạng và sức khỏe của mình, là người duy nhất đi cùng những người bảo vệ Mariupol và Azovstal đến nơi họ bị giam. Bản thân điều đó đã là một hành động vĩ đại" , bức thư có đoạn.

Khi được CNN hỏi về cuộc đàm phán, văn phòng của tướng Budanov từ chối bình luận về sự tham gia của Kovalov, nhưng đã xác nhận phó chỉ huy GUR Dmitrii Usov đã tham gia vào các cuộc đàm phán.

Khi nói về thành công của cuộc đàm phán ở Azovstal, ông Kovalov nói đây là thành công chung chứ không riêng gì của bản thân ông. Điều quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán này là cứu mạng các binh sĩ và thường dân Ukraine.

Ông Kovalov cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo để trao trả những binh sĩ ở Azovstal đã được lên kế hoạch và ông đang cố gắng để quá trình này được diễn ra.

Kovalov hy vọng câu chuyện về cuộc đàm phán bí mật ở Azovstal sẽ cho tất cả các bên tham chiến thấy cơ hội đàm phán đi đến hòa bình vẫn còn dù nó mong manh đến thế nào đi nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại